Dân Việt

Nông dân miền Trung - Tây Nguyên háo hức chờ đối thoại với Thủ tướng

Anh Thơ (thực hiện) 25/09/2020 06:15 GMT+7
Đến thời điểm này, mọi công việc chuẩn bị cho hội nghị đã hoàn tất, sẵn sàng cho cuộc gặp mặt giữa người đứng đầu Chính phủ và nông dân miền Trung - Tây Nguyên.
Nông dân miền Trung - Tây Nguyên háo hức chờ đối thoại với Thủ tướng - Ảnh 1.

Ông Đinh Khắc Đính - Phó Chủ tịch Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, Trưởng ban tổ chức Hội nghị Thủ tướng đối thoại với nông dân lần thứ 3 tại Đăk Lăk.

Theo ông Đinh Khắc Đính - Phó Chủ tịch Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, Trưởng Ban tổ chức Hội nghị Thủ tướng đối thoại với nông dân lần thứ 3 tại Đăk Lăk, đến thời điểm này, mọi công việc chuẩn bị cho hội nghị đã hoàn tất, sẵn sàng cho cuộc gặp mặt giữa người đứng đầu Chính phủ với nông dân cả nước và miền Trung - Tây Nguyên.

Xin ông cho biết, đến thời điểm này, các công tác chuẩn bị cho Hội nghị Thủ tướng đối thoại với nông dân lần thứ 3 đã hoàn tất?

- Công tác chuẩn bị cho Hội nghị Thủ tướng Chính phủ đối thoại với nông dân lần thứ 3 tại thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đăk Lăk có nhiều tác động khách quan không thuận lợi như lần 1 và lần 2, nhất là trong bối cảnh tình hình dịch bệnh Covid – 19 và bệnh bạch hầu ở miền Trung – Tây Nguyên. 

Song, với tinh thần trách nhiệm cao của tỉnh Đăk Lăk, các bộ, ngành liên quan, Báo Nông thôn ngày nay và các ban, đơn vị của Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, Hội Nông dân tỉnh Đăk Lăk…, sự nỗ lực, cố gắng của các thành viên Ban Tổ chức, đến thời điểm này công tác chuẩn bị cho Hội nghị Thủ tướng đối thoại với nông dân lần thứ 3 vào chiều ngày 28/9 tới tại Đăk Lăk đã hoàn tất, sẵn sàng cho buổi đối thoại có ý nghĩa, được trông đợi nhất trong năm giữa người đứng đầu Chính phủ, đại diện lãnh đạo các bộ, ngành chức năng với nông dân và các cấp Hội Nông dân khu vực miền Trung – Tây Nguyên và cả nước.

Trước đó, Ban Tổ chức đã có nhiều buổi làm việc với tỉnh Đăk Lăk để thống nhất các kế hoạch, phương án tổ chức các công việc chuẩn bị cho Hội nghị..., đến giờ có thể nói những công việc cuối cùng đã hoàn tất, chỉ chờ đến ngày đối thoại..

Trong bối cảnh dịch Covid-19 có những diễn biến vô cùng phức tạp từ đầu năm đến nay, ông đánh giá như thế nào về ý nghĩa của Hội nghị lần này?

- Hội nghị lần này diễn ra trong bối cảnh tình hình thế giới có nhiều biến động sâu sắc, dịch Covid-19 ảnh hưởng đến nhiều mặt đời sống kinh tế, xã hội trong năm 2020. Dù vậy, mặc dù rất bận rộn các công việc của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Thủ tướng Chính phủ vẫn rất quan tâm việc tổ chức Hội nghị Thủ tướng Chính phủ đối thoại với nông dân, cho thấy sự quan tâm đặc biệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành chức năng với nông nghiệp, nông dân, nông thôn.

Vô cùng ý nghĩa khi đối thoại lần này hội viên, nông dân cả nước tiếp tục phản ánh những tâm tư, nguyện vọng của mình, tiếp tục đề xuất với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc với quyết tâm cùng nỗ lực, vượt thách thức, giữ vững tăng trưởng giá trị nông sản Việt, giúp nông nghiệp thịnh vượng, nông dân giàu có, nông thôn văn minh, hiện đại và tăng gia sản xuất sau nông nông nghiệp khi khống chế được dịch Covid-19.

