Kinh doanh cầm chừng
Tình hình dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn TP.Đà Nẵng đã được kiểm soát tốt, với kết quả sau hơn 14 ngày không có ca lây nhiễm mới trong cộng đồng. Chính vì thế, để tạo điều kiện phục hồi và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội thì các cửa hàng, cơ sở kinh doanh ăn uống được phép bán trở lại với điều kiện tuân thủ các quy định phòng chống dịch.
Đến nay, đa số các hoạt động trên địa bàn thành phố đã trở lại bình thường và mọi người đều quay trở lại với công việc thường nhật. Vì thế, mỗi ngày lượng xe lưu thông trên các tuyến đường trở nên đông hơn, nhịp sống của thành phố đang dần khôi phục.
Nhìn dòng người tấp nập qua lại, bà Lê Thị Vinh – chủ quán bún trên đường Ông Ích Đường (quận Cẩm Lệ) than thở: "Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, quán bún của tôi phải tạm đóng cửa hơn 1 tháng để phòng chống dịch. Khi dịch bệnh được kiểm soát rồi thì tôi được bán hàng mang về, đến ngày 11/9 thì được bán tại chỗ. Chúng tôi rất phấn khởi, nhưng mua bán ế lắm, khách hàng thưa thớt, cả bán mang về lẫn phục vụ tại chỗ cũng chỉ được dăm ba chục tô".
Theo quan sát, đa số các quán cà phê, quán ăn, cửa hàng buôn bán nhỏ lẻ đã mở cửa từ sớm để đón khách. Trong khi đó, các nhà hàng, quán ăn lớn vẫn "nằm im lìm" vì lượng khách hiện nay nhìn chung khá vắng lặng. Đặc biệt là khi hoạt động kinh doanh du lịch, dịch vụ của thành phố chưa được hoạt động nên sức tiêu thụ chính đều dựa vào dân bản địa.
Các nhà hàng, cơ sở kinh doanh ăn uống mới vừa "ngoi" lên sau đợt dịch trước được vài tuần, thì nay lại tiếp tục "chật vật" để tồn tại sau đợt dịch thứ 2. Dù thực khách rất ít, thưa thớt nhưng chủ quán vẫn mở bán nhằm giữ khách quen, hoạt động cầm chừng, cắt giảm 50% nhân viên phục vụ so với trước. Ngoài ra, họ hi vọng Covid-19 sớm hoàn toàn bị "đánh bay" khỏi thành phố mới dám đầu tư thêm để phục vụ khách hàng.
Hàng quán "hóng" khách
Người dân TP.Đà Nẵng rất vui mừng vì tình hình dịch bệnh Covid-19 được kiểm soát tốt, giãn cách xã hội được nới lỏng và cuộc sống trở nên thoải mái hơn. Đặc biệt là các quán cà phê, cửa hàng ăn uống nhỏ lẻ chủ động tuân thủ biện pháp phòng dịch, vệ sinh sát khuẩn thường xuyên, nhắc nhở khách hàng rửa tay khử khuẩn trước và sau khi ăn uống.
Vợ chồng ông Chín bán hàng ăn sáng gần trường Đại học Sư Phạm Đà Nẵng cho biết: "Trông chờ khá lâu vợ chồng tôi mới mở quán ra bán lại, nhưng đứng "hóng" dòng người qua lại cả buổi sáng cũng chỉ bán được 15 ổ bánh mỳ, bán sữa cũng rất khó. Thường thì tôi bán đến 9 giờ sáng là nghỉ, nhưng nay bán chậm và ế quá nên phải đem bánh mỳ dư đi cho. Bởi từ đợt dịch vừa qua, mọi người đã quen với việc tự chuẩn bị bữa ăn sáng tại nhà, tự nấu nướng. Cho nên khách đến quán tôi mua rất ít, tôi chỉ mong học sinh và sinh viên sớm đi học lại để tình hình bán buôn được cải thiện hơn".
Đồng cảnh ngộ như vợ chồng ông Chín, nhiều quán ăn, tiệm cơm, quán ăn vặt phục vụ sinh viên trên những con đường quen thuộc như: Phạm Như Xương, Ngô Sĩ Liên, Tôn Đức Thắng… vẫn vắng lặng, có nơi chờ sinh viên đi học lại mới mở cửa. Đặc biệt, các tiệm photocopy, tiệm sách cũ nối đuôi nhau "nằm dài" đợi các trường học hoạt động lại.
Anh Thanh, chủ tiệm photocopy trên đường Ngô Sĩ Liên tâm sự: "Do dịch bệnh Covid-19 nên từ đầu năm đến nay tiệm chỉ mở cửa được vài tháng. Hiện nay, học sinh và sinh viên chưa đi học lại nên lượng khách có nhu cầu photo, in màu, in bảng vẽ, đồ án… chẳng đáng là bao, mở cửa chỉ tốn thêm nhiều chi phí. Đợi vài ngày nữa sinh viên đi học lại, thì mọi hoạt động kinh doanh buôn bán ở đây cũng quay về như trước".
Theo đó, UBND TP.Đà Nẵng yêu cầu người dân phải đeo khẩu trang khi ra đường, bảo đảm giãn cách tối thiểu 1m, không tập trung quá 30 người. Từ ngày 14/9 trở đi, học sinh, sinh viên được đi học lại và tùy theo quyết định của cơ quan đào tạo. Đối với các nhóm trẻ, trường mầm non, tiểu học, các cơ sở đào tạo ngoại ngữ, tin học, kỹ năng sống…, các trung tâm tư vấn du học, cơ sở dạy thêm, học thêm…sẽ bắt đầu đi học lại từ ngày 21/9.