Xung đột ở Karabakh bắt đầu vào tháng 2/1988, khi Khu tự trị Nagorno-Karabakh tuyên bố ly khai khỏi nước Cộng hòa XHCN Azerbaijan. Trong cuộc đối đầu vũ trang năm 1992-1994, Azerbaijan đã mất quyền kiểm soát đối với Nagorno-Karabakh và bảy vùng lân cận. Kể từ năm 1992, các cuộc đàm phán nhằm giải quyết xung đột bằng biện pháp hòa bình đã được tổ chức trong khuôn khổ Nhóm OSCE Minsk, do ba đồng chủ tịch là Nga, Mỹ và Pháp đứng đầu.
Bất chấp thỏa thuận ngừng bắn đạt được năm 1994 và nhiều cuộc đàm phán hòa bình sau đó, căng thẳng giữa Azerbaijan và Armenia vẫn luôn âm ỉ.
Năm 2016, hơn 200 người thiệt mạng trong vụ đụng độ quân sự nghiêm trọng nhất tại Nagorno-Karabakh sau cuộc chiến kéo dài từ năm 1988 đến 1994.
Trong diễn biến mới nhất vụ giao tranh ngày 27/9/2020, Thủ tướng Armenia đã có cuộc điện đàm với Tổng thống Nga Vladimir Putin.
Ông Putin trong cuộc điện đàm đã nói với Thủ tướng Armenia Nikol Pashinyan rằng cần phải nỗ lực hết sức để ngăn chặn sự leo thang hơn nữa của các hành động thù địch trong tranh chấp giữa Yerevan và Azerbaijan về khu vực Nagorno-Karabakh.
Trong cuộc điện đàm, "Tổng thống Nga nói rằng Moscow đang lo lắng về sự gia tăng xung đột quân sự và ông coi mục tiêu trước mắt là chấm dứt các hành động thù địch", Điện Kremlin cho biết trong một tuyên bố.
Về phần mình, ông Pashinyan nhấn mạnh, theo quan điểm của phía Armenia, các bên thứ ba từ bên ngoài khu vực không nên can thiệp vào tình hình, đồng thời lên án "hành vi gây hấn" của Thổ Nhĩ Kỳ trong khu vực.
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan trước đó hứa sẽ sử dụng "mọi cách" của đất nước mình để bảo vệ các "anh em" Azeri của mình và gọi Armenia là "mối đe dọa lớn nhất đối với hòa bình và yên tĩnh trong khu vực."
Khi Azerbaijan và Armenia đụng độ trên chiến trường ở khu vực tranh chấp Nagorno-Karabakh, các cỗ máy truyền thông của họ đang tung ra các video, mỗi video đều cho thấy những tổn thất mà phe đối phương phải chịu trong các cuộc đụng độ hôm Chủ nhật.
Azerbaijan đã tiến hành một chiến dịch quân sự chống lại các lực lượng của Cộng hòa Nagorno-Karabakh đang tranh chấp, một vùng đất thuộc sắc tộc Armenia đã tách khỏi Azerbaijan ba thập kỷ trước. Cái gọi là "phản công" được cho là đã được phát động để đáp trả cuộc pháo kích vào quân Azeri của quân Armenia. Tuy nhiên, Yerevan đã phủ nhận điều này và nói rằng chính Azerbaijan là người đã phá vỡ lệnh ngừng bắn.
Ông Araik Harutyunyan, Tổng thống nước cộng hòa tự xưng Nagorno-Karabakh thông báo có hàng chục binh sĩ Karabakh thiệt mạng do vụ leo thang căng thẳng xảy ra vào hôm Chủ nhật trong khu vực.
Hôm Chủ nhật, Bộ Quốc phòng Azerbaijan cho biết lực lượng vũ trang Armenia đã nổ súng vào các khu dân cư ở vùng ranh giới Karabakh, theo thông tin này thì đã có dân thường thiệt mạng. Còn theo tuyên bố của Bộ Quốc phòng Armenia, Karabakh "đã phải hứng chịu các cuộc tấn công bằng tên lửa và đường hàng không", phía Armenia đã bắn hạ 2 trực thăng và 3 máy bay không người lái của Azerbaijan.
Ông Varham Poghosyan, Thư ký báo chí của tổng thống nước Cộng hòa Nagorno-Karabakh tự xưng nói rằng các khu dân cư ở Karabakh đã bị pháo kích, bao gồm cả thủ đô Stepanakert, ông kêu gọi người dân trú ẩn. Một số nước, trong đó có Nga, Pháp và Đức, đã kêu gọi các bên kiềm chế.
"Hàng chục binh sĩ đã thiệt mạng, hàng chục người bị thương. Phía thường dân cũng có hàng chục người bị thương và có người đã thiệt mạng", tổng thống nói trong một cuộc họp báo được phát trên trang Facebook cá nhân.
Theo ông Harutyunyan, ở Karabakh đã sử dụng "máy bay F-16 của Thổ Nhĩ Kỳ lưu lại ở Azerbaijan trong khoảng một tháng với lý do tập trận", cũng như những "vũ khí hiện đại nhất mà quân đội Thổ Nhĩ Kỳ đang có".
Ông cũng cho biết các vị trí bị mất chủ yếu ở hướng Talish và ở cánh phía nam.