Dân Việt

Vì sao còn nhiều ý kiến trái chiều về đề xuất giảm 30% thuế thu nhập DN của doanh nghiệp?

Quang Dân 18/09/2020 07:55 GMT+7
Bà Phạm Thị Ngọc Thủy, Phó giám đốc thường trực Văn phòng Ban IV cho biết, đề xuất giảm 30% thuế thu nhập xuất phát từ nguyện vọng của các doanh nghiệp.

Mới đây, Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV) thuộc Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính đề xuất Chính phủ trình Quốc hội phương án giảm 30% thuế thu nhập cho tất cả doanh nghiệp trong năm 2020.

Tuy nhiên, đề xuất này đã nhận được nhiều ý kiến trái chiều của các chuyên gia. Trong đó, đa số nhận định cho rằng việc mở rộng đối tượng hưởng ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2020 là không cần thiết, không hiệu quả và chưa đảm bảo yếu tố công bằng.

Đề xuất giảm 30% thuế thu nhập dựa trên nguyện vọng của các doanh nghiệp - Ảnh 1.

Đề xuất giảm 30% thuế thu nhập dựa trên nguyện vọng của các doanh nghiệp

Xuất phát từ nguyện vọng của các DN

Trao đổi với báo chí liên quan đến câu chuyện này, bà Phạm Thị Ngọc Thủy, Phó giám đốc thường trực Văn phòng Ban IV cho biết, đề xuất của nhóm nghiên cứu  xuất phát từ nguyện vọng của các doanh nghiệp.

Theo bà Thủy, từ đầu năm 2020, Ban IV đã thực hiện 3 cuộc khảo sát về tình hình doanh nghiệp. Ở cuộc khảo sát đầu tiên (tháng 3/2020), gần 43% số doanh nghiệp được hỏi đã kiến nghị giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế VAT và các loại thuế khác. Trong đó mức giảm thuế suất thuế TNDN được kiến nghị phổ biến là 50% cho cả năm 2019 và 2020.

Tại cuộc khảo sát lần 3 (tháng 8/2020), kiến nghị giảm thuế thu nhập doanh nghiệp lại được đề cập, mặc dù trước đó 2 tháng Quốc hội đã ra nghị quyết giảm 30% thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2020 cho các doanh nghiệp có doanh thu không quá 200 tỷ đồng. Mức kiến nghị giảm vẫn là 50% cho cả hai năm 2019 và 2020.

Trong đó, kết quả lần này ghi nhận, có 20% doanh nghiệp đã phải dừng hoạt động, 76% doanh nghiệp không cân đối được thu chi, 2% doanh nghiệp đã giải thể và chỉ có 2% doanh nghiệp tạm thời chưa bị ảnh hưởng bởi đại dịch.

"Chính sách của chúng tôi không hướng tới nhóm 2% chưa bị ảnh hưởng bởi đại dịch. Chúng tôi quan tâm tới nhóm 76% doanh nghiệp không cân đối được thu chi. Chúng tôi đã thảo luận rất kĩ rằng có nên đề xuất gì để tạo động lực cho nhóm này không, bởi cứ tiếp tục thế này thì chỉ 3 – 6 tháng nữa, số doanh nghiệp giải thể sẽ gia tăng do mất cân đối thu chi nghiêm trọng", bà Thủy cho hay.

Theo bà Thủy, có nhiều ý kiến cho rằng đề xuất giảm 30% thuế thu nhập cho tất cả doanh nghiệp chỉ làm lợi cho nhóm 2% doanh nghiệp chưa bị ảnh hưởng bởi đại dịch, trong đó có các doanh nghiệp lớn. Tuy nhiên, trong 2% này chỉ có 12,75% là doanh nghiệp lớn, còn 77,5% là doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Đề xuất giảm 30% thuế thu nhập dựa trên nguyện vọng của các doanh nghiệp - Ảnh 2.

