Dân Việt

Bảo vệ và phát triển rừng ở Quảng Nam: Tăng giám sát chi trả dịch vụ môi trường rừng

Trương Hồng - Lương Luật 25/09/2020 08:07 GMT+7
Quỹ Bảo vệ - phát triển rừng tỉnh Quảng Nam xác định công tác kiểm tra, giám sát chi trả dịch vụ môi trường rừng (DVMTR) là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu được thực hiện trong những năm qua và trong thời gian tới.

Xây dựng 15 đề án chi trả DVMTR

Theo đại diện Quỹ Bảo vệ - phát triển rừng Quảng Nam, hoạt động chi trả DVMTR của tỉnh Quảng Nam từ năm 2012 đến nay đã đạt được những kết quả tích cực. Để có cơ sở tiến hành giao khoán bảo vệ rừng và chi trả DVMTR theo Nghị định số 99/2010 của Chính phủ về chính sách chi trả DVMTR (nay được thay thế bằng Nghị định 156/2018), Quỹ Bảo vệ - phát triển rừng Quảng Nam đã được UBND tỉnh cho phép xây dựng đề án chi trả DVMTR tại các lưu vực thủy điện trên địa bàn tỉnh.

Bảo vệ và phát triển rừng ở Quảng Nam: Tăng giám sát chi trả dịch vụ môi trường rừng - Ảnh 1.

Lực lượng kiểm lâm Quảng Nam kiểm tra, giám sát công tác bảo vệ rừng. Ảnh: Lương Luật

"Qua công tác kiểm tra, giám sát nên việc triển khai thực hiện chính sách chi trả DVMTR tại các đơn vị chủ rừng, UBND các xã hàng năm đã dần đi vào nề nếp, tình trạng khai thác rừng, phá rừng làm nương rẫy hằng năm giảm đi rõ rệt. Tiền DVMTR được quản lý sử dụng đúng mục đích, nâng cao đời sống cho nhóm hộ, cộng đồng nhận khoán bảo vệ rừng…".

Ông Huỳnh Đức - Giám đốc Quỹ Bảo vệ - phát triển rừng Quảng Nam

Từ năm 2013 đến nay, quỹ tỉnh đã xây dựng được 15 đề án chi trả DVMTR tại các lưu vực thủy điện trên địa bàn tỉnh. Đến năm 2019, tổng diện tích giao khoán bảo vệ rừng là 281.671ha (giao khoán cho 287 nhóm hộ, 161 cộng đồng, với 15.247 hộ tham gia và 282 hợp đồng lực lượng bảo vệ rừng chuyên trách). Toàn bộ diện tích trên giao cho 11 ban quản lý rừng phòng hộ, đặc dụng và 9 UBND các xã được Nhà nước giao trách nhiệm quản lý rừng có thực hiện chính sách chi trả DVMTR tại 13 huyện trên địa bàn tỉnh.

"Xác định công tác kiểm tra, giám sát chi trả DVMTR là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của Quỹ Bảo vệ - phát triển rừng Quảng Nam, để thực hiện công tác kiểm tra, giám sát chi trả DVMTR hàng năm đạt kết quả cao, phòng kiểm tra, giám sát đã tham mưu cho giám đốc ban hành kế hoạch, đề cương biểu mẫu phục vụ cho công tác kiểm tra, giám sát. Nội dung kiểm tra, giám sát tập trung vào công tác quản lý bảo vệ rừng, chi trả tiền giao khoán bảo vệ rừng từ chủ rừng đến nhóm hộ, công đồng nhận khoán bảo vệ rừng…" - ông Huỳnh Đức - Giám đốc Quỹ Bảo vệ - phát triển rừng Quảng Nam cho hay.

Năm 2020, theo kế hoạch kiểm tra, giám sát tình hình triển khai thực hiện chính sách chi trả DVMTR tại 11 đơn vị chủ rừng và 9 UBND các xã được giao trách nhiệm quản lý rừng chi trả DVMTR là 3 đợt/năm. Cụ thể là các ban quản lý rừng phòng hộ Bắc Trà My, Tây Giang, Phước Sơn, Nam Trà My, Nam Giang, Đông Giang, rừng phòng hộ Phú Ninh và ven biển Quảng Nam, Khu bảo tồn thiên nhiên Sông Thanh, Sao la, Khu bảo tồn loài và sinh cảnh voi, Vườn quốc gia Bạch Mã và UBND các xã Tiên Lãnh, Tiên Ngọc (huyện Tiên Phước); Phước Gia (Hiệp Đức), Đại Đồng, Đại Lãnh, Đại Quang, Đại Hưng, Đại Sơn (Đại Lộc) và xã Duy Sơn (Duy Xuyên).

