Vượt thách thức, đạt nhiều kết quả tích cực
Ông Hoàng Xuân Trường – Giám đốc Ngân hàng CSXH tỉnh Sơn La cho biết: 8 tháng đầu năm 2020, dù gặp phải thời tiết nắng nóng, gay gắt, dịch Covid-19 tác động, nhưng với quyết tâm vượt mọi khó khăn, chủ động bám sát sự chỉ đạo của ngân hàng cấp trên và địa phương, toàn đơn vị vẫn dốc sức lực thực thi nhiệm vụ huy động, tạo lập được nguồn vốn lớn và tổ chức thực hiện hiệu quả 17 chương trình tín dụng chính sách của Nhà nước, đáp ứng kịp thời, đầy đủ yêu cầu phát triển kinh tế xã hội, giảm nghèo bền vững của địa phương và nhân dân.
Doanh số cho vay trong 8 tháng đầu năm 2020 ở Sơn La đạt 656 tỷ đồng, bằng 87,8% so với cùng kỳ năm 2019, nâng tổng dư nợ đến nay lên xấp xỉ 4.700 tỷ đồng với hơn 140.000 khách hàng còn dư nợ, đạt 98,8% kế hoạch năm.
Cụ thể, doanh số cho vay trong 8 tháng đầu năm 2020 ở Sơn La đạt 656 tỷ đồng, bằng 87,8% so với cùng kỳ năm 2019, doanh số thu nợ đạt trên 410 tỷ đồng bằng 106% so với cùng kỳ năm trước, nâng tổng dư nợ đến nay lên xấp xỉ 4.700 tỷ đồng với hơn 140.000 khách hàng còn dư nợ, đạt 98,8% kế hoạch năm và kéo số tiền nợ quá hạn xuống còn 0,08% tổng dư nợ.
Toàn bộ nguồn vốn do huy động, tạo lập được kể cả nguồn ngân sách từ UBND tỉnh, huyện ủy thác là 127 tỷ đồng, tăng 74 tỷ đồng bởi đơn vị đã triển khai tốt Chỉ thị 40 của Ban Bí thư T.Ư Đảng về tín dụng chính sách xã hội. Từ nguồn vốn tín dụng chính sách, thời gian qua đã có khoảng 17.000 lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo ở Sơn La có điều kiện chủ động sản xuất, kinh doanh, tăng thu nhập tạo việc làm mới, xây dựng công trình nước sạch, nhà ở vững chắc; đầu tư chăn nuôi được 21.000 con trâu, bò; mở rộng, thâm canh 15.637ha vườn cây ăn quả đặc sản.
Đặc biệt, đồng vốn chính sách đã hỗ trợ các huyện nghèo và 112 xã đặc biệt khó khăn khai hoang, phục hóa 610ha ruộng nước, 600ha ruộng bậc thang, xây dựng mô hình chăn nuôi lợn thịt hướng nạc, nuôi cá lồng bè, giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 35,44% năm 2016 xuống còn 29,7% năm 2019.
Nông dân khấm khá
Ông Đinh Văn An (ở bản Yên Sơn, xã Hát Lót, huyện Mai Sơn) là một trong những tấm gương điển hình làm kinh tế giỏi ở địa phương nhờ sử dụng hiệu quả nguồn vốn vay ưu đãi. Ông Đinh Văn An phấn khởi chia sẻ: Được vay 50 triệu đồng vốn chương trình giải quyết việc làm của Ngân hàng CSXH huyện đầu tư trồng mới 600 cây nhãn, xoài, nâng tổng diện tích trồng cây ăn quả lên hơn 2ha. Sau 2 năm trồng, chăm sóc, vườn xoài tượng da xanh đã cho thu bói 5 tấn quả, có thu nhập gần 100 triệu đồng. Đã cam kết, gia đình tôi luôn chấp hành tốt việc trả gốc và lãi cho ngân hàng theo quy định".
Từ nguồn vốn vay ưu đãi Ngân hàng CSXH, chị Bạc Thị Thiên (ở bản Quỳnh Châu, xã Phỏng Lái, huyện Thuận Châu) đã tập trung chuyển đổi 3 ha đất canh tác cây lương thực kém hiệu quả sang trồng các loại cây ăn quả có giá trị như: Bơ, xoài, nhãn, mận… Ông Cầm Văn Sơn - Giám đốc Phòng giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Mai Sơn cho biết: Hiện nay, nguồn vốn chính sách xã hội đã trải rộng khắp các bản, tiểu khu, với 15 chương trình tín dụng ưu đãi cho vay hộ nghèo, cận nghèo, mới thoát nghèo, cho vay hộ sản xuất, kinh doanh vùng khó khăn, nước sạch và vệ sinh môi trường, cho vay nhà ở, giải quyết việc làm...
Ngân hàng CSXH và các tổ chức đoàn thể phát huy vai trò cầu nối, đưa tín dụng ưu đãi đến với các hộ và đối tượng chính sách khác, tạo động lực giúp xóa đói, giảm nghèo ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Trong 5 năm qua, Mai Sơn đã có trên 26.600 lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn tín dụng ưu đãi, tổng doanh số cho vay trên 552 tỷ đồng.
Thời gian tới, Phòng giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Mai Sơn tiếp tục triển khai kịp thời, hiệu quả các chương trình tín dụng ưu đãi đến các đối tượng thụ hưởng; phối hợp với các tổ chức đoàn thể chính trị xã hội việc củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động của các tổ tiết kiệm vay vốn tư vấn, hướng dẫn kỹ thuật sản xuất và nhân rộng các mô hình kinh tế điển hình, thu nhập cao; thường xuyên kiểm tra, giám sát, đôn đốc thu hồi nợ đến hạn, giảm nợ xấu…