Sáng 19/9, thông tin từ Trung tâm kiểm soát dịch bệnh tỉnh Hải Dương cho biết, từ ngày 17-19/9, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hải Dương đã tổ chức khám sàng lọc cho 1.030 công nhân đang làm việc và 496 công nhân đã nghỉ việc tại công ty Quảng Phong sau khi có thông tin một số công nhân của công ty này có biểu hiện nhiễm độc thiếc rất nặng, trong đó, đã có 1 trường hợp tử vong.
Trước đó, ngày 10/9, trong buổi làm việc với Công ty Quảng Phong, Sở Tài nguyên và Môi trường cùng một số cơ quan chức năng của tỉnh Hải Dương đã yêu cầu công ty này tổ chức khám sàng lọc cho toàn bộ công nhân (cả công nhân đã nghỉ việc) xong trước ngày 20/9; liên hệ với Viện Sức khoẻ nghề nghiệp và Môi trường thuộc Bộ Y tế để quan trắc môi trường lao động toàn diện và báo cáo kết quả trước ngày 30/9. Công ty Quảng Phong có trách nhiệm chi trả toàn bộ kinh phí trên.
Trong 2 ngày 10 và 11/9, Báo Dân Việt đã đăng bài "Nhiễm độc thiếc tại Công ty Quảng Phong ở Hải Dương, người lao động kêu cứu" và “Vụ nhiễm độc thiếc tại Công ty Quảng Phong: Tỉnh Hải Dương yêu cầu khám sàng lọc cho toàn bộ công nhân” phản ánh về vụ việc hàng loạt công nhân lao động đã và đang làm việc tại đây có biểu hiện nhiễm độc thiếc rất nặng.
Trao đổi với PV Báo Dân Việt, đại diện lãnh đạo Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Hải Dương cho biết, cơ quan chức năng đã làm việc và yêu cầu phía Công ty Quảng Phong cần sớm tổ chức cho toàn bộ công nhân khám sàng lọc, đồng thời cũng phải có trách nhiệm đối với những người được xác định bị nhiễm độc thiếc khi làm việc tại đây.
Nếu trong trường hợp kết luận xác định rõ vi phạm và những nguy hiểm nghiêm trọng trong quá trình sản xuất tại Công ty Quảng Phong, cơ quan chức năng có thể kiến nghị tạm đình chỉ hoạt động của công ty này.
Luật sư Đặng Văn Cường, Văn phòng Luật sư Chính Pháp thuộc Đoàn Luật sư TP.Hà Nội cho rằng, với sự việc này, các cơ quan chức năng cần sớm vào cuộc xác minh, điều tra, làm rõ nguyên nhân nhiễm độc của những công nhân nêu trên để có biện pháp xử lý phù hợp.
Theo quy định tại Khoản 2 Điều 136 Bộ luật Lao động 2012 thì người sử dụng lao động căn cứ tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, quy chuẩn kỹ thuật địa phương về an toàn lao động, vệ sinh lao động để xây dựng nội quy, quy trình làm việc bảo đảm an toàn lao động, vệ sinh lao động phù hợp với từng loại máy, thiết bị, nơi làm việc.
Đồng thời, Điều 138 Bộ luật Lao động 2012 quy định nghĩa vụ của người sử dụng lao động là phải bảo đảm nơi làm việc đạt yêu cầu về không gian, độ thoáng, bụi, hơi, khí độc, phóng xạ, điện từ trường, nóng, ẩm, ồn, rung, các yếu tố có hại khác được quy định tại các quy chuẩn kỹ thuật liên quan và các yếu tố đó phải được định kỳ kiểm tra, đo lường; Bảo đảm các điều kiện an toàn lao động, vệ sinh lao động đối với máy, thiết bị, nhà xưởng đạt các quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn lao động, vệ sinh lao động hoặc đạt các tiêu chuẩn về an toàn lao động, vệ sinh lao động tại nơi làm việc đã được công bố, áp dụng; Kiểm tra, đánh giá các yếu tố nguy hiểm, có hại tại nơi làm việc của cơ sở để đề ra các biện pháp loại trừ, giảm thiểu các mối nguy hiểm, có hại, cải thiện điều kiện lao động, chăm sóc sức khỏe cho người lao động; Định kỳ kiểm tra, bảo dưỡng máy, thiết bị, nhà xưởng, kho tàng; Phải có bảng chỉ dẫn về an toàn lao động, vệ sinh lao động đối với máy, thiết bị, nơi làm việc và đặt ở vị trí dễ đọc, dễ thấy tại nơi làm việc.
Trong trường hợp vi phạm quy định về an toàn lao động, vệ sinh lao động, về an toàn ở những nơi đông người gây hậu quả nghiêm trọng thì người vi phạm có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội vi phạm quy định về an toàn lao động, vệ sinh lao động, về an toàn ở nơi đông người theo quy định tại Điều 295 Bộ luật hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung 2017.
Luật sư Cường cho biết thêm, nếu Công ty Quảng Phong tự ý lắp đặt thêm hoạt động tái chế, nghiền phế liệu mà không có trong nội dung báo cáo đánh giá tác động môi trường đã được UBND tỉnh Hải Dương phê duyệt thì đây là hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường.
Cơ quan chức năng cần làm rõ công ty đã được phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường gồm những nội dung, hạng mục nào, những hàng mục nào chưa được phê duyệt, chưa báo cáo theo quy định.
Ngoài ra, có thể mở rộng xác minh, khảo sát tại công ty này về các nội dung quản lý chất thải rắn, chất thải nguy hại, nước thải, khí thải, tiếng ồn, độ rung, bức xạ,..có đáp ứng điều kiện, quy chuẩn quy định hay không.