Sáng 16/9, tại Công ty TNHH Vĩnh Hiệp (phường Thắng Lợi, TP.Pleiku, Gia Lai), Thứ trưởng Bộ NNPTNT Lê Quốc Doanh cùng lãnh đạo tỉnh Gia Lai, Hiệp hội Cà phê Ca cao Việt Nam, các đại sứ tham tán các nước thành viên EU tại Việt Nam tổ chức lễ xuất khẩu cà phê sang châu Âu theo Hiệp định EVFTA.
Sự kiện này đánh dấu dốc mốc quan trọng trong tự do thương mại giữa Việt Nam và EU đối với ngành hàng cà phê.
Xóa bỏ thuế xuất khẩu sang EU
Phát biểu tại sự kiện, Thứ trưởng Lê Quốc Doanh nhấn mạnh: "Ngay khi EVFTA có hiệu lực từ 1/8/2020, toàn bộ sản phẩm cà phê bao gồm chưa rang, đã rang, các loại cà phê chế biến đều được xóa bỏ thuế về 0%. Đồng thời, cà phê cũng được EU cam kết bảo hộ chỉ dẫn địa lý. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho ngành cà phê Việt Nam tại thị trường EU".
Theo ông Doanh, cà phê là1 trong 13 nông sản chủ lực quốc gia, với lợi thế cạnh tranh cao. Ngành cà phê đóng góp 3% GDP cả nước, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho trên 600.000 hộ nông dân, góp phần phát triển kinh tế, xã hội, xóa đói giảm nghèo ở Tây Nguyên và các vùng trồng cà phê khác của Việt Nam.
"Các doanh nghiệp cần chủ động tìm hiểu về EVFTA để nắm vững cam kết của Việt Nam và cam kết của EU, nhất là thông tin về các ưu đãi thuế quan. Phải đảm bảo nguồn gốc xuất xứ, đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng, tuân thủ các quy định về sở hữu trí tuệ...".
Thứ trưởng Lê Quốc Doanh
Từ nhiều năm nay, Việt Nam luôn là quốc gia xuất khẩu cà phê lớn thứ 2 thế giới và đứng đầu thế giới về xuất khẩu cà phê Robusta. Kim ngạch xuất khẩu cà phê đạt bình quân hơn 3 tỷ USD/năm.
Cà phê Việt Nam đã có mặt ở hơn 80 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó EU là thị trường tiêu thụ lớn nhất, chiếm 40% tổng lượng và 38% tổng kim ngạch xuất khẩu cà phê Việt Nam.
Thứ trưởng Doanh nhận định, với sự chuẩn bị tích cực của Chính phủ, doanh nghiệp và nông dân, ngành cà phê đã có những biến chuyển đáng ghi nhận để nắm bắt thời cơ do hội nhập quốc tế mang lại.
Một loạt chương trình, dự án lớn đã được triển khai hiệu quả trong ngành cà phê như đề án phát triển cà phê bền vững đến năm 2020; Đề án tái canh cà phê các tỉnh vùng Tây Nguyên giai đoạn 2014-2020; Dự án chuyển đổi nông nghiệp bền vững (VNSAT); Chương trình sản phẩm quốc gia cà phê Việt Nam chất lượng cao. Ngành cà phê cũng tiên phong trong hợp tác công - tư cho phát triển bền vững, với sự tham gia của các tập đoàn lớn trong và ngoài nước.
Chuyển mạnh từ lượng sang chất
Theo Thứ trưởng Lê Quốc Doanh, EVFTA là cơ hội để gắn kết sâu rộng vào thị trường toàn cầu có giá trị và chất lượng cao. Với 27 quốc gia thành viên, 511 triệu dân, GDP đầu người trên 35.000 USD, EU là thị trường lớn, còn nhiều dư địa để phát triển. Trong khuôn khổ Hiệp định, gần như toàn bộ 100% biểu thuế đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam sang EU sẽ được xóa bỏ.
Thống kê từ khi EVFTA có hiệu lực 1/8/2020, giá trị xuất khẩu cà phê Việt Nam vào EU trong tháng 8/2020 tăng mạnh, ước đạt gần 76 triệu USD, tăng 34,7% so với tháng 7/2020.
Ông Thái Như Hiệp - Chủ tịch Hội đồng thành viên kiêm Giám đốc Công ty TNHH Vĩnh Hiệp bày tỏ: "Vĩnh Hiệp đang trong top 10 doanh nghiệp xuất khẩu cà phê Việt Nam, hàng năm xuất khẩu khoảng 50.000-70.000 tấn cà phê các loại, trong đó thị trường châu Âu chiếm 60% sản lượng, kim ngạch xuất khẩu đạt 150 triệu USD.
Lợi thế nhất của chúng tôi là liên kết được với nông dân và HTX sản xuất cà phê bền vững, trách nhiệm thân thiện với môi trường, đạt các chứng nhận quốc tế như: 4C, Rainforest, UTZ. Đặc biệt, Vĩnh Hiệp đã sản xuất được cà phê organic đầu tiên tại Việt Nam, được các tổ chức ở châu Âu, Mỹ, Nhật Bản công nhận".
Theo ông Hiệp, EVFTA là cơ hội rất lớn cho ngành cà phê trong nước để tăng sản lượng và giá trị xuất khẩu vào châu Âu. Riêng Công ty Vĩnh Hiệp, ngay từ đầu đơn vị đã chuẩn bị đầy đủ từ vùng nguyên liệu đạt chuẩn để xuất đi các thị trường khó tính.
Và để tăng giá trị mang lại, bên cạnh các sản phẩm rang xay, công ty còn đầu tư các sản phẩm cà phê hòa tan, tinh cà phê. Đây cũng là lô cà phê đầu tiên của công ty xuất đi châu Âu theo Hiệp định EVFTA với 14 container, số lượng 296 tấn sẽ cập cảng của Đức, Bỉ.
Nói về Hiệp định EVFTA, Thứ trưởng Doanh nhấn mạnh: Đây là hiệp định thương mại tự do thế hệ mới với những cam kết sâu rộng và toàn diện, cơ chế thực thi chặt chẽ, bao hàm nhiều lĩnh vực. Do vậy, các doanh nghiệp trong nước cần nắm bắt, chớp lấy thời cơ.
"Các doanh nghiệp cần chủ động tìm hiểu về EVFTA để nắm vững cam kết của Việt Nam và cam kết của EU, nhất là thông tin về các ưu đãi thuế quan. Đồng thời phải đổi mới công nghệ, mẫu mã, đặc biệt là công nghệ chế biến sâu để đa dạng hóa sản phẩm. Đồng thời phải đảm bảo nguồn gốc xuất xứ, đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng, tuân thủ các quy định về sở hữu trí tuệ" - Thứ trưởng Doanh nói.