Một nhiệm kỳ rực rỡ của Quảng Ninh
Trong nhiệm kỳ 2016 – 2020, kinh tế của Quảng Ninh liên tục tăng trưởng với tốc độ cao, bình quân đạt 10,7%/năm. Cơ cấu chuyển dịch theo hướng tích cực. Dịch vụ, du lịch từng bước trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, thúc đẩy chuyển đổi phương thức phát triển từ "nâu" sang "xanh". Chất lượng tăng trưởng tiến bộ. Quy mô, tiềm lực của nền kinh tế tăng mạnh; có sự hài hòa giữa phát triển kinh tế với bảo đảm an sinh, công bằng xã hội và bảo vệ môi trường. Thu nội địa luôn nằm trong nhóm dẫn đầu của cả nước.
Quảng Ninh đã kiên trì, chủ động và sáng tạo thực hiện 3 đột phá chiến lược, có trọng tâm, trọng điểm, đạt được nhiều kết quả quan trọng.
Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, nhất là hạ tầng giao thông, đô thị được đầu tư tương đối đồng bộ. Quảng Ninh đã huy động được nguồn lực đầu tư theo hình thức đối tác công - tư (PPP), "lấy đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư", tạo bước đột phá trong phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, trọng tâm là kết cấu hạ tầng giao thông, thúc đẩy liên kết vùng.
Với tỷ lệ đô thị hóa cao, nguồn nhân lực có chất lượng gắn với chuyển dịch cơ cấu lao động, Quảng Ninh có tiền đề căn bản và động lực quan trọng để phấn đấu trở thành tỉnh công nghiệp phát triển hiện đại vào năm 2030.
Trong lĩnh vực cải cách hành chính, Chủ tịch Quốc hội đánh giá Quảng Ninh là một trong những địa phương đi đầu, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh với 3 năm liên tục từ năm 2017 đến năm 2019 có chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), chỉ số cải cách hành chính (PAR Index), chỉ số đo lường sự hài lòng của người dân, tổ chức đối với cơ quan hành chính nhà nước (SIPAS), chỉ số ứng dụng công nghệ thông tin (ICT Index) thuộc nhóm dẫn đầu cả nước.
Chủ trương phát triển kinh tế hài hòa với phát triển văn hóa, xã hội, bảo đảm an sinh, phúc lợi, công bằng xã hội đã giúp Quảng Ninh có những bước đi toàn diện và vững chắc. Tỉnh Quảng Ninh đã ban hành cơ chế, chính sách, ưu tiên nguồn lực lớn cho các vùng đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, các đối tượng chính sách, đối tượng yếu thế, qua đó từng bước thu hẹp khoảng cách giữa các địa phương, vùng, miền trong tỉnh.
Diện mạo, chất lượng sống ở thành thị và nông thôn được nâng lên, nhất là ở các khu vực đặc biệt khó khăn, miền núi, biên giới, hải đảo.
Thu nhập bình quân đầu người đến hết năm 2020 dự kiến đạt trên 6.700 USD, gấp hơn 2 lần bình quân chung cả nước. Tỷ lệ hộ nghèo theo tiêu chí đa chiều chỉ còn 0,36%.
Bên cạnh đó, Quảng Ninh đã chú trọng xây dựng nông thôn mới, là địa phương có xã đạt kiểu mẫu đầu tiên trong cả nước (xã Việt Dân, thị xã Đông Triều) và cũng là nơi triển khai Chương trình "mỗi xã một sản phẩm" (OCOP) đầu tiên, có hiệu quả, được Chính phủ nhân rộng ra cả nước.
Quốc phòng - an ninh, chủ quyền biên giới được giữ vững, bảo đảm vững chắc khu vực phòng thủ và là phòng tuyến hợp tác, cạnh tranh kinh tế quốc tế; xây dựng vùng biên giới hòa bình, hữu nghị, ổn định, hợp tác và phát triển, bảo vệ chủ quyền biển, đảo quốc gia. Chính trị - xã hội ổn định; trật tự an toàn được bảo đảm, xử lý hiệu quả những thách thức phát sinh, nhất là dịch bệnh, thiên tai.
Công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng được đẩy mạnh toàn diện, liên tục, đồng bộ, quyết liệt gắn với việc sắp xếp tổ chức, bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.
Trong nhiệm kỳ, dù có sự chuyển giao thế hệ lãnh đạo nhưng Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Ninh vẫn duy trì được sự đoàn kết, phát huy sáng tạo giúp tỉnh tiếp tục vững bước tiến lên.
