Dân Việt

Làng xóm đẹp như phố, Thanh Oai quyết đạt huyện nông thôn mới năm nay

M.Ngọc - N.Hải 13/09/2020 14:37 GMT+7
Sau 10 năm triển khai xây dựng nông thôn mới (NTM), đến nay huyện Thanh Oai (Hà Nội) đã có 20/20 xã được công nhận đạt chuẩn NTM và 01 xã NTM nâng cao (đạt 100%). Hiện nay, qua rà soát tự đánh giá kết quả thực hiện các tiêu chí huyện NTM, Thanh Oai đã đạt 9/9 tiêu chí, quyết tâm đạt huyện NTM năm 2020.

Theo báo cáo của huyện Thanh Oai về kết quả xây dựng NTM (tính đến tháng 6/2020), trong giai đoạn 2010 - 2020 huyện đã bố trí trên 5.000 tỷ đồng để đầu tư, xây dựng mới, cải tạo, nâng cấp 44,66km đường giao thông trục xã, liên xã; 112,11 đường liên thôn; 215,46km đường ngõ xóm; 297,86km đường trục chính nội đồng; nâng cấp, cải tạo kiên cố hóa 6,96km kênh mương cấp 3; trường học, nhà văn hóa, điểm thu gom rác được cải tạo, nâng cấp.

UBND huyện Thanh Oai cho biết, nhiều nhóm tiêu chí xây dựng NTM huyện đạt kết quả cao như: 100% trục chính, đường liên thôn được cứng hóa, bê tông, trải nhựa Asphalt; 100% đường ngõ xóm rộng trên 2m có điện chiếu sáng; 100% trạm y tế các xã đã đạt chuẩn; 100% hộ gia đình nông thôn sử dụng nước hợp vệ sinh; 100% thôn, tổ dân phố có nhà văn hóa hoặc nơi sinh hoạt văn hóa cộng đồng… 

Đặc biệt, tính đến hết năm 2019 thu nhập bình quân đầu người của huyện đạt 48,56 triệu đồng (tăng 40,6 triệu đồng so với 2010). Năm 2020, Thanh Oai phấn đấu đạt 55 triệu đồng/người/năm.

Làng xóm khang trang, sạch đẹp, đẩy mạnh nông nghiệp công nghệ cao, Thanh Oai quyết đạt huyện NTM năm 2020 - Ảnh 1.

Gạo thơm Bối Khê của HTX nông nghiệp Tam Hưng, huyện Thanh Oai được TP Hà Nội đánh giá là sản phẩm OCOP 4 sao năm 2019.

Ngân hàng chính sách xã hội huyện đã giải ngân cho 576 hộ nghèo, 1.012 hộ cận nghèo vay vốn để phát triển sản xuất với tổng kinh phí 37,059 tỷ đồng. 

Kết quả: Cuối năm 2010, tỷ lệ hộ nghèo của huyện là 11,42%; đến năm 2015 tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống 5,57%. Đến năm 2019, tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống 0,78% (sau khi đã trừ đi các đối tượng thuộc bảo trợ xã hội), cận nghèo là 3,05%. 

Dự kiến, đến cuối năm 2020 giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống còn 0,52%, tỷ lệ hộ cận nghèo còn 2,95%; hoàn thành vượt chỉ tiêu Nghị quyết của Huyện ủy đã đề ra.

Đối với lĩnh vực nông nghiệp, Thanh Oai cũng đã đạt nhiều kết quả đột phá. Giá trị sản xuất lĩnh vực nông, lâm nghiệp, thủy sản năm 2019 đạt 1.711 tỷ đồng. Áp dụng khoa học, kỹ thuật, đưa cơ giới hóa vào sản xuất ngày càng tăng lên. Hiện, 99% diện tích lúa được thu hoạch bằng máy gặt đập liên hoàn; nhiều diện tích lúa được cấy bằng máy thẳng tắp.

Làng xóm khang trang, sạch đẹp, đẩy mạnh nông nghiệp công nghệ cao, Thanh Oai quyết đạt huyện NTM năm 2020 - Ảnh 2.

Mô hình trồng lan công nghệ cao ở xã Mỹ Hưng, huyện Thanh Oai.

Cụ thể, huyện đã xây dựng đề án cơ giới hóa hỗ trợ các xã 32 máy làm đất, 3 máy gặt, 3 máy cấy, 25 máy phun thuốc trừ sâu, 01 dây chuyền mạ khay, với tổng kinh phí trên 5,8 tỷ đồng và hỗ trợ giá giống lúa, phòng trừ dịch bệnh cây trồng cho bà con.

Từ những kết quả đó, trên địa bàn huyện đã hình thành một số vùng sản xuất tập trung, một số mô hình ứng dụng công nghệ cao, đem lại hiệu quả kinh tế nổi bật, trong đó có 5 mô hình trồng trọt như: lúa VietGAP xã Tam Hưng; mô hình hoa lan nhân cấy mô xã Thanh Cao; trồng lan hồ điệp ứng dụng công nghệ cao xã Mỹ Hưng; trồng rau hữu cơ an toàn ứng dụng công nghệ cao xã Dân Hòa, Hồng Dương; trồng dưa các loại ứng dụng công nghệ cao tại xã Thanh Cao.

