Dân Việt

Nhìn từ các vụ tai nạn học đường: Đưa trẻ đến trường sớm trước giờ quy định, tiềm ẩn nhiều nguy hiểm

Hiếu Đam 21/09/2020 10:03 GMT+7
Liên tiếp những vụ tử vong xảy ra trong khoảng thời gian đầu của năm học mới khiến nhiều người lo lắng về sự an toàn trong trường học. Báo Điện tử Dân Việt đã có cuộc trò chuyện với một số chuyên gia để rõ hơn những vấn đề liên quan.

Người dân Nghệ An chưa hết bàng hoàng về cái chết của em Nguyễn Hoài L, học sinh lớp 5C, trường Tiểu học Nam Lộc (xã Thượng Tân Lộc, Nam Đàn). Theo đó, trong giờ ra chơi tiết 1, bảo vệ mở cổng trường cho xe chở cây cảnh từ bên ngoài vào trường.

Lúc xe giao cây cảnh vào trường, em L chạy ra ngoài cổng. Phần tường rào của nhà dân cạnh cổng trường sập, đè trúng người, khiến L tử vong.

Liên tiếp các vụ tai nạn học đường: An toàn của trẻ đang bị đe dọa - Ảnh 1.

Bức tường bên ngoài cổng trường, nơi xảy ra sự việc tại Nghệ An. Nguồn: Zing.

Đáng chú ý là bức tường đã được xây hàng chục năm và đã từng đổ sập vào năm ngoái. Hiệu trưởng nhà trường cho hay: "Đã nhận được phản ánh của phụ huynh về bức tường bị nứt nẻ nhưng do điều kiện kinh phí còn eo hẹp nên chưa xây lại được".

Trước đó, 3 học sinh tiểu học ở điểm trường Bản Phung, Trường Tiểu học Khánh Yên Thượng (huyện Văn Bàn, tỉnh Lào Cai) cũng tử vong sau khi cổng trường sập đổ ngay vào ngày đầu tiên của năm học mới (7/9).

Liên quan đến vấn đề này, Báo điện tử Dân Việt đã có cuộc trao đổi với các chuyên gia về trẻ em và giáo dục để có những góc nhìn đa chiều về sự việc này.

An toàn trẻ em đang bị đe dọa

Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Trọng An - nguyên Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ và Chăm sóc trẻ em, Bộ LĐTB&XH cho biết, đây là sự việc đau lòng trong tuần đầu khai giảng năm học mới.

Từ sự việc này, có thể nhận thấy ý thức một số người người đứng đầu nhà trường rất thờ ơ với sự an toàn của học sinh.

Liên tiếp các vụ tai nạn học đường: An toàn của trẻ đang bị đe dọa - Ảnh 2.

Ông Nguyễn Trọng An - nguyên Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ và Chăm sóc trẻ em, Bộ LĐTB&XH.

"Trước khi vào năm học, Bộ GDĐT đã có chỉ đạo rất rõ cho tất cả trường trên toàn quốc phải rà soát lại trang thiết bị, cơ sở vật chất để đảm bảo cho trẻ em được học tập an toàn. Sự an toàn cho các con trẻ là quan trọng.

Qua câu chuyện tại Lào Cai, sau đó là cách hành xử của một số người liên quan gây phản cảm, khiến bản thân tôi rất bức xúc", ông An nói.

Theo ông An, từ năm 2007, Bộ GDĐT đã có những văn bản, quyết định về đảm bảo an toàn cho trẻ em. Sau đó một năm, chương trình trường mẫu giáo an toàn cho trẻ em ra đời, đạt được nhiều kết quả khả quan. 

Nhưng dần dần những điều đó một số nơi không áp dụng, họ chỉ quan tâm đến thành tích, mà quên đi an toàn của con trẻ.

"Theo tôi, việc dạy trẻ các kĩ năng phòng tránh tai nạn tại trường học là cần thiết nhưng những vụ việc vừa xảy cho thấy chúng ta phải nâng cao việc này hơn nữa.

Những đơn vị liên quan từ cấp Trung ương đến địa phương phải vào cuộc, phải lên tiếng, phải nhận trách nhiệm. Khi sự việc xảy ra cần chỉ đạo một cách sát sao, nhận ra những thiếu sót, vướng mắc thì phải bổ sung cho phù hợp và đảm bảo an toàn cho trẻ em", ông An phân tích.

Không thể đổi lỗi cho một phía

Cũng liên quan đến vấn đề này, bà Vũ Thu Hương - Giảng viên khoa giáo dục Tiểu học (ĐH Sư phạm Hà Nội) cho biết, bản thân bà đau lòng trước những sự việc diễn ra trong tuần qua. Tuy nhiên đây là sự việc đang tiếc không ai mong muốn.

Từ vụ việc này, chúng ta phải có cái nhìn khách quan, tổng thể về trách nhiệm và những vấn đề đang tồn tại.

"Theo tôi những việc này không thể quy hết trách nhiệm cho ngành giáo dục khi việc xây dựng cơ sở vật chất không thuộc quản lý của ngành. 

Bên cạnh đó, hiện các giáo viên đang quá tải trong công việc, đặc biệt trong năm nay số lượng học sinh lại tăng nhanh, phải gọi là bùng nổ. Mỗi lớp hàng chục cháu học sinh, việc quản lý của giáo viên là hết sức khó khăn.

Nếu chúng ta cứ quy trách nhiệm về một phía thì không bao giờ giải quyết được vấn đề", bà Hương nói.

Liên tiếp các vụ tai nạn học đường: An toàn của trẻ đang bị đe dọa - Ảnh 3.

Bà Vũ Thu Hương - Giảng viên khoa giáo dục Tiểu học (ĐH Sư phạm Hà Nội)

Cũng theo bà Hương, để nhà trường có thể quan tâm, theo dõi sát sao hơn đối với các cháu thì cả nhà trường, phụ huynh phải thực hiện đúng khoảng thời gian con trẻ đến trường và có mặt tại lớp học.

Việc con trẻ đến trường sớm trước giờ quy định, tồn tại nhiều nguy hiểm. Bởi bố mẹ yên tâm con ở trường, thầy cô giáo yên tâm con ở nhà, chưa có mặt ở trường.

"Tôi nói thật, một trong những quy định để đảm bảo an toàn là trẻ em không được đi học sớm, mà phải đi học đúng giờ. Đến khoảng thời gian thầy cô mở cổng trường, trẻ có mặt, giáo viên có thể quan sát được động thái của học sinh để nhắc nhở hoặc đưa ra những hướng xử lý phù hợp.

Chính bản thân tôi ngày xưa cũng chơi những trò như đu cổng trường, bởi vì trẻ con rất thích. Nếu thầy cô có mặt thì sẽ phạt, sẽ có hình thức răn đe nếu thấy trẻ chơi. Còn nhưng bạn đi học sớm thì không ai quản lý, nên nguy cơ xảy mất an toàn rất cao", bà Hương phân tích.

Nội quy xây dựng là để đảm bảo an toàn cho bé, nhà trường, gia đình và học sinh phải thực hiện đúng nội quy để tránh những sự việc đáng tiếc xảy ra.