TS.BS Lê Quốc Hùng - Trưởng Khoa Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Chợ Rẫy cho biết trường hợp bệnh nhân Phạm Văn Tâm bị rắn hổ mang chúa cắn được cứu sống là trường hợp nặng nhất từ trước đến nay và là ca thứ 8 khoa tiếp nhận trong suốt 16 năm qua.
"Mỗi năm, Bệnh viện Chợ Rẫy tiếp nhận từ 800-1.000 trường hợp bị rắn cắn, nhưng bị rắn hổ mang chúa cắn thì suốt 16 năm qua chỉ có 8 trường hợp. Một phần vì rắn hổ mang chúa thường ở sâu trong rừng, người dân ít gặp, hoặc nếu có bị cắn, bệnh nhân đa số tử vong trước khi đến bệnh viện, do đây là một trong những loại rắn trên cạn độc nhất", BS Hùng nói.
Ngày 19/8, bệnh nhân Phạm Văn Tâm (38 tuổi, ngụ tỉnh Tây Ninh) được đưa đến cấp cứu trong tình trạng có vết thương lớn ở đùi, liệt tứ chi, đồng tử giãn, mất phản xạ do rắn cắn. Trước đó, người này bị một con rắn hổ mang chúa dài khoảng 2,5m, nặng 4,6kg cắn vào đùi. Lúc này, con rắn được chuyển cùng bệnh nhân đến Bệnh viện Chợ Rẫy trong tình trạng buộc chặt miệng và đã chết.
Xác định bệnh nhân có biến chứng nhiễm độc thần kinh nặng do rắn hổ mang chúa cắn, các bác sĩ nhanh chóng chuyển bệnh nhân lên khoa Bệnh nhiệt đới điều trị. Bệnh nhân được sử dụng 20 lọ huyết thanh kháng nọc rắn đặc hiệu. Sau khi sử dụng huyết thanh, bệnh nhân bắt đầu tỉnh táo, không phải thở máy.
Tuy nhiên, 12 giờ sau, bệnh nhân có biểu hiện viêm cơ tim và rối loạn nhịp tim. BS Kiều Ngọc Dũng - Phó trưởng khoa Điều trị rối loạn nhịp tim chia sẻ lúc này, nhịp tim bệnh nhân rối loạn nghiêm trọng, có thể tử vong trên đường đến phòng phẫu thuật, các bác sĩ buộc phải đặt máy tạo nhịp cấp cứu ngay tại giường bệnh. Ổn định được vài tiếng sau khi đặt máy tạo nhịp, đến chiều cùng ngày, bệnh nhân có dấu hiệu mệt mỏi, lừ đừ.
Tiên lượng bệnh nhân có thể chuyển biến nặng, các bác sĩ quyết định chuyển bệnh nhân đến khoa Hồi sức cấp cứu.
"Kinh nghiệm nhiều năm cho thấy bệnh nhân có thể diễn tiến xấu bởi các biến chứng rối loạn tim phổi do nọc độc từ vết thương, chúng tôi quyết định chuyển bệnh nhân lên khoa Hồi sức cấp cứu, bởi nơi đây có hệ thống ECMO (tim phổi nhân tạo), sẽ cấp cứu kịp thời nếu các phương án khác không hiệu quả", BS Lê Quốc Hùng chia sẻ.
Đúng như dự liệu, chỉ vài giờ sau khi chuyển đến khoa Hồi sức cấp cứu, bệnh nhân bắt đầu chuyển biến nặng, tri giác lơ mơ, chỉ số nhiễm trùng huyết tăng dần, bạch cầu giảm thấp, vết cắn ở đùi có xu hướng hoại tử lan rộng ra cả phần đùi, hông, tầng sinh môn… Đặc biệt, có thời điểm bệnh nhân đe dọa tử vong.
"Nguyên đêm đó, chúng tôi phải thức suốt đêm, liên tục hội chẩn nhiều lần với các chuyên khoa khác để tìm cách cứu bệnh nhân, chúng tôi phải tiến hành lọc máu liên tục, thay huyết tương, sử dụng kháng sinh liều cao, các loại thuốc kích thích hệ miễn dịch… Đã có những lúc chúng tôi tưởng đã mất bệnh nhân vì tình trạng quá nặng. Nhưng với tâm thế cố gắng hết sức, còn nước còn tát, rất may đến sáng hôm sau, bệnh nhân bắt đầu có dấu hiệu ổn định trở lại", BS Nguyễn Lý Minh Duy, khoa Hồi sức cấp cứu, cho hay.
Sau khi bệnh nhân ổn định dần, độc tố trong cơ thể được trung hòa, bệnh nhân được liên tục cắt bỏ các phần hoại tử ở vết cắn, ghép da với diện tích 5% cơ thể… "Bệnh nhân này đã trải qua quá trình điều trị phức tạp, từ thở máy sang cai được máy thở, rồi lại phải quay trở lại thở máy. Diễn tiến bệnh chuyển biến nhanh, liên tục chỉ trong vài giờ, thậm chí có những lúc tưởng chừng đã gần đến cửa tử, song may mắn là chúng tôi có được cơ số thuốc điều trị đầy đủ, tiên lượng được từng chuyển biến của bệnh nhân để có hướng điều trị kịp thời", TS.BS Lê Quốc Hùng cho biết.
Sau 22 ngày điều trị, hiện bệnh nhân đã ổn định, có thể được xuất viện trong vài ngày tới. Được biết, mỗi năm, Bệnh viện Chợ Rẫy tiếp nhận từ 800-1.000 trường hợp bị rắn cắn, trong đó tỷ lệ tử vong khoảng 2%. Đa số các ca tử vong do không nhập viện ngay, mà tự điều trị tại nhà, đến khi nhập viện đã bị biến chứng quá nặng.
TS.BS Lê Quốc Hùng khuyến cáo người dân không nên bắt rắn, bởi trong tự nhiên có nhiều loại rắn độc, có thể gặp nguy hiểm khi bị rắn cắn, thậm chí ảnh hưởng đến tính mạng. Đặc biệt, người dân cần cẩn trọng không nên cho trẻ em tiếp xúc gần với các loại động vật hoang dã và các loại thú nuôi có thể gây sát thương.
Khi bị rắn cắn, người dân cần rửa sạch vết thương, hạn chế vận động, đến ngay các cơ sở y tế gần nhất để được sơ cứu và được chuyển lên tuyến trên kịp thời nếu bị rắn độc cắn. Người dân tuyệt đối không nên sử dụng các biện pháp đắp lá, uống thuốc của các thầy lang vườn, tránh mất thời gian vàng trong điều trị, có thể có những biến chứng nặng nề về sau, thậm chí tử vong.