Dân Việt

Tiền Giang: Căn nhà trông rất bình thường mà bên trong ông chủ "ủ" la liệt đồ cổ quý hiếm

Gia Tuệ 14/09/2020 07:00 GMT+7
Không ồn ào như một số thú vui tiêu khiển khác, từ lâu thú chơi đồ cổ như một mạch nước ngầm trong dòng chảy văn hóa, góp phần nâng cao đời sống tinh thần của con người…

HƠN 30 NĂM CHƠI ĐỒ CỔ

Theo lời giới thiệu của một người bạn, chúng tôi đến thăm gia đình ông Võ Kim Phước, ngụ phường 7, TP Mỹ Tho (tỉnh Tiền Giang). 

Nhìn bên ngoài, căn nhà trông cũng bình thường như bao căn nhà khác; nhưng ít ai biết, đối diện với căn nhà mà gia đình ông đang ở là một căn nhà trưng bày nhiều đồ cổ, có tuổi đời hàng chục đến hàng trăm năm.

Từ những chiếc đồng hồ treo tường, tranh, đèn, thiết bị âm thanh, đến những món đồ cổ bằng đồng, bằng gỗ hay gốm sứ...

Tiền Giang: Căn nhà trông rất bình thường mà bên trong ông chủ "ủ" la liệt đồ cổ quý hiếm - Ảnh 1.

ông Võ Kim Phước, ngụ phường 7, TP Mỹ Tho (tỉnh Tiền Giang) sưu tầm được nhiều đồ cổ qua nhiều giai đoạn lịch sử.

Trò chuyện với chúng tôi, ông Phước hào hứng kể về cơ duyên khiến ông gắn bó với công việc sưu tầm đồ cổ, chia sẻ về những món đồ quý, những câu chuyện vui, buồn trong hơn 30 năm sưu tầm đồ cổ. 

Tiền Giang: Căn nhà trông rất bình thường mà bên trong ông chủ "ủ" la liệt đồ cổ quý hiếm - Ảnh 2.

Trong suốt quá trình ấy, ông Phước đã có cơ hội đi, gặp, sưu tầm được nhiều món đồ cổ quý từ thời phong kiến, qua các triều đại…

Ông cho rằng, thời gian đầu do thiếu kiến thức, ông mua bị “hớ”; dần tìm hiểu thêm kiến thức, để không mua phải “hàng nhái”, “hàng giả”, không đúng niên đại như lời người bán. 

Để có kiến thức về đồ cổ, ông Phước đã dày công nghiên cứu, đặc biệt ông tâm đắc những quyển sách của Học giả Vương Hồng Sển, người đã có nhiều năm nghiên cứu, sưu tầm đồ cổ.

Tiền Giang: Căn nhà trông rất bình thường mà bên trong ông chủ "ủ" la liệt đồ cổ quý hiếm - Ảnh 3.

Ông Lê Ái Siêm, Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử tỉnh Tiền Giang đam mê sưu tầm nhiều đồ cổ quý.

Nói về cơ duyên thích chơi đồ cổ, ông Phước kể: “Cha vợ tôi rất đam mê đồ cổ. Cách đây 30 năm, thấy cha vợ sưu tầm nhiều món đồ cổ quý hiếm trông tuyệt đẹp nên thích và tập tành mua đồ cổ chơi. Có lúc kinh tế gia đình khó khăn nên chỉ mua những món đồ cổ nhỏ. Càng về sau sưu tầm được khá hơn. 

Đến khoảng năm 2000, nhiều bạn bè đến nhà chơi, nhìn thấy đồ cổ đã có nhã ý mua lại. Tôi nghĩ, nếu cứ giữ mãi thì không có đủ không gian để trưng bày và cũng không có khả năng mua những món đồ quý hiếm khác, nên sẵn sàng nhượng lại nếu được giá, rồi đi sưu tầm mua thêm những món đồ cổ khác”.

 TÌM VỀ CỘI NGUỒN VĂN HÓA CỔ XƯA

Từ lâu, sưu tầm đồ cổ đã được một số người đam mê, xem đó là một thú chơi tao nhã. Người chơi có những giây phút lắng lòng khi được nâng niu, ngắm nhìn những món đồ tồn tại qua nhiều thế kỷ, cũng là cách tìm hiểu về lịch sử.

 

Tiền Giang: Căn nhà trông rất bình thường mà bên trong ông chủ "ủ" la liệt đồ cổ quý hiếm - Ảnh 4.

Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử tỉnh Tiền Giang Lê Ái Siêm chia sẻ: “Thường món đồ từ 100 tuổi trở lên mới được xem là đồ cổ, trừ những món có giá trị đặc biệt (bảo vật quốc gia có món chưa được 100 tuổi vẫn được công nhận là đồ cổ). 

Sưu tầm đồ cổ không chỉ là một thú chơi tao nhã, mà còn giúp người chơi tìm hiểu về lịch sử, nguồn cội. Bởi cổ vật mang giá trị văn hóa, là thông điệp của thời đại sinh ra nó, mỗi món cổ vật có “tiếng nói riêng” của thời đại. Muốn nhận biết được giá trị của món đồ cổ thì phải có kiến thức, am tường về lịch sử…”.

 

Tiền Giang: Căn nhà trông rất bình thường mà bên trong ông chủ "ủ" la liệt đồ cổ quý hiếm - Ảnh 5.

Thật vậy, khi chúng tôi hỏi làm thế nào để phân biệt được đồ cổ thật với đồ cổ giả, ông Phước chia sẻ: “Để có thể đánh giá đúng giá trị của một món đồ cổ đòi hỏi người chơi phải có kiến thức và cảm quan nhạy bén. Xem nét vẽ, cốt sứ, chạm khắc… có đúng với niên đại, giai đoạn lịch sử văn hóa không…”. 

Ông tâm đắc nhất đồ gốm sứ thời Lê Trịnh rất sắc sảo, dân sành đồ cổ hay gọi là đồ Huế hay đồ Lê Trịnh, do các nghệ nhân rất khéo tay và tỉ mỉ, một món đồ có thể làm từ 3 - 5 năm mới xong, nên từng đường nét rất tinh xảo và giá trị.

“Ở thời đại nào cũng có người đam mê đồ cổ. Niềm đam mê đồ cổ của nhiều người cũng xuất phát từ quá trình tìm hiểu sâu về xuất xứ, chất liệu… của chúng. Ngoài sự am hiểu, thông tuệ sâu sắc về đồ cổ, về mỹ thuật của từng thời kỳ, từng trường phái…, điều quan trọng hơn là người chơi phải có tình hoài cổ, khám phá những thông điệp thời gian được ấn ký trên những món đồ cổ, những bài học quý giá về nhân sinh quan, về chân - thiện - mỹ nhằm truyền đạt lại, giữ vai trò kết nối sợi dây văn hóa giữa quá khứ và hiện tại, giúp người đương thời có thể hiểu được những gì người xưa đã để lại mà tự hào và gìn giữ. Chơi cổ vật cũng là một cách gìn giữ các giá trị lịch sử” - ông Lê Ái Siêm, Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử tỉnh Tiền Giang chia sẻ.