Những "hạt nhân" nông dân giỏi
Chia sẻ tại hội nghị, bà Nguyễn Thị Cẩm Phương - Chủ tịch Hội Nông dân (ND) tỉnh Hòa Bình cho biết, trong giai đoạn 2015-2020, các cấp Hội ND Hòa Bình đã xây dựng 151 cơ sở với 1.443 chi hội và 130.448 hội viên.
Hằng năm, tỉnh Hòa Bình có trên 36.000 hộ nông dân đạt danh hiệu nông dân sản xuất kinh doanh giỏi các cấp. Trong đó có nhiều hộ mạnh dạn áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chăn nuôi mang lại hiệu quả kinh tế cao. Tính đến nay, Hòa Bình đã có 846 hộ nông dân có thu nhập từ 300 triệu đồng đến 1 tỷ đồng. Cùng với đó, Hội ND tỉnh đã phối hợp với ngành ngân hàng tín chấp cho nông dân vay vốn, đến nay tổng dư nợ trên 3.450 tỷ đồng (tăng gần 2.000 tỷ đồng so với năm 2015) cho 61.460 lượt hộ vay; nguồn vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân tỉnh trực tiếp quản lý và cho vay là 35, 697 tỷ (tăng 16,066 tỷ đồng so với năm 2015) cho trên 1.300 lượt hộ nông dân vay thực hiện các dự án, mô hình.
Bà Phương cho biết thêm, trong giai đoạn này, các cấp Hội cũng đã phối hợp với các cơ quan, đơn vị, các doanh nghiệp tổ chức được 1.546 lớp tập huấn chuyển giao ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật cho trên 94.819 lượt hội viên nông dân tham gia; tín chấp mua trên 15.490 tấn phân bón các loại, 25.000 tấn thức ăn chăn nuôi...
5 năm qua các cấp Hội ND trong tỉnh Hòa Bình đã được Thủ tướng Chính phủ tặng Cờ Thi đua xuất sắc năm 2019; Trung ương Hội NDVN tặng Cờ nhiệm kỳ (2013 - 2018); tặng Cờ thi đua đơn vị xuất sắc năm 2019, tặng bằng khen cho 47 tập thể và 64 cá nhân...
Nhờ có nhiều cách làm hay, sáng tạo, trong động hội viên, nông dân thi đua xây dựng nông thôn mới, các năm qua các cấp Hội đã vận động nông dân trong tỉnh đóng góp 13,675 tỷ đồng, 362.914 ngày công, hiến 160.530m2 đất... Đến nay, tỉnh đã có 57/131 xã đạt và cơ bản đạt chuẩn nông thôn mới...
Nói về mục tiêu trong giai đoạn tới (2020-2025), bà Phương khẳng định, Hội ND tỉnh Hòa Bình đang phấn đấu hàng năm có trên 60% hộ hội viên đăng ký tham gia và có từ 40% trở lên đăng ký đạt danh hiệu sản xuất kinh doanh giỏi các cấp. Phấn đấu mỗi năm tăng thêm 2 - 2,5% hộ sản xuất kinh doanh giỏi...
"Các cấp Hội cũng phấn đấu thành lập mới được 20 mô hình kinh tế hợp tác hoạt động có hiệu quả trở lên; hàng năm phối hợp công tác dạy nghề cho nông dân từ 2.500 người/năm. Hội trực tiếp dạy và cấp chứng chỉ đạt từ 500-700 người..."- bà Phương nói.
Thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp
Phát biểu chỉ đạo tại buổi lễ, đồng chí Thào Xuân Sùng ghi nhận và đánh giá cao các thành tích mà các cấp Hội ND tỉnh Hòa Bình đã đạt được trong thời gian vừa qua. Theo người đứng đầu T.Ư Hội NDVN, dù đã đạt được nhiều thành tích cao trong công tác hội và phong trào nông dân nhưng trong thời gian tới các cấp Hội ND tỉnh Hòa Bình cần nỗ lực phấn đấu để đạt mục tiêu cao hơn.
Để làm được điều đó, Chủ tịch Hội NDVN lưu ý các cấp ủy, chính quyền, mặt trận tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội, đặc biệt là Hội ND tỉnh Hòa Bình cần đặc biệt quan tâm thực hiện đồng bộ một số nhiệm vụ mấu chốt.
Thứ nhất, việc tái cơ cấu nông nghiệp của tỉnh Hòa Bình cần bám sát các tiềm năng, lợi thế về đất đai, khí hậu, đa dạng sinh học, phát triển bền vững do con người và vì con người.
Thứ 2, việc tái cơ cấu nông nghiệp của Hòa Bình cần theo hướng nông nghiệp đặc sắc. "Chúng ta hãy sản xuất những sản phẩm mà người ta không có và hãy sản xuất những sản phẩm người ta không thể sản xuất được"- đồng chí Thào Xuân Sùng gợi ý.
Thứ ba, việc tái cơ cấu nông nghiệp của tỉnh Hòa Bình cần phải tiến hành từng bước, từng công đoạn và từng loại cây trồng theo hướng hữu cơ. "Với vị trí tiếp giáp Hà Nội, giao thông thuận lợi, Hòa Bình có thể trở thành một trong những trung tâm cung ứng nông sản đặc hữu cho vùng đồng bằng Bắc Bộ và thủ đô Hà Nội", người đứng đầu T.Ư Hội NDVN nhấn mạnh.
Thứ tư, việc tái cơ cấu nông nghiệp của tỉnh, nhất là ngành lúa gạo phải theo hướng phát triển xanh, tuần hoàn và đảm bảo môi trường bền vững, gắn con người với thiên nhiên và văn hóa bản địa.
Thứ năm, các cấp Hội ND tỉnh Hòa Bình cần tập trung tuyên truyền, vận động hội viên xây dựng chi hội nông dân nghề nghiệp, tổ hội nông dân nghề nghiệp gắn với hợp tác xã, tổ hợp tác theo nguyên tắc 5 tự và 5 cùng. Tại buổi lễ, 93 tập thể, cá nhân cán bộ hội, hội viên nông dân của tỉnh có thành tích xuất sắc trong công tác hội và phong trào nông dân được nhận bằng khen của UBND tỉnh Hòa Bình.
Bên lề buổi lễ, Hội ND tỉnh Hòa Bình phối hợp với Hội ND tỉnh Ninh Bình khai trương cửa hàng nông sản an toàn đầu tiên tại tỉnh Hòa Bình mang tên cửa hàng nông sản an toàn sông Đà tại địa chỉ số 353, đường Trần Hưng Đạo, xã Sủ Ngòi, TP.Hòa Bình.