Kênh Vĩnh Tế những ngày cuối tháng 7 (âm lịch), màu nước nhuộm phù sa, thấp thoáng mấy đám lục bình trôi bồng bềnh về nơi vô định. Tôi tìm đến nhà Lê Trường Anh (xã An Nông, Tịnh Biên, An Giang) để làm một chuyến săn cá đồng miền biên giới cho thỏa thú tiêu dao. Đón tiếp tôi bên ngôi nhà nhỏ, Lê Trường Anh với nụ cười thân thiện, gương mặt đen sạm vì nắng gió đã sẵn sàng cho một chuyến đi kiếm cá đồng nơi biên giới An Nông.
Với Lê Trường Anh, công việc hàng ngày là thả lưới kiếm mớ cá mang bán chợ để mưu sinh. Đã hơn 20 năm, anh gắn bó với tay lưới, tay chèo trên dòng kênh huyền sử Vĩnh Tế này như một cái nghiệp. Anh chia sẻ, bản thân chưa bao giờ nghĩ đến việc bắt cá bằng xung điện, bởi việc đó là tuyệt diệt thủy sản và cũng dần hạn chế nguồn mưu sinh của mình. Bởi thế, anh chỉ bủa lưới để bắt cá. Trong đó, cá quen thuộc nhất là mè vinh, loại “cá trắng” có thịt rất ngon, rất béo của xứ đồng quê.
Tầm 10 giờ trưa, nắng chan chát. Mấy rặng núi bên kia biên giới rợp bóng mây tạo nên những mảng màu sáng tối trông khá siêu thực. Chúng tôi 3 người kéo nhau xuống chiếc vỏ lải buộc cặp bờ kênh đã được Trường Anh chuẩn bị sẵn. Người bạn mới quen của tôi cho biết, nó là phương tiện mưu sinh mỗi ngày nhưng là bạn đồng hành của anh mấy năm qua. Tiếng máy lạch tạch nổ giòn khuấy động một khúc sông quê. Chiếc vỏ lải từ từ tách bến, đưa chúng tôi đi bủa lưới.
Nhanh tay thả lưới xuống mặt nước đục ngầu, Trường Anh giải thích tối hôm trước có mưa nên cá “không đi” như thường lệ. Tuy nhiên, việc thả vài tay lưới kiếm cá ăn thì không khó. Nghe vậy, tôi mở cờ trong bụng. Trời càng trưa, gió kênh thổi càng mạnh như xua đi cái nóng cháy da. Tay lưới trôi lềnh bềnh trên mặt kênh đầy nắng. Bỏ lưới chừng dăm phút, Trường Anh bắt đầu kéo lên. Thấy tôi có vẻ tò mò, anh giải thích: “Nếu có cá mình bỏ lưới độ vài phút là dính rồi, khỏi đợi lâu”.
Quả thật, những con cá mè vinh to cỡ 2-3 ngón tay đã dính lưới lúc nào không biết. Chúng uốn éo thân mình trước khi bị giở lên khỏi mặt nước. Trường Anh nhanh chóng gỡ cá ném vào khoang vỏ lải. Những con cá tươi rói, lấp lánh vảy bạc nhảy soi sói dưới ánh nắng. Chúng tôi hứng khởi bởi đã có cá ngon thưởng thức. Trời càng trưa, mặt kênh no gió. Những chiếc tàu lớn chạy qua tạo nên mấy con sóng đánh "ì oạp" vào mạn vỏ lải, nước văng lên mặt tôi mát rượi. Sau 2 lần bủa lưới, chúng tôi kiếm được gần 20 con cá trèn vinh cỡ nhỏ.
Trong khi bủa lưới, tôi lắng nghe câu chuyện mưu sinh của Lê Trường Anh. Mỗi ngày, anh kiếm được chừng 5-7kg cá mè vinh mang ra chợ bán, thu về gần 200.000 đồng. Gia đình nhỏ 4 nhân khẩu cứ sống nhờ vào con cá bấy lâu nay. Được cái, quê nghèo còn kế mưu sinh với chiếc vỏ lải và tay lưới dài chừng 50m. Cuộc sống dù vất vả nhưng khi có bạn đến thì anh sẵn sàng khoản đãi những con cá ngon kiếm được từ xứ biên giới An Nông này.
Cá tươi được móc hầu, rửa sạch để nướng. Với chúng tôi, cá mè vinh nướng chấm mắm me là “nhứt xứ”. Sau một lát hì hục, chúng tôi cũng nhuốm được bếp than đỏ lửa. Những con cá núc ních bắt lửa bốc mùi thơm phức. Trường Anh ra vườn “huơ” ít rau càng cua, vài trái đậu rồng, mớ lá lốt để ăn kèm cá nướng. Bạn gắp cho tôi nguyên con cá nướng còn nóng hổi, rồi bảo: “Ăn đi! Xứ đồng mình chẳng có gì ngoài con cá, con cua, ngon không gì sánh được”.
Tôi chấm miếng cá cặp lá lốt vào chén nước mắm me rồi cho lên miệng. Cái hương thơm đồng quê xộc vào mũi. Nước mắm me thấm đượm dư vị dân dã mà ngon không tả được! Chúng tôi ngồi trên kệ ván kê dưới gốc xoài mát rượi. Mấy cơn gió dưới kênh thi thoảng ùa lên làm cho cái thú tiêu dao càng thêm thong dong, thư thả. Quả thật, được thưởng thức cá đồng theo kiểu dân dã nhất bao giờ cũng có cái thú vị riêng. Bởi thế, chả trách dân phố thị cứ rủ nhau về xứ đồng ăn cá! Tôi tạm biệt người bạn mới quen khi nắng chiều đã ngã mà trong miệng vẫn còn dư vị của cá nướng và nước mắm me thấm đượm.
Trong những ngày tháng ngược xuôi sắp tới, tôi sẽ còn nhớ cái hương vị của cá nướng đồng quê và tình cảm chân chất của người bạn chỉ quen bủa lưới, giăng câu trên dòng kênh Vĩnh Tế.