Nông dân miền Trung - Tây Nguyên háo hức chờ đối thoại với Thủ tướng - Ảnh 2.

Đại diện nông dân xuất sắc đặt câu hỏi với Thủ tướng tại Hội nghị Thủ tướng đối thoại với nông dân ở Cần Thơ năm 2019. Ảnh: N.C

"Qua dịch Covid-19 có thể thấy, nông nghiệp, nông dân, nông thôn có ý nghĩa vô cùng quan trọng, qua những lần khủng hoảng kinh tế, dịch bệnh, sản xuất nông nghiệp vẫn là trụ đỡ, nông thôn là môi trường đảm bảo an sinh xã hội".

Ông Đinh Khắc Đính

Sau 2 lần tổ chức tại Hải Dương và TP.Cần Thơ, Hội nghị Thủ tướng đối thoại với nông dân lần thứ 3 sẽ được tổ chức tại Đăk Lăk. Ông đánh giá ý nghĩa của hội nghị lần này với nông dân khu vực miền Trung - Tây Nguyên?

- Qua hơn 1.500 câu hỏi, tâm tư của nông dân gửi đến Hội nghị, hội viên, nông dân khu vực miền Trung – Tây Nguyên nói riêng, cả nước nói chung đã thể hiện tình cảm, những mong muốn được đón nhận sự kiện này, qua hội nghị mong sẽ có các chính sách, giải pháp góp phần xây dựng nền nông nghiệp thịnh vượng, nông dân giàu có, nông thôn văn minh hiện đại.

Việc Thủ tướng Chính phủ tổ chức đối thoại với nông dân không chỉ thể hiện mối quan hệ mật thiết giữa người đứng đầu Chính phủ và các cấp chính quyền đối với nông dân mà còn thể hiện ý nghĩa sâu sắc trong việc cụ thể hóa triển khai quy chế công tác dân vận của hệ thống chính trị do Bộ Chính trị ban hành, đã triển khai thực hiện trong 10 năm qua.

Hội nghị lần này là dịp để các cấp Hội Nông dân kiến nghị với người đứng đầu Chính phủ tiếp tục tạo điều kiện cho Hội Nông dân sau khi tiến hành tổ chức tổng kết 10 năm thực hiện Kết luận 61 của Ban Bí thư và Quyết định 673 của Thủ tướng Chính phủ sẽ tiếp tục phát huy nâng cao hơn nữa vai trò, trách nhiệm của Hội Nông dân trong nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới và xây dựng giai cấp nông dân Việt Nam.

 Qua dịch Covid-19 tiếp tục cho thấy và khảng định nông nghiệp, nông dân, nông thôn có ý nghĩa vô cùng quan trọng, qua những lần khủng hoảng kinh tế, dịch bệnh sản xuất nông nghiệp, nông thôn vẫn là trụ đỡ, là môi trường đảm bảo an sinh xã hội cho đất nước.

Ngoài yêu cầu đặt ra như Hội nghị đối thoại lần thứ nhất và thứ hai, tại hội nghị lần thứ 3 được tổ chức ở khu vực miền Trung – Tây Nguyên, ngoài những mong muốn chung của nông dân cả nước gửi đến hội nghị, Thủ tướng cũng đặt kỳ vọng đối với phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn khu vực miền Trung – Tây Nguyên, cùng với nông dân cả nước nỗ lực phấn đấu không ngừng chăm lo, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho đồng bào các dân tộc đang sinh sống trong khu vực.

Tại hội nghị, vấn đề phòng chống dịch sẽ được thực hiện như thế nào, thưa ông?

- Nghiêm túc thực hiện các văn bản chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về phòng chống dịch Covid-19, tại các buổi họp chuẩn bị với tỉnh Đắk Lắk về công tác phòng chống dịch Covid-19, chúng tôi đã bàn bạc rất cụ thể, xem quy mô số lượng như thế nào để tính toán khoảng cách chỗ ngồi, vệ sinh phòng bệnh để đảm bảo an toàn.

Xin cảm ơn ông!