Đó là chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại Hội nghị Thủ tướng đối thoại với nông dân, chủ đề "Cùng nỗ lực, vượt thách thức, giữ vững tăng trưởng giá trị nông sản Việt giúp nông nghiệp thịnh vượng, nông dân giàu có, nông thôn văn minh, hiện đại" do Trung ương Hội Nông dân Việt Nam phối hợp với Tỉnh ủy, UBND tỉnh Đắk Lắk chủ trì; Báo Nông thôn Ngày nay/điện tử Dân Việt được giao tổ chức thực hiện vừa diễn ra chiều nay 28/9 tại Đắk Lắk.
Thủ tướng cho biết, đây là lần thứ 3 Thủ tướng Chính phủ đối thoại với nông dân Việt Nam về các vấn đề đặt ra với nông nghiệp, nông dân và nông thôn Việt Nam.
Các đồng chí ở Hội Nông dân Việt Nam, tỉnh Đắk Lắk, Báo Nông thôn ngày nay/điện tử Dân Việt đã thực hiện rất tốt đối thoại, nội dung chương trình rất sâu.
"Đồng chí Tổng Biên tập Báo NTNN/Dân Việt Lưu Quang Định đã rất thành công trong việc gánh vác nhiệm vụ tổ chức chương trình ngắn gọn, dễ hiểu. Với những vấn đề được nông dân đặc biệt quan tâm trong ngày hôm nay, chúng ta sẽ có những giải pháp, xây dựng chính sách giải quyết tốt hơn trong thời gian tới"- Thủ tướng nhấn mạnh.
Thủ tướng Chính phủ ghi nhận và sẽ cùng Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam tổng hợp, báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ những vấn đề đặt ra tại Hội nghị.
Quan điểm phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn của Đảng, Nhà nước ta là phát triển một cách mạnh mẽ, toàn diện. Có được bức tranh tam nông như ngày hôm nay là nhờ có sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, đặc biệt có sự đóng góp rất lớn của hơn 10,2 triệu hộ nông dân Việt Nam, với hơn 19 triệu lao động nông nghiệp. Bà con nông dân chúng ta một nắng hai sương, tần tảo lo cho gia đình, cuộc sống, đóng góp cho nền nông nghiệp những thành quả to lớn, Thủ tướng ghi nhận.
Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ hoanh nghênh các doanh nghiệp, nhà đầu tư nước ngoài, các nhà khoa học luôn phối hợp chung vai sát cánh cùng nông dân, thực hiện tốt mối liên kết 6 nhà. Công lao bà con rất lớn, giữ vững vai trò là trụ đỡ của nền kinh tế. Đặc biệt là nông nghiệp năm nay còn tăng trưởng cao hơn năm ngoái, đạt 2,6% trong khi năm ngoái là 2,1%; không chỉ đảm bảo an ninh lương thực quốc gia mà còn đóng góp nhiều sản phẩm cho xuất khẩu.
Đặc biệt, năm nay dịch bệnh phức tạp nhưng Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo kịp thời để khắc phục và tổ chức khôi phục sản xuất. Hay như năm 2019 – 2020, hạn mặn lớn như thế, xâm nhập sâu vào vùng ĐBSCL nhưng thiệt hại chỉ trên 2% so với năm trước, đó là do chúng ta chủ động thực hiện dự báo và có các giải pháp hiệu quả.
Đảng, Nhà nước ta luôn quan tâm đến nông nghiệp, nông dân và nông thôn, dồn sức đầu tư cho tam nông, với nhiều chương trình hỗ trợ từ hạ tầng đến xây dựng nông thôn mới, xoá đói giảm nghèo, nâng cao đời sống người nông dân, nhất là các chương trình hỗ trợ giống cây trồng vật nuôi, hỗ trợ khắc phục thiệt hại thiên tai, hỗ trợ các chính sách tín dụng...
Thách thức càng lớn, quyết tâm của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đối với tam nông ngày càng mạnh mẽ, cũng như quyết tâm của người nông dân càng cao.
Hiện nay nước ta còn 65% dân số sống ở vùng nông thôn, nhiệm vụ phát triển nông thôn văn minh, hiện đại, đời sống bà con ấm no hạnh phúc chính là quan điểm chủ đạo của Đảng và Nhà nước; tiến trình đô thị hoá, xây dựng nông thôn mới phải theo hướng phát triển bền vững, hài hoà, theo nền kinh tế thị trường.
Thủ tướng nói: "Khát vọng xây dựng một Việt Nam hùng cường năm 2045, cũng chính là khát vọng của nền nông nghiệp Việt Nam, của tất cả người nông dân trên khắp mọi miền đất nước. Nếu 65% bộ phận người dân nông thôn không phát triển, đời sống vật chất, tinh thần không được nâng cao hơn nữa, thì hùng cường ấy không thành công".
Một khát vọng Việt Nam hùng cường năm 2045 cũng chính là khát vọng của nền nông nghiệp Việt Nam, của tất cả người nông dân trên khắp mọi miền đất nước", Thủ tướng nói. Nếu 65% dân số ở nông thôn không phát triển, đời sống vật chất, tinh thần không được nâng cao hơn nữa thì hùng cường ấy không thành công.
Mục tiêu của chúng ta trong giai đoạn tới là thúc đẩy, giúp nông dân tăng thu nhập. Hiện nay nhiều sản phẩm nông nghiệp của Việt Nam dù đứng đầu thế giới, như cà phê, hồ tiêu, cao su, gạo, chè…, nhưng vẫn xuất thô nhiều, hàm lượng chế biến thấp. Đây là điểm yếu, nhưng cũng là cơ hội để chúng ta phát triển, đẩy mạnh chế biến các mặt hàng nông sản chủ lực.
