Cuối năm 2020, bà Trần Thị Loan (thôn Tân Đình, xã Thuận Thuận Hà, huyện Đắk Song) đầu tư trồng 2ha bắp sú với tổng chi phí khoảng 100 triệu đồng. Với giá rau tại thời điểm xuống giống, bà Loan dự tính vụ rau này sẽ thu lãi khoảng 60 triệu đồng.
Nhưng khi vườn rau của bà Loang cho thu hoạch thì giá bắp sú rớt mạnh. Bắp sú loại tốt nhất chỉ được mua với giá 1.000 đồng/kg. Đến nay, rau đã quá lứa nhưng bà Loan chỉ bán được khoảng 30-40 triệu đồng. Số rau còn lại bà Loan đành phải nhổ bỏ.
"Rau để lâu sẽ già và hư hỏng đành phải nhổ bỏ đi. Hàng chục tấn rau, nếu không có thương lái đến thu mua thì nông dân chúng tôi không làm sao có thể tiêu thụ hết. Vụ rau này, gia đình tôi đã lỗ nặng tiền đầu tư, giờ còn mất thêm tiền công để dọn đất"- bà Loan nói.
Cũng như bà Loan, gia đình anh Võ Văn Tuấn (thị trấn Đức An, huyện Đắk Song) năm nay đầu tư trồng gần 5 sào rau xanh các loại. Thế nhưng tới khi thu hoạch, anh Tuấn chờ mãi mà thương lái chẳng buồn tới ngó ngàng.
"Từ đầu năm đến nay giá cả bấp bênh lắm, giá rau chỉ từ 1.500 đồng đến 2.000 đồng/kg. Cả vườn rau tôi đầu tư hơn 40 triệu đồng nhưng giờ chỉ bán được khoảng 10 triệu đồng. Số rau chưa bán được đang ngày càng già và hư hỏng. Nếu một thời gian nữa không có ai mua thì đành phải phá bỏ"- anh Tuấn nói.
Nếu bà Loan, anh Tuấn còn bán được rau, thì vườn rau nhà bà Trần Thị Mai (ở thôn Thuận Hải, xã Thuận Hạnh) giờ đây vẫn chưa có ai ngó tới. Vụ này, bà Mai trồng 1 sào rau cải thảo để bán trong dịp Tết Nguyên đán. Nhưng Tết đã qua, rau đã già mà 4.000 cây cải thảo của bà Mai vẫn chưa bán được. Không thể bán được nữa, bà Mai nhổ dần về băm ra cho gà, vịt ăn.
Tại Đắk Song, theo tính toán của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện này, trong vụ rau vừa qua, toàn huyện có hơn 240 ha rau xanh. Theo kế hoạch, toàn bộ diện tích rau này đều được thu hoạch trong dịp Tết. Thế nhưng do giá rau rớt mạnh, lại không có người mua nên nhiều diện tích rau vẫn đang "chết già" ngoài vườn.
Gia đình anh Trần Văn Phương (ở thôn Thuận Lợi, xã Thuận Hạnh) đầu tư hơn 30 triệu đồng để trồng gần 1 sào rau. Nhưng đến lúc sắp thu hoạch, thương lái đến mua cả vườn rau của anh Phương với giá... 2 triệu đồng.
"Có người còn hỏi mua vườn rau của tôi chỉ 1 triệu đồng. Nếu thuê công thu hoạch, thì tiền bán rau không đủ trả. Tôi cắt rau ra chợ bán cũng không có ai mua. Vậy nên, gia đình đành phải cắt dần cho cá và bò ăn"- anh Phương nói.
Cũng theo anh Phương, đây không phải là lần đầu tiên nông dân trồng rau ở Đắk Song bị thua lỗ thê thảm như vậy. Thế nên sau vụ rau này, gia đình anh dự tính sẽ trồng loại cây khác có giá cả ổn định hơn.
Không chỉ riêng anh Phương mà nhiều nông dân trồng rau khác ở Đắk Song, sau thất bại nặng nề trong vụ rau này vẫn đang để đất trống để "thăm dò" thị trường chứ chưa dám tái đầu tư.
Theo bà Đoàn Thi Tốt - Chủ tịch UBND xã Thuận Hạnh, một trong những nguyên nhân khiến giá rau rớt thê thảm như vậy là do cung vượt cầu.
"Đầu năm 2020, giá rau bắp sú và một số loại rau khác giá rất caao, bà con làm được mùa được giá nên tiếp tục đổ xô mở rộng diện tích trồng rau. Đến cuối năm 2020 và đầu 2021, giá các loại rau bắt đầu giảm xuống rất thấp, bà con cũng tìm mọi cách để tiêu thụ. Tuy nhiên đến thời điểm hiện tại, giá rau đã chạm đáy. Nhiều vườn bà con bỏ không buồn thu hoạch, hoặc chặt làm phân bón, chuẩn bị trồng các loại cây ngắn ngày khác"- bà Tốt nói.
Thông tin từ Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Đắk Song, trong vụ rau vừa qua, toàn huyện có hơn 240 ha rau xanh các loại, tập trung ở các xã Thuận Hà, Thuận Hạnh và xã Nam Bình. Từ trước Tết Nguyên đán Tân Sửu đến nay giá rau giảm mạnh, thương lái chỉ thu mua với giá 500 - 1.000 đồng mỗi kg đối với bắp sú và cải thảo; 2.000- 3.000 đồng/kg súp lơ.
Với giá này, người trồng rau thua lỗ nặng, hiện rất nhiều hộ trồng rau đang phải bỏ vườn không thu hoạch. Ngành nông nghiệp khuyến cáo bà con không nên trồng rau ồ ạt, cần áp dụng khoa học kỹ thuật để canh tác theo hướng hữu cơ nâng cao chất lượng rau, đồng thời thực hiện liên kết để tìm kiếm thị trường tiêu thụ ổn định.