Không "ngủ quên" trên thành tích
"Chúng ta phấn khởi, tự hào về những thành tích đạt được, nhưng cũng phải thẳng thắn nhìn nhận về những khó khăn, yếu kém để tìm ra các giải pháp khắc phục trong thời gian tới" – Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh trong phiên khai mạc Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh lần thứ XV.
Chủ tịch Quốc hội đã chỉ ra những vấn đề lớn mà Quảng Ninh đang phải đối mặt: Tốc độ tăng trưởng kinh tế chưa tương xứng với tiềm năng của tỉnh; hiệu quả của khu vực đầu tư nước ngoài còn thấp, thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) chưa có nhiều đột phá; năng lực cạnh tranh của khu vực kinh tế tư nhân, nhất là các doanh nghiệp nhỏ và vừa còn hạn chế; sự thiếu hụt nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao đang đòi hỏi cần sớm giải quyết; kết quả xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo ở một số địa phương, nhất là ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số chưa thực sự vững chắc; khoảng cách giàu nghèo, chênh lệch giữa các vùng miền còn lớn; quản lý nhà nước về tài nguyên, bảo vệ môi trường, bảo tồn di sản còn nhiều khó khăn; năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của một số cấp ủy, tổ chức cơ sở chưa đáp ứng được yêu cầu trong tình hình mới, nhất là khâu tổ chức thực hiện.
Bày tỏ sự tán thành với phương hướng, nhiệm vụ trong nhiệm kỳ tới của Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh đã nêu trong Báo cáo Chính trị, tuy nhiên Chủ tịch Quốc hội lưu ý:
Thứ nhất, Quảng Ninh cần tiếp tục đổi mới mạnh mẽ tư duy, tầm nhìn chiến lược; đẩy mạnh thực thi quy hoạch phát triển, các khâu đột phá, cơ cấu lại nền kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng từ "nâu" sang "xanh".
Khơi dậy và phát huy tối đa các tiềm năng, lợi thế riêng có của Quảng Ninh để tạo động lực mới cho tăng trưởng; thúc đẩy khởi nghiệp, ưu tiên đổi mới, sáng tạo với sự đột phá mà xung lực là khoa học công nghệ; huy động, sử dụng hợp lý, hiệu quả các nguồn lực để phát triển bền vững. Tạo sự liên kết giữa các chủ thể kinh tế, các loại hình sản xuất kinh doanh; chủ động liên kết, hợp tác phát triển có hiệu quả tốt hơn trong vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc và với các tỉnh, thành phố trong vùng.
Thứ hai, sớm hoàn thành việc xây dựng quy hoạch tỉnh Quảng Ninh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 phù hợp với quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng để làm cơ sở định hướng phát triển. Tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh để các thành phần kinh tế cùng phát triển. Thu hút tối đa và sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực, bao hàm nội lực và ngoại lực của các thành phần kinh tế, phát triển doanh nghiệp và khu vực kinh tế tư nhân cả về số lượng, chất lượng.
Thứ ba, tập trung phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao và lao động có kỹ năng đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế nhanh.
Thứ tư, bảo đảm vững chắc quốc phòng - an ninh, giữ vững chủ quyền biên giới quốc gia, sẵn sàng ứng phó có hiệu quả với các thách thức an ninh phi truyền thống. Xây dựng khu vực phòng thủ tỉnh, củng cố thế trận quốc phòng toàn dân, thế trận an ninh nhân dân gắn với thế trận lòng dân vững chắc nơi biên cương tổ quốc.
Thứ năm, tiếp tục xây dựng, chỉnh đốn Đảng đồng bộ và thống nhất với xây dựng và nâng cao năng lực, hiệu quả quản trị của chính quyền các cấp trong tổng thể xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; tăng cường mối quan hệ mật thiết giữa Đảng với nhân dân. Kiên trì, kiên quyết thực hiện tốt hơn, hiệu quả cao hơn Nghị quyết Trung ương 4 - Khóa XI, XII gắn với việc thực hiện Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị về học tập và làm theo tư tưởng, phong cách, đạo đức Hồ Chí Minh.
Chủ tịch Quốc hội tin tưởng chắc chắn rằng, với tinh thần "Đoàn kết - Dân chủ - Kỷ cương - Đổi mới - Phát triển", Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh lần thứ XV sẽ phát huy truyền thống đoàn kết thống nhất, năng động, sáng tạo, tập trung trí tuệ, tiếp tục thảo luận để có những quyết định đúng đắn ngang tầm thời kỳ phát triển mới.