Trước tình hình đó, Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) đã góp phần giúp người dân chuyển đổi sản xuất theo hướng phát huy lợi thế, gắn với thị trường, gia tăng giá trị sản phẩm…
Hồi sinh vùng đất khó
Kể lại một thời khó khăn, anh Nguyễn Viết Bình - Giám đốc HTX Đại Ngàn (xã Ia Blứ) chia sẻ: "Tình trạng hồ tiêu chết hàng loạt khiến bà con nông dân ở đây điêu đứng, nhiều gia đình nợ nần do vay vốn ngân hàng nhưng không có khả năng trả. Bây giờ bà con không còn mặn mà với cây hồ tiêu nữa mà dần chuyển hướng sang các cây trồng khác.
Mặc dù những cây trồng này không mang lại giá trị cao như cây hồ tiêu trước đây, nhưng đã mở ra hướng đi mới, bền vững hơn. Đặc biệt, Chương trình OCOP đã giúp cho nông dân có cái nhìn mới về sản xuất nông nghiệp, nhất là tạo ra những sản phẩm đặc trưng, chất lượng".
"Chương trình OCOP đã tạo nên sự thay đổi lớn trong ngành nông nghiệp của địa phương. Từ chỗ sản xuất tự phát, không bền vững, người dân đã chú ý đến tính bền vững và biết chọn những cây trồng thế mạnh, sản xuất theo nhu cầu thị trường, sản phẩm được đăng ký nguồn gốc rõ ràng, nhãn hiệu hàng hóa…".
Ông Nguyễn Long Khánh - Phó trưởng phòng NNPTNT huyện Chư Pưh
Theo anh Bình, thời gian đầu nông dân cũng loay hoay với bài toán "trồng cây gì và không trồng cây gì". Trước tình hình đó, Chương trình OCOP đã giúp bà con định hình hướng đi của mình.
Riêng HTX, ban đầu mới thành lập chỉ có vài hộ xã viên, đến nay đã có hơn 60 thành viên, diện tích đất nông nghiệp hơn 100ha với nhiều loại cây trồng có giá trị kinh tế cao.
Trong đó có 2 sản phẩm OCOP là sầu riêng và quả na đã được chứng nhận đạt tiêu chuẩn 3 sao cấp tỉnh, riêng cây sầu riêng còn được cấp chứng nhận VietGAP.
Còn anh Võ Thành Tuân - Giám đốc Công ty TNHH Nhất Nông (xã Ia Phang) cho biết: "Để tạo ra sự thay đổi, góp phần tăng giá trị nông sản tại địa phương, chúng tôi đã nghiên cứu và đã thành công với 2 sản phẩm làm từ tinh bột nghệ, được chứng nhận OCOP 3 sao cấp tỉnh".
Năm 2020, huyện Chư Pưh đầu tư gần 2,5 tỷ đồng để phát triển Chương trình OCOP. Trong đó, huyện chú trọng phát triển nguồn nhân lực, đào tạo cán bộ về xây dựng kế hoạch sản xuất và đánh giá sản phẩm. Đồng thời đào tạo, bồi dưỡng kiến thức cho cán bộ quản lý, điều hành Chương trình OCOP huyện, xã và chủ cơ sở có đăng ký kinh doanh, doanh nghiệp, HTX...
Gia tăng giá trị
Theo ông Nguyễn Long Khánh - Phó Trưởng phòng NNPTNT huyện Chư Pưh, nhằm tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất và hộ nông dân tham gia Chương trình OCOP, năm 2019 huyện đã mời PGS-TS Trần Văn Ơn - cố vấn Chương trình OCOP quốc gia - về hướng dẫn cho tất cả các xã, thị trấn. Đến nay huyện đã nhận được 13 sản phẩm đăng ký OCOP (trong đó có 4 sản phẩm được chứng nhận 3 sao nâng cấp lên 4 sao cấp tỉnh).
Bên cạnh đó, huyện còn hỗ trợ doanh nghiệp, đơn vị và các hộ sản xuất đầu tư hoàn thiện sản phẩm nhằm đạt tiêu chí của Chương trình OCOP.
Trên cơ sở đăng ký của các HTX và doanh nghiệp, Phòng NNPTNT huyện Chư Pưh đã đề xuất UBND huyện xây dựng kế hoạch thực hiện Chương trình OCOP năm 2020. Theo đó, 6 HTX và 3 doanh nghiệp tại 6 xã, thị trấn đăng ký nhiều sản phẩm đặc trưng như: Đậu đen xanh lòng giống bản địa, tinh dầu sả cam, hồ tiêu, dầu sachi OMEGA, sầu riêng, mít, na, gạo Dai Ke Lao, tinh bột nghệ đỏ, trà đinh lăng, rượu đinh lăng, tinh dầu bơ…
Trong đó, có 4 sản phẩm 3 sao cấp tỉnh đăng ký nâng hạng lên 4 sao cấp tỉnh. "Khi tham gia Chương trình OCOP, sản phẩm được nhà nước chứng nhận, có nhãn hiệu rõ ràng thì hiển nhiên được khách hàng tin dùng và giá trị chắc chắn sẽ tăng lên rất nhiều" - ông Nguyễn Long Khánh nói.
Bên cạnh các hoạt động hỗ trợ xây dựng sản phẩm OCOP, huyện Chư Pưh cũng thường xuyên tổ chức các chương trình xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm ra thị trường. Đến nay nhiều sản phẩm OCOP của địa phương đã được bày bán tại nhiều trung tâm thương mại lớn trong và ngoài tỉnh.