Dân Việt

Nghệ An: Săn loài đặc sản nhảy tanh tách dưới mặt đất, dân ở đây ngồi đếm từng con thu tiền đều tay

Mỹ Hà- Hồng Duyên 14/09/2020 06:45 GMT+7
Với giá bán châu chấu từ 150.000 - 200.000 đồng/kg. Những ngày này, nhiều nông dân sinh sống tại Hoàng Mai, Quỳnh Lưu (Nghệ An) dùng xe máy và 2 chiếc vợt khổng lồ chạy khắp trên các cánh đồng để săn châu chấu, hay còn gọi là "máy bay mặt đất" hoặc loài đặc sản nhảy tanh tách dưới mặt đất.

Những ngày này, bà con nông dân các huyện trên địa bàn Hà Tĩnh đều đang bước vào vụ thu hoạch lúa hè thu. Đây cũng là dịp để những người chuyên đi săn bắt châu chấu - người dân địa phương còn gọi là "tôm bay" kiếm thêm thu nhập

Đến mùa thu hoạch lúa hè thu, một số người dân ở Nghệ An lại đi săn "máy bay mặt đất". Những ngày gặp may, họ có thể đánh được hàng chục kg thu về tiền triệu, lượng châu chấu xuất hiện trên các cánh đồng khá nhiều.

Chạy xe máy khắp đồng săn 'máy bay mặt đất' thu tiền triệu mỗi ngày - Ảnh 2.

Trên chiếc xe máy cũ anh Nam chạy từ Quỳnh Lưu (Nghệ An) về các huyện như Đức Thọ, Hương Sơn, Hương Khê (Hà Tĩnh) để săn đặc sản "máy bay mặt đất".

Anh Nguyễn Văn Nam – trú tại huyện Quỳnh Lưu (Nghệ An) cho biết: Từ cuối tháng 7 tới nay, hôm nào tôi cũng mang vợt, chạy xe máy bắt châu chấu trên địa bàn các huyện Diễn Châu, Yên Thành. Năm nay tôi chạy sang các cánh đồng ở Hà Tĩnh nữa. Các năm trước ở cánh đồng ở huyện Đức Thọ, Hương Sơn, Hương Khê rất nhiều châu chấu, nhưng năm nay ít hơn mọi năm".

"Dụng cụ để đánh bắt châu chấu rất đơn giản, chỉ cần sắm 2 chiếc vợt khổng lồ, miệng rộng 60 x 60 cm, lưới dài 1,5 m, trị giá khoảng 300.000 đồng, cùng chiếc xe máy cũ. Khi đến trục đường nội đồng nào đó, tôi đi xe máy với tốc độ vừa phải, đều tay ga, những con châu chấu đậu hai bên vệ đường dễ dàng lọt vào miệng lưới không thể thoát ra được.".

Sau khi chạy được 1 mẻ, nhặt sạch rác trong đáy vợt để dồn châu chấu tập trung vào một bao tải riêng. 

Thời điểm này châu chấu khá nhiều, nên mỗi ngày có thể bắt được từ 8 - 10 kg, mang về bán nhập cho thương lái với giá 150.000 - 200.000 đồng. Trừ mọi chi phí xăng xe, ăn uống... mỗi ngày còn kiếm được trên 1 triệu đồng.

Chạy xe máy khắp đồng săn 'máy bay mặt đất' thu tiền triệu mỗi ngày - Ảnh 3.

Sau mỗi mẻ anh Nam thu lại vào 1 tải lớn để những người đi cùng nhặt sạch rơm rạ.

"Tôi không cần phải đi bán mà thương lái tới tận nhà thu mua, sau đó vận chuyển ra Hà Nội tiêu thụ, có thể chế biến thành món ăn đặc sản. Châu chấu bây giờ được coi là đặc sản của các quán nhậu, nhà hàng nên giá bán mỗi ngày đều tăng lên, hiện tại đang vào mùa nên giá từ 150.000 đến 200.000 đồng/1kg" – anh Nam cho hay.

Chạy xe máy khắp đồng săn 'máy bay mặt đất' thu tiền triệu mỗi ngày - Ảnh 4.

Để săn bắt chúng, một tốp nhỏ khoảng 3 - 4 người.

Chưa có số liệu thống kê hiện có bao nhiêu nông dân Nghệ An làm nghề săn bắt châu chấu như thế này. Nhưng theo anh Nam cho biết, thương lái thu mua là người thị xã Hoàng Mai (Nghệ An), do vậy có khá nhiều người trên địa bàn thị xã Hoàng Mai, Quỳnh Lưu làm nghề bắt châu chấu. 

Chạy xe máy khắp đồng săn 'máy bay mặt đất' thu tiền triệu mỗi ngày - Ảnh 5.

Theo chia sẻ của người dân, bắt đầu từ tháng 8 đến tháng 10 dương lịch là lúc châu chấu sinh trưởng mạnh, chúng thường bay về trú ẩn trên cây lúa để tìm thức ăn.

Hàng ngày, mọi người tản đến các cánh đồng lúa ở các huyện đồng bằng: Thị xã Hoàng Mai, Quỳnh Lưu, Diễn Châu, Yên Thành, Đô Lương...cùng các tỉnh lân cận như Thanh Hoá, Hà Tĩnh để bắt châu chấu, số lượng châu chấu bắt được lên đến hàng tạ.

Chạy xe máy khắp đồng săn 'máy bay mặt đất' thu tiền triệu mỗi ngày - Ảnh 6.

Những năm trở lại đây, loài côn trùng này trở thành đặc sản của đồng quê xứ Việt. Món ăn hấp dẫn này hiện đã có mặt trong nhà hàng, khách sạn nhằm phục vụ nhu cầu ẩm thực của khách hàng, vì thế giá thu mua "máy bay mặt đất" ngày càng cao.

"Nghề đánh bắt châu chấu kéo dài vài ba tháng, từ khi lúa trổ bông cho đến sau thu hoạch, vì châu chấu xuất hiện nhiều trên các cánh đồng", anh Nam chia sẻ.

 

Chạy xe máy khắp đồng săn 'máy bay mặt đất' thu tiền triệu mỗi ngày - Ảnh 7.

Chính vì 1 năm có 2 mùa, lại được bắt tự nhiên nên châu chấu quê trở thành món đặc sản đắt tiền của người dân thị thành hiện nay.

 Việc săn bắt châu chấu góp phần bảo vệ mùa màng và tăng thu nhập cho người dân, nên địa phương nào cũng ủng hộ.