Làng xóm khang trang, sạch đẹp, nông nghiệp công nghệ cao được đẩy mạnh, Thanh Oai quyết đạt huyện NTM năm 2020 - Ảnh 3.

Mô hình trồng hoa lan ở xã Mỹ Hưng được đầu tư hiện đại từ hệ thống làm mát, đo nhiệt độ, nhà lưới.

Ngoài ra, xây dựng nhãn hiệu cho các sản phẩm nông nghiệp tại các xã như: gạo thơm Bối Khê, gạo Bồ Nâu... Giá trị sản phẩm trồng trọt trên 1ha đất canh tác ngày càng tăng, năm 2019 là 137,17 triệu đồng.

Về chăn nuôi, Thanh Oai đã xây dựng được 10 mô hình sản xuất ứng dụng công nghệ cao như: chăn nuôi lợn VietGAP, nuôi vịt VietGAP, mô hình nuôi ếch và tôm càng xanh, nuôi cá VietGAP... Xây dựng được 2 chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm có hiệu quả: Chuỗi thực phẩm an toàn A-Z của HTX Hoàng Long, chuỗi sản xuất và tiêu thụ trứng vịt Liên Châu. 

Toàn huyện còn có 688,6ha nuôi trồng thuỷ sản, bình quân giá trị thu nhập đạt 300 - 400 triệu đồng/ha/năm.

Năm 2019, huyện Thanh Oai có 11 sản phẩm OCOP đạt tiêu chí 4 sao, trong đó có 2 sản phẩm gạo (Bắc thơm số 7, nếp cái hoa vàng của HTX nông nghiệp Tam Hưng); 9 sản phẩm từ lợn của HTX Hoàng Long (thịt lợn, xương lợn, các loại giò, chả...).

Làng xóm khang trang, sạch đẹp, đẩy mạnh nông nghiệp công nghệ cao, Thanh Oai quyết đạt huyện NTM năm 2020 - Ảnh 3.

Sáng thứ 7 hàng tuần, đoàn thanh niên các xã trên địa bàn huyện Thanh Oai đều ra quân làm sạch vệ sinh môi trường, cảnh quan trên địa bàn được phân công quản lý.

Trao đổi với PV Dân Việt, ông Bùi Văn Sáng - Chủ tịch UBND huyện Thanh Oai cho biết, nhiệm vụ quan trọng Thanh Oai tập trung thực hiện trong thời gian tới là đầu tư xây dựng một số trạm xử lý nước sạch tại các xã Thanh Thùy, Tam Hưng, Xuân Dương, Kim Bài; bổ sung nguồn nước mặt cung cấp cho các xã phía bắc huyện, gồm Bình Minh, Bích Hòa, Thanh Cao và Cao Viên… nhằm góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống người dân.

Trước đó, nhằm đánh giá khách quan kết quả xây dựng nông thôn mới (NTM), từ ngày 15/7 đến 5/8, Ủy ban MTTQ huyện Thanh Oai tổ chức lấy ý kiến sự hài lòng của người dân tại 21 xã, thị trấn. Tổng số hộ dân được lấy ý kiến là hơn 39.200/60.150 hộ trên địa bàn huyện (chiếm 65,16%).

Các phiếu lấy ý kiến được niêm yết công khai tại 162 điểm trụ sở UBND, Ủy ban MTTQ huyện, các nhà văn hóa thôn, tổ dân phố 21 xã, thị trấn, đã nhận được sự quan tâm theo dõi của đông đảo các tầng lớp Nhân dân.

Theo Ủy ban MTTQ huyện, có 96,11% số người dân được phát phiếu cho biết hài lòng về kết quả xây dựng NTM của huyện, và cho rằng chương trình xây dựng NTM tại địa phương đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân.

Thanh Oai sẽ tiếp tục chú trọng phát triển công nghiệp - xây dựng, hoàn thành hạ tầng các cụm công nghiệp đã được quy hoạch để kêu gọi đầu tư. Đẩy mạnh phát triển thương mại - dịch vụ - khai thác tiềm năng kinh tế của huyện, duy trì phát triển làng nghề gắn với du lịch, nâng cao hiệu quả hoạt động của các HTX nông nghiệp.

Thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng tích tụ ruộng đất, sản xuất vùng chuyên canh tập trung, thực hiện việc sản xuất theo hướng thực hành tốt VietGAP, ứng dụng công nghệ cao và cơ giới hóa sản xuất, đạt giá trị gia tăng cao trên diện tích canh tác, đẩy mạnh việc chuyển đổi cơ cấu cấy trồng vật nuôi theo quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất hiệu quả, bền vững.

Xây dựng mỗi xã có ít nhất một sản phẩm hàng hóa đạt chuẩn (OCOP) trở lên, đẩy mạnh việc xây dựng các chuỗi liên kết từ sản xuất tới sơ chế, chế biến và tiêu thụ sản phẩm.