Con nước không về, những cánh đồng ở miền Tây chịu cảnh chết khát, cá tôm cạn kiệt, không có kế mưu sinh, nhiều người phải rời quê đến miền Đông kiếm sống.
Giữa tháng 9, con kênh Phú Hội dài hơn 10 km, chảy từ Châu Đốc đến Vĩnh Hội Đông, Phú Hội, Nhơn Hội (huyện An Phú, tỉnh An Giang) rồi đến biên giới tỉnh Takeo, Campuchia, chia những cánh đồng ở đầu nguồn lũ thành hai dãy. Một bên có đê bao khép kín, một số diện tích lúa đông xuân đã được gieo sạ xanh tốt. Bên còn lại nước ngập sâu 40-50 cm, nhiều khu vực ruộng gò cao còn trơ gốc rạ.
Chỉ tay vào con đường đất trước nhà, ông Phan Văn Lặng (54 tuổi, Vĩnh Hội Đông) bảo rằng, thời gian này năm ngoái, con đường đã ngập sâu dưới một mét nước. Là dân vùng lũ, như nhiều gia đình khác, ông cất nhà "cao cẳng" để sống chung với nước ngập. Chiếc cầu thang bắc lên nhà ông cao gần 3 m, vậy mà mực nước lũ lịch sử năm 2000 đã "bò" lên đến ngấp nghé sàn. Năm trước, lũ thấp nhưng cũng ngập một phần ba chiếc cầu thang. Còn mùa này, mực nước dưới sông vẫn còn thấp hơn con đường trước nhà đến hơn cả mét.
Gần nhà ông Lặng, 10h trưa, ông Cao Văn Bi (50 tuổi, xã Phú Hội) lái xuồng chở vợ vượt qua cánh đồng chi chít dớn đặt cá, rồi tấp vào một ngã tư ở con kênh. Anh cùng vợ tát nước trong xuồng, vớt cá chuyển sang ghe đục (ghe thu mua cá). Trong buổi sáng, hai vợ chồng bắt được 2,5 kg cá linh cùng 5 kg cá tạp, tép.
Anh Bi có 7 miệng dớn, trước đây bèo nhất một ngày cũng được vài chục ký cá. Còn hiện nay, nước lũ không về, chưa ngày nào vợ chồng anh bắt quá 10 kg. Do nguồn cá linh ít nên giá mua sỉ tại ruộng khá cao, khoảng 70.000 đồng mỗi ký, các thương lái tiếp tục bán lẻ lại với giá 150.000-300.000 đồng mỗi ký. Giá cá lóc, trê 80.000 đồng mỗi ký; cua đồng 50.000 đồng một ký, đắt hơn so với mùa lũ năm ngoái 10.000-15.000 đồng.
Cách đó hơn 80 km, con kênh Lò Gạch dài trên 10 km, rộng khoảng 50 m, chảy qua huyện đầu nguồn lũ Tân Hưng (Long An) sang Đồng Tháp, rồi đến biên giới Campuchia mực nước đang xuống thấp, phải hơn bốn tấc nữa nước mới tràn vào cánh đồng bên trong.
Mùa lũ trước đây, cánh đồng ngập cao tới lưng quần, bông súng nở đầy, từ đầu ruộng đến cuối ruộng xuồng ghe giăng lưới nhộn nhịp. Dọc bờ kênh, xóm nghề lưới cá xã Hưng Điền mùa này những năm trước ghe, xuồng người dân lẫn ghe mua cá tôm đi lại như con thoi, bây giờ vắng lặng.
Hơn 30 năm làm nghề đánh bắt cá, ông Bảy Dê, 53 tuổi, nhớ lại, hồi những năm lũ cao, có ngày ông đặt dớn, lú bắt 50-200 kg cá các loại, kiếm tiền triệu mỗi ngày "dễ như chơi". Mấy tuần nay, ông Bảy lâm vào cảnh thất nghiệp, ngày nào cũng ngồi không uống trà cùng hàng xóm trong căn nhà sàn. Do không có lũ nên phía dưới sàn được ông dùng làm nơi tập kết hơn 30 miệng dớn, 60 cái lú.
Từ Hưng Điền đến Tân Lập (Mộc Hóa, Long An) hơn 50 km, ông Trần Văn Thạnh (58 tuổi) đang cặm cụi dùng nan tre, dây nylon sửa lại những chiếc lợp bị hư hỏng từ vụ trước. Ông Thạnh là dân đặt lợp cua chuyên nghiệp, kinh nghiệm hàng chục năm. Quê gốc Đồng Tháp, ông cùng vợ đến Long An cất căn chòi tạm dọc kênh 79, mỗi năm đến mùa lũ hai vợ chồng về đây ở tạm, bắt cua kiếm sống.
"Hơn 600 cái lợp, mà giờ chỉ mới xuống có mấy chục cái vì nước nhỏ, không có cua, mấy bữa nay tôi phải đặt thêm mấy cái dớn để kiếm cá ăn", ông Thạnh nói. Cạnh căn chòi ông Thạnh, ông hàng xóm vừa thăm dớn trở về, trong túi lưới chỉ có vài con rắn bông súng nhỏ.