Bảo vệ và phát triển rừng ở Quảng Nam: Tăng giám sát chi trả dịch vụ môi trường rừng - Ảnh 3.

Lực lượng kiểm lâm Quảng Nam bấm điểm tại các khu vực được giám sát, chi trả DVMTR. Ảnh: Lương Luật

Theo Quỹ Bảo vệ - phát triển rừng tỉnh Quảng Nam, từ năm 2011 đến nay Quỹ đã ký hợp đồng với 80 đơn vị sử dụng DVMTR, trong đó thuỷ điện 28 đơn vị; nước sạch 9 đơn vị; nước công nghiệp 43 đơn vị.

Năm 2020, Quỹ Bảo vệ - phát triển rừng tỉnh được UBND tỉnh thống nhất cho lập thêm đề án chi trả DVMTR tại lưu vực thủy điện Sông Tranh 4 (thuộc 2 huyện Tiên Phước và Hiệp Đức), nâng tổng diện tích chi trả DVMTR trong năm 2020 là 283.604ha.

"Công trình thủy điện Sông Tranh 4 nằm trên hệ thống rừng trên lưu vực có vai trò rất quan trọng trong việc duy trì nguồn nước; phòng chống tác hại của lũ lụt, đảm bảo an toàn cho các vùng sản xuất nông nghiệp và dân cư trong lưu vực. Việc cần thiết phải khảo sát lập đề án chi trả DVMTR Sông Tranh 4 nhằm thực hiện tốt chính sách chi trả DVMTR với mục đích phát huy tốt vai trò của rừng, tạo thêm nguồn thu và bảo vệ rừng tốt hơn"- đại diện Quỹ Bảo vệ - phát triển rừng Quảng Nam cho biết.

Khi người dân bắt tay vào giữ rừng

Bên cạnh đó, lãnh đạo Quỹ Bảo vệ - phát triển rừng Quảng Nam cũng cho hay, thời gian qua thông qua báo cáo của các đơn vị, Quỹ Bảo vệ - phát triển rừng tỉnh trực tiếp kiểm tra, hồ sơ giao khoán, đối chiếu sổ sách ghi chép, chứng từ liên quan đến hoạt động tuần tra, bảo vệ rừng và quản lý, sử dụng tiền DVMTR của các đơn vị chủ rừng, nhóm hộ, cộng đồng và hợp đồng đối với lực lượng bảo vệ rừng chuyên trách được đảm bảo, phát huy tốt giá trị.

Năm 2020, theo kế hoạch kiểm tra, giám sát, sẽ kiểm tra định kỳ chủ rừng, UBND các xã 3 đợt; giám sát trực tiếp chi trả tiền DVMTR từ chủ rừng đến nhóm hộ, cộng đồng 1 đợt; giám sát việc cấp phát cây giống lâm nghiệp của chủ rừng 1 đợt. Đến nay do tình hình dịch Covid - 19 nên mới kiểm tra được 1 đợt.

"Qua kết quả kiểm tra, phần lớn các chủ rừng đã thực hiện việc quản lý, sử dụng và chi trả tiền DVMTR cho các nhóm hộ, cộng đồng nhận khoán bảo vệ rừng theo đúng quy định và kịp thời. Các đơn vị chủ rừng, nhóm hộ, cộng đồng đã sử dụng tiền DVMTR chi cho hoạt động tuần tra, bảo vệ và phát triển rừng, mua sắm trang thiết bị, công cụ dụng cụ, trang thiết bị phục vụ cho công tác tuần tra bảo vệ rừng, văn phòng phẩm… theo đúng quy định. Các nhóm hộ, cộng đồng nhận khoán đã nhận đầy đủ số tiền được cấp phát từ các chủ rừng. Số tiền nhận khoán được công khai, minh bạch trong nhóm cộng đồng; không xảy ra các trường hợp hộ nhận khoán thắc mắc, khiếu nại" - ông Huỳnh Đức - Giám đốc Quỹ Bảo vệ - phát triển rừng Quảng Nam nói thêm.

Cũng theo Quỹ Bảo vệ - phát triển rừng Quảng Nam, qua kết quả kiểm tra, giám sát hàng năm, bên cạnh một số đơn vị thực hiện tốt cũng còn một số đơn vị thực hiện chưa tốt, Quỹ Bảo vệ - phát triển tỉnh đã phát hiện chỉ ra những tồn tại, hạn chế và các đơn vị cũng đã khắc phục, sửa chữa.