Dân Việt

4 trường hợp cán bộ, công chức, viên chức được miễn trách nhiệm kỷ luật

Bảo Linh 25/09/2020 06:54 GMT+7
Theo Nghị định 112/2020/NĐ-CP, cán bộ, công chức, viên chức sẽ không bị xử lý kỷ luật khi có hành vi vi phạm nếu thuộc 1 trong các trường hợp sau.

Nghị định 112/2020/NĐ-CP quy định về xử lý kỷ luật cán bộ, công chức, viên chức chính thức có hiệu lực từ ngày 20/9/2020.

Theo đó, các bộ, công chức, viên chức khi có hành vi vi phạm quy định sẽ phải chịu các hình thức xử lý kỷ luật khác nhau tùy theo mức độ vi phạm.

Tuy nhiên, Nghị định 112 cũng quy định rõ các trường hợp các bộ, công chức, viên chức được miễn trách nhiệm kỷ luật.

Cụ thể, tại Điều 4 Nghị định 112 quy định có 4 trường hợp được miễn trách nhiệm kỷ luật:

Thứ nhất, được cơ quan có thẩm quyền xác nhận tình trạng mất năng lực hành vi dân sự khi có hành vi vi phạm.

Thứ 2, phải chấp hành quyết định của cấp trên theo quy định tại Khoản 5 Điều 9 Luật Cán bộ, công chức 2008: "Chấp hành quyết định của cấp trên. Khi có căn cứ cho rằng quyết định đó là trái pháp luật thì phải kịp thời báo cáo bằng văn bản với người ra quyết định; trường hợp người ra quyết định vẫn quyết định việc thi hành thì phải có văn bản và người thi hành phải chấp hành nhưng không chịu trách nhiệm về hậu quả của việc thi hành, đồng thời báo cáo cấp trên trực tiếp của người ra quyết định. Người ra quyết định phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về quyết định của mình".

4 trường hợp cán bộ, công chức, viên chức được miễn trách nhiệm kỷ luật - Ảnh 1.

4 trường hợp cán bộ, công chức, viên chức được miễn trách nhiệm kỷ luật

Thứ 3, được cấp có thẩm quyền xác nhận vi phạm trong tình thế cấp thiết, do sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan theo quy định của Bộ luật dân sự khi thi hành công vụ.

Trước đó, Khoản 3 Điều 5 Nghị định 34/2011/NĐ-CP quy định cán bộ, công chức được miễn trách nhiệm kỷ luật nếu được cấp có thẩm quyền xác nhận vi phạm pháp luật trong tình thế bất khả kháng khi thi hành công vụ.

Khoản 2 Điều 6 Nghị định 27/2012/NĐ-CP quy định viên chức được miễn trách nhiệm kỷ luật nếu được cấp có thẩm quyền xác nhận có hành vi vi phạm pháp luật trong tình thế bất khả kháng khi thực hiện công việc, nhiệm vụ.

Thứ 4, cán bộ, công chức, viên chức có hành vi vi phạm đến mức bị xử lý kỷ luật nhưng đã qua đời. Đây là một quy định hoàn toàn mới vrong các văn bản trước đây chưa từng có quy định này.

Bên cạnh đó, nghị định cũng quy định rõ 4 trường hợp cán bộ, công chức, viên chức chưa xem xét xử lý kỷ luật.

Cụ thể:

Cán bộ, công chức, viên chức đang trong thời gian nghỉ hàng năm, nghỉ theo chế độ, nghỉ việc riêng được cấp có thẩm quyền cho phép.

Cán bộ, công chức, viên chức đang trong thời gian điều trị bệnh hiểm nghèo hoặc đang mất khả năng nhận thức; bị ốm nặng đang điều trị nội trú tại bệnh viện có xác nhận của cơ quan y tế có thẩm quyền.

Cán bộ, công chức, viên chức là nữ giới đang trong thời gian mang thai, nghỉ thai sản, đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi hoặc cán bộ, công chức, viên chức là nam giới (trong trường hợp vợ chết hoặc vì lý do khách quan, bất khả kháng khác) đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi.

Cán bộ, công chức, viên chức đang bị khởi tố, tạm giữ, tạm giam chờ kết luận của cơ quan có thẩm quyền điều tra, truy tố, xét xử về hành vi vi phạm pháp luật, trừ trường hợp theo quyết định của cấp có thẩm quyền.