Các doanh nghiệp sụt giảm niềm tin và động lực kinh doanh

Giảm 30% thuế thu nhập là phần thưởng cho các DN cố gắng

Dựa trên kết quả khảo sát thực tế cho thấy, trường hợp đề xuất giảm 30% thuế thu nhập cho mọi doanh nghiệp sẽ không làm nhóm 76% này hưởng lợi ngay nhưng đó sẽ là một “phần thưởng”, một động lực để họ nỗ lực kinh doanh, vươn sang nhóm 2% chưa bị ảnh hưởng. Nếu nhóm 76% làm được như vậy, họ sẽ tạo ra hiệu ứng rất tốt cho toàn nền kinh tế.

Đặc biệt, trong bối cảnh các doanh nghiệp sụt giảm niềm tin và động lực kinh doanh rất rõ. Giữa sự kì vọng và những đề xuất với Chính phủ và quyết sách thực tế có khoảng cách rất xa, dù Chính phủ đã rất nỗ lực, xây dựng nhiều gói hỗ trợ. Ban IV đề xuất như trên là để khuyến nghị Chính phủ thiết kế chính sách giúp củng cố niềm tin và tạo động lực cho doanh nghiệp.

Bà Thủy nhận định, các chuyên gia nhìn vào đối tượng hưởng lợi trực tiếp, còn Ban IV mong muốn một động lực gián tiếp cho cộng đồng doanh nghiệp, nhất là nhóm 76% đang mất cân đối thu chi.

"Khi đưa ra đề xuất giảm 30% thuế thu nhập cho mọi doanh nghiệp năm 2020, chúng tôi không định lượng nếu đề xuất được chấp thuận thì nhà nước mất bao nhiêu tiền. Thực tế, nếu để doanh nghiệp ngưng hoạt động, giải thể thì nhà nước còn mất nhiều hơn," bà Thủy nói.

Trước đó, Ban IV vừa khảo sát lần 3 về những khó khăn mà các doanh nghiệp đang phải gánh chịu để trình Thủ tướng Chính phủ.

Theo kết quả khảo sát với gần 400 doanh nghiệp và 15 hiệp hội cho thấy, có 20% doanh nghiệp đã phải dừng hoạt động, 76% doanh nghiệp không cân đối được thu chi và 2% doanh nghiệp đã giải thể, chỉ có 2% doanh nghiệp tạm thời chưa bị ảnh hưởng do đại dịch.

Những khó khăn lớn nhất doanh nghiệp phải đối mặt trong tình hình hiện nay và những tháng tới là: Không có khách hàng, đơn hàng, hợp đồng tiêu thụ sản phẩm, dịch vụ (chiếm 81% câu trả lời);

Đảm bảo tiền trả lương, đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, kinh phí công đoàn (chiếm 72%); trả tiền vay ngân hàng cả gốc và lãi (chiếm 53%); trả tiền điện nước - nhiên liệu đầu vào (chiếm 45%) và trả tiền thuê kho bãi, nhà xưởng, văn phòng, thiết bị (chiếm 42%)...

Từ cuộc khảo sát, Ban IV đã đề xuất Chính phủ trình Quốc hội giảm thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) 30% cho các doanh nghiệp năm 2020 thay vì chỉ áp dụng với doanh nghiệp có tổng doanh thu năm 2020 không quá 200 tỷ đồng.

Đồng thời, để kích cầu tiêu dùng, đối với thuế giá trị gia tăng (VAT), Ban IV đề xuất giảm mức thuế suất từ 10% xuống 5% để giảm chi phí cho người tiêu dùng nhằm kích cầu cho các ngành trong và ngay sau dịch.

Về chính sách tín dụng, Ban IV đề xuất ngân hàng mở rộng hình thức vay tín chấp, tiếp tục ưu đãi lãi suất với các khoản vay đầu tư, giảm lãi suất các khoản vay hiện tại, khoanh nợ và giãn thời gian trả nợ...

Doanh nghiệp du lịch và doanh nghiệp logistics (một phần của quản trị chuỗi cung ứng) mong muốn được áp dụng mức giá điện như ngành sản xuất thay vì giá điện dịch vụ như hiện nay trong điều kiện ngành điện chưa ban hành khung giá điện mới, hỗ trợ doanh nghiệp chống chọi vượt qua đại dịch Covid-19..