Clip nuôi cá "quý tộc", 9x lai châu thu cả tỷ đồng mỗi năm
Chủ trại nuôi loài cá "quý tộc" không xương này là một thanh niên khá trẻ, thuộc thế hệ 9X, đó là anh Nguyễn Văn Tuấn (SN 1991). Trại nuôi cá tầm của anh Tuấn nằm bên cạnh Quốc lộ 4D, dưới chân đèo Hoàng Liên Sơn, thuộc bản Chu Va 12 (xã Sơn Bình, huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu). Khi chúng tôi đến, anh Tuấn đang giao dịch với khách đến mua cá.
Theo quan sát của phóng viên Dân Việt, trại nuôi cá tầm của anh Tuấn được xây dựng khá bài bản. Đó là những dãy bể xây kiên cố, được thiết kế theo kiểu bậc thang. Khác với dãy bể to nuôi cá thương phẩm để lộ thiên, khu bể nhỏ ương cá giống được anh Tuấn lợp mái che chắn cẩn thận.
Trò chuyện với phóng viên Dân Việt, anh Tuấn cho hay: "Trại nuôi cá tầm này được xây dựng và đi vào hoạt động cách đây hơn 5 năm. Tận dụng nguồn nước dồi dào từ suối Chu Va, gia đình tôi đã chọn địa điểm này để xây dựng bể nuôi cá tầm với quy mô lớn. Kinh phí xây dựng trại cá lên đến cả tỷ đồng. Trang trại này gồm 37 bể nuôi cá thương phẩm và 20 bể nhỏ dành để ương cá giống. Nước được dẫn từ suối về các bể, từ bể trên chảy xuống bể dưới, rồi lại chảy ra suối. Việc để nước chảy vào bể rồi lại chảy ra suốt ngày đêm như vậy rất quan trọng. Nó không chỉ giúp cho các bể cá luôn có lượng nước trong mát, mà còn tạo ô xy cho đàn cá sinh trưởng và phát triển".
Theo anh Tuấn, nuôi cá tầm quan trọng nhất là phải luôn giữ cho bể sạch sẽ, nguồn nước phải trong. Anh thuê 5 lao động chỉ để vệ sinh bể cá và cho cá ăn mỗi ngày. "Việc vệ sinh bể nuôi cá tầm rất quan trọng. Khi thấy bể bẩn là phải vệ sinh ngay, chứ không phải là ngày thực hiện mấy lần. Đối với bể ương cá giống thì càng phải chú tâm hơn vấn đề vệ sinh. Bởi lẽ, cá càng nhỏ thì sức đề kháng càng yếu. Nếu bể nuôi không sạch, cá con dễ bị mắc bệnh. Khi cá tầm con nhiễm bệnh thì rất khó chữa trị" – anh Tuấn lý giải.
Chia sẻ với Dân Việt về kỹ thuật chăm sóc cá tầm, anh Tuấn cho biết: "Khâu cho cá ăn rất quan trọng, nhất là ở thời kỳ cá còn nhỏ. Với cá nuôi trong bể ương, tôi cho chúng ăn 8 bữa mỗi ngày. Cứ cách 3 tiếng, tôi lại cho đàn cá ăn một lần. Cho ăn như vậy, đàn cá mới có đủ dinh dưỡng để phát triển. Chăm cá con còn cực hơn cả chăm em bé. Người nuôi phải thức đêm, thức hôm lọ mọ cho cá ăn. Khi cá tầm có trọng lượng từ 5 lạng đến 7 lạng/con trở lên thì bữa ăn cho chúng giảm dần. Lúc này, việc chăm sóc đàn cá cũng đỡ vất vả hơn. Nuôi trong bể ương tầm 4 tháng thì tôi cho đàn cá ra bể to để chăm sóc. Lúc này, cá mới đạt từ 1 lạng - 1,5 lạng".
Đối với bể nuôi cá thương phẩm, ngoài vệ sinh bể mỗi ngày, cứ cách 1 tháng anh Tuấn lại cho đàn cá "tắm thuốc" một lần để phòng bệnh. Cách làm của anh Tuấn khá đơn giản. Anh Tuấn hòa muối vào một chậu nước rồi tạt vào các bể nuôi cá tầm thương phẩm. Trước khi "tắm thuốc" cho đàn cá, anh Tuấn ngừng xả nước và tháo bớt nước trong bể, chỉ để còn chừng 40cm nước.
"Khi tạt nước muối vào bể, tôi để chừng 30 phút rồi mới xả nước như bình thường. Làm theo cách này sẽ phòng được các bệnh về nấm cho đàn cá. Những con cá tầm bị xước sát mình cũng sẽ sớm khỏi khi được ngâm trong nước muối" – anh Tuấn chia sẻ.
Anh Tuấn thường xuyên kiểm tra, theo dõi quá trình sinh trưởng và phát triển của đàn cá tầm ở từng bể nuôi. Khi phát hiện con cá nào còi cọc, chậm lớn hay có biểu hiện không bình thường là anh lọc ra, cho sang bể khác và có chế độ chăm sóc riêng.
Được cho ăn đủ dinh dưỡng lại sống trong môi trường sạch sẽ, đàn cá tầm của anh Tuấn cứ lớn dần theo ngày tháng. Anh Tuấn cho đàn cá tầm ăn một loại cám công nghiệp, với các kích cỡ hạt khác nhau. Tùy theo trong lượng của đàn cá mà anh cho chúng ăn loại cám phù hợp.
Để lúc nào cũng có cá tầm thịt bán ra thị trường, anh Tuấn nuôi theo kiểu gối đầu. Cứ cách từ 3- 4 tháng, anh lại nhập cá giống về nuôi một lần. Một năm, anh Tuấn nuôi khoảng 3 vạn con cá tầm. Mỗi năm, bán ra thị trường trên dưới 50 tấn cá thương phẩm, với giá dao động từ 180.000 – 200.000 đồng/kg, anh thu gần chục tỷ đồng. Sau khi trừ chi phí con giống, nhân công, thức ăn, anh Tuấn lãi hơn 1 tỷ đồng.