"Nông nghiệp là mỏ vàng, nhưng nếu không biết khai thác thì mỏ vàng cũng bị cạn kiệt. Do đó cần gắn với phát triển đa dạng sinh thái, tài nguyên đất, tài nguyên rừng, đặc biệt là bảo vệ môi trường để phát triển bền vững" - Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh.
Quan điểm xuyên suốt trong chiến lược tái cơ cấu nông nghiệp chính là thúc đẩy ứng dụng công nghệ hiện đại, cách mạng 4.0, nâng cao năng lực cạnh tranh bằng việc áp dụng robot, máy bay không người lái, Big data, internet vạn vật… Nông nghiệp 4.0 giờ không còn xa lạ nữa. Nếu chúng ta còn không hiểu cuộc cách mạng đó thì không thực hiện hiệu quả được.
Các bộ ngành cần tiếp tục cùng chúng tôi đẩy mạnh cải cách các chính sách đầu tư vốn nông nghiệp, chính sách về hạn điền, tích tụ đất đai quy mô lớn; thực hành sản xuất nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ, các chuỗi giá trị, thúc đẩy liên kết 6 nhà. Nếu 6 nhà không liên kết tốt thì khó thực hiện hiệu quả, nhất là các nút thắt về vốn, thị trường…
Thủ tướng Chính phủ đánh giá Hội nghị lần thứ 3 rất có chất lượng, vì không chỉ nói về vốn, xã hội, mà còn đề cập các vấn đề an ninh nông thôn; phát huy tinh thần văn hoá, đảm bảo an ninh trật tự vùng nông thôn, giữ gìn văn hoá dân tộc... Đặc biệt là văn hoá cồng chiêng cần được gìn giữ, phát huy các giá trị tốt đẹp.
Chúng ta còn nhiều vấn đề trăn trở, hi vọng qua hội nghị này những vấn đề đó sẽ được chúng ta cùng nhau giải quyết, góp phần nâng cao đời sống nông dân.
Trong đó, giải quyết vốn tín dụng cho nông dân đang là vấn đề bức xúc, cần có phương án giảm, hoãn cho những hộ nông dân ở những vùng bị thiên tai để bà con có vốn tái tạo sản xuất; thứ 2, giải quyết các vướng mắc về đất đai cho bà con, nhất là ở vùng dân tộc thiểu số; ngăn chặn hiệu quả tình trạng một số nông lâm trường phát canh thu tô, gây khó khăn cho sản xuất của bà con. Đừng để tình trạng tranh chấp đất đai xảy ra như ở Cư Kuin.
Lưu ý các thông tin về thị trường, nhất là những khu vực mà nước ta đang có hiệp định thương mại. Hiểu biết về quy luật thị trường để sản xuất phù hợp, tiêu thụ thuận lợi.
Bên cạnh đó, cần có sự hỗ trợ tốt hơn nữa đối với bà con trong việc sản xuất, học tập, tự làm giàu cho mình và xã hội. Nhà nước, Bộ Công Thương, Bộ NNPTNT có chính sách đẩy mạnh chế biến, nhất là ở những vùng sản xuất lớn, giúp ổn định tiêu thụ, tránh tình trạng được mùa mất giá, được giá thì mất mùa.
Tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu nông nghiệp, đi liền với đó là quy hoạch sản xuất, đẩy mạnh kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp nông thôn, các bộ ngành, nhất là Bộ NNPTNT tiếp tục hướng dẫn bà con sản xuất, tiêu thụ sản phẩm hiệu quả.
Các đồng chí lãnh đạo địa phương cần thường xuyên đối thoại với bà con nông dân; với các cấp Hội Nông dân để lắng nghe, tìm hiểu tâm tư của bà con, qua đó kịp thời tháo gỡ khó khăn. Đặc biệt, các HTX có vai trò rất quan trọng trong việc thúc đẩy tái cơ cấu nông nghiệp, mong rằng tới đây Liên minh HTX Việt Nam, các địa phương tích cực hỗ trợ bà con tham gia vào HTX. Đó cũng là tạo thuận lợi để bà con tiếp cận nguồn vốn vay tín dụng dễ hơn. Hiện nay khâu này đang là khâu yếu.
Các Bộ ngành Trung ương tạo điều kiện để các chính sách, chế độ đến với bà con tốt hơn. Muốn thế, lãnh đạo phải tránh bệnh quan liêu, xa rời bà con.
Đề nghị Bộ Công Thương tham gia tìm kiếm thị trường, xúc tiến thương mại, triển khai tốt các Hiệp định CPTPP, EVFTA…
Các bộ ngành khác theo chức năng nhiệm vụ của mình bám sát các vấn đề bà con nông dân đưa ra để có giải pháp tháo gỡ, nhất là giảm lãi suất, giúp bà con vay vốn thuận lợi.
Đề nghị Hội Nông dân Việt Nam, với vai trò là nòng cốt của lực lượng nông dân tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các bộ ngành, địa phương và bà con để kịp thời giải quyết vướng mắc, ví dụ như vấn đề dạy nghề, tạo việc làm,…
Chính phủ cần mở các kênh lắng nghe nhiều hơn nữa ý kiến đóng góp, kiến nghị của nông dân, giúp bà con phát huy tốt nhất tiềm năng, khả năng sản xuất kinh doanh để nâng cao đời sống, xây dựng đất nước văn minh giàu đẹp.