Cũng ở vùng đầu nguồn, ngồi bên chiếc tivi kết nối Internet, buổi chiều, anh Nguyễn Văn Phương (42 tuổi, Tân Thành A, Tân Hồng, Đồng Tháp) mặt đăm chiêu cố tìm kiếm các tin tức liên quan đến lũ. Anh có 8 ha lúa hai vụ, do ở thượng nguồn nên những năm trước, gieo sạ trễ thường xuyên lo sợ cảnh đê vỡ, nước tràn đồng ngập lúa. Năm ngoái, lũ thấp nhất nhưng đỉnh nước trên đồng cũng đạt khoảng 1,5 m.
Mấy tuần trước, có vài cơn mưa lớn, nước ngập xăm xắp ruộng. Nghĩ lũ bắt đầu về, anh Phương đắp bờ, dùng máy xới đất tơi xốp để làm vụ đông xuân. Tuy nhiên, những ngày sau đó nắng gắt, mặt ruộng tiếp tục cạn nước, khô nứt nẻ.
"Một mẫu (ha) tiền công xới 750.000 đồng, tính ra tôi đã bỏ ra 6 triệu đồng tiền xới mà giờ như công cốc, phải đợi nước lên xới lại một lần nữa", anh Phương nói. Nhiều nông dân khác cũng nhẩm tính, nếu lũ không về, họ sẽ phải tốn thêm tiền bơm nước vào ruộng để gieo sạ.
Vùng Đồng Tháp Mười tỉnh Long An có 5 huyện, tổng diện tích lúa hai vụ khoảng 200.000 ha, sản lượng trên hai triệu tấn mỗi năm. Mùa này, những vạt đồng khô trơ gốc rạ. Lo ngại người dân gieo sạ sớm vì chủ quan lũ không về, nhà chức trách đã phát đi cảnh báo lịch gieo sạ vụ đông xuân theo thời vụ. Theo đó, khu vực này sẽ gieo sạ lúa đông xuân chia làm ba đợt tùy địa hình cao thấp, có đê bao hay không, sớm nhất phải từ giữa tháng 10, muộn nhất đến giữa tháng 12.
Ông Trần Tấn Tài, Phó phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện Tân Hưng cho hay, mực nước đầu nguồn hiện ở mức khoảng 1,4 m, thấp hơn so với cùng kỳ khoảng 8 tấc. "Lũ không về, ruộng đồng sẽ ít phù sa, mầm bệnh, cỏ dại không được rửa trôi, chuột sinh sôi, người dân sẽ tốn thêm chi phí phân thuốc", ông Tài nói.
Theo dự báo của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, cuối tháng 9 và tháng 10, lượng mưa ở vùng thượng lưu sông Mekong có thể sẽ được cải thiện và bằng mức trung bình nhiều năm. Trong các tháng tiếp theo, vùng hạ lưu sông Mekong vẫn tiếp tục có mưa, tuy nhiên tổng lượng mưa trên toàn lưu vực sông Mekong vẫn thiếu hụt nhiều so với nhiều năm. Đỉnh lũ năm nay ở thượng nguồn sông Cửu Long, tại trạm Tân Châu và Châu Đốc sẽ ở mức thấp, dưới báo động 1, xuất hiện muộn vào giữa tháng 10 và sau đó sẽ giảm nhanh.
Lũ năm nay dự kiến chỉ đạt khoảng 55% trung bình nhiều năm, thấp hơn cùng kỳ năm 2019, có thể sẽ là thấp nhất trong 10 năm vừa qua.
Thạc sĩ Nguyễn Hữu Thiện, chuyên gia nghiên cứu độc lập về sinh thái Đồng bằng sông Cửu Long nhận định, năm nay lũ thấp, nguyên nhân chính là hiện tượng El Nino từ đầu năm đến hết tháng 8, mưa ít trong lưu vực nên sông thiếu nước. Ngoài ra, do đầu năm nay toàn lưu vực đã trải qua một mùa hạn lịch sử, các sông nhánh và hàng trăm hồ thủy điện trên sông nhánh bị thiếu hụt nước. Nước mưa đầu mùa đã phải bù vào những nơi này và gần như triệt tiêu, không còn để đổ xuống dòng sông chính xuôi về hạ lưu.
Ở cuối dòng Mekong, đồng cạn khô, mấy hôm nay, ông già Bảy Dê cùng hàng xóm đổi "chiến thuật", bỏ dớn, lú, dùng tre, lưới bện những chiếc lợp "khổng lồ" đường kính 2,5 m, dài 4 m để đặt bắt cá lớn dưới lòng sông.
Xóm chài lưới xã Hưng Điền từ vài chục hộ dân, mấy năm nay ít cá tôm, họ bỏ quê đến miền Đông, TP HCM làm công nhân, giờ chỉ còn lại chưa đến 10 nhà giữ nghề. Gọi là giữ nghề cho sang, thực ra họ cũng như ông Bảy Dê, đa số là những người lớn tuổi, chữ nghĩa ít, bị "bỏ rơi" lại quê, bên những cánh đồng cạn nước.
"Thằng con út tui đã gần 30 tuổi, cái nghề của mình mần được đồng nào lủm hết đồng đó, định ráng để dành vài mùa cá nữa cưới vợ cho nó, mà nước nôi kiểu này chắc nó phải đợi tới cóc mọc râu", ông già Bảy vừa nói, vừa cười, nửa đùa nửa thật.