Được biết, Vườn quốc gia Cúc Phương có một loài trà hoa vàng quý hiếm, đã được quốc tế công nhận, nhưng do khai thác quá mức nên khả năng tái sinh trong tự nhiên của giống trà này rất thấp, nguy cơ có thể bị tuyệt chủng nếu không được bảo vệ.
Chính vì vậy, từ năm 2017, Công ty TNHH dược liệu Vũ Gia đã bắt tay vào thực hiện dự án "Xây dựng mô hình bảo tồn và nhân giống trà hoa vàng Cúc Phương bằng phương pháp giâm hom tại tỉnh Ninh Bình" do UBND tỉnh Ninh Bình phê duyệt.
Anh Phạm Tiến Duật, Phó Giám đốc Công ty TNHH dược liệu Vũ Gia, cho biết, công ty đã nghiên cứu bảo tồn giống, sau đó nhân giống rộng rãi, liên kết với nông dân một số vùng ở Nho Quan, Tam Điệp trồng loại trà hoa vàng này.
Đến cuối tháng 4/2020, đã có hơn 4.000 cây trà hoa vàng được trồng trên diện tích 2 ha.
Cũng theo anh Duật, dù công ty mới đưa sản phẩm trà hoa vàng ra thị trường nhưng đã được người tiêu dùng đón nhận. Giá bán trên thị trường hiện nay đối với nụ hoa là 500.000-700.000 đồng/kg, hoa 800.000-1.000.000 đồng/kg, lá tươi phơi khô có giá từ 300.000-500.000 đồng/kg, búp khô 4.000.000-5.000.000 đồng/kg.
"Nếu tổ chức tốt vùng nguyên liệu gắn với nhà máy chế biến, đây có thể là loại cây giúp bà con làm giàu" - anh Duật nói.
Không chỉ có sản phẩm trà hoa vàng, tại Hội chợ, gần 20 gian hàng giới thiệu đặc sản Ninh Bình như: Trà hoa vàng, tinh bột nghệ, trạch sụn, thịt dê, cơm cháy Ninh Bình, các sản phẩm từ cói, bèo bồng, gốm Bồ Bát, tranh lá Bồ Đề và các sản phẩm thêu ren… đều thu hút đông người tiêu dùng Thủ đô.
Đưa đến hội chợ những sản phẩm đặc hữu mà chỉ tỉnh Ninh Bình mới có, ông Vũ Nam Tiến - Phó Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Ninh Bình - kỳ vọng, các sản phẩm OCOP của địa phương sẽ đến được gần hơn với người tiêu dùng Thủ đô.
Đồng thời, đây cũng là cơ hội để hợp tác xã, bà con nông dân có thể tiếp cận thị trường, từ đó tư duy được sản phẩm cần phải sản xuất đảm bảo chất lượng, sản xuất sạch, đáp ứng được yêu cầu thị trường, từ đó nâng cao thu nhập cho người nông dân.
"Ninh Bình là địa phương có rất nhiều sản phẩm nông đặc sản đặc trưng, trong khi đó, Hà Nội là thị trường rộng lớn, tuy nhiên, việc đưa các sản phẩm này đến với thị trường Hà Nội chưa tương xứng với tiềm năng của tỉnh cũng như mong đợi của các cấp lãnh đạo của 2 TP. Ninh Bình và Hà Nội. Do đó, đẩy mạnh sản xuất cũng như nâng cao chất lượng sản phẩm là những trọng tâm mà Ninh Bình đặt ra trong thời gian tới để đưa sản phẩm OCOP địa phương vào nhiều hơn thị trường Hà Nội" - ông Vũ Nam Tiến cho biết thêm.
Phát biểu tại lễ khai mạc, ông Đào Văn Hồ - Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại nông nghiệp - cho biết: Hội chợ quảng bá, tiêu thụ nông đặc sản vùng miền và sản phẩm OCOP tại Hà Nội năm 2020 được tổ chức nhằm hỗ trợ các địa phương, doanh nghiệp, hợp tác xã khôi phục sản xuất, phát triển thị trường nội địa sau ảnh hưởng của dịch bệnh. Bên cạnh đó, giúp kết nối cung cầu theo chuỗi giá trị từ sản xuất đến tiêu thụ nông sản tại thị trường trong nước giữa các địa phương, HTX, doanh nghiệp và siêu thị, cửa hàng thực phẩm tại các thành phố lớn trong cả nước.
Đây cũng là dịp đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền, quảng bá thương hiệu, sản phẩm nông, lâm thủy sản sạch, an toàn, hữu cơ góp phần tác động tích cực đến sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông sản, thực phẩm sạch, an toàn. Khởi động thúc đẩy sản xuất nông nghiệp, chương trình xúc tiến thương mại ngành nông nghiệp sau đại dịch Covid-19. Qua đó, quảng bá tiêu thụ sản phẩm OCOP của các địa phương tới người tiêu dùng Thủ đô và các tỉnh lân cận.
Trong khuôn khổ hội chợ còn diễn ra nhiều hoạt động như: Khai trương điểm giới thiệu và phân phối sản phẩm nông nghiệp chất lượng cao; Hội nghị quảng bá và kết nối thị trường sản phẩm đặc trưng khu vực miền núi, vùng sâu vùng xa và hải đảo năm 2020; Hội nghị quảng bá kết nối sản phẩm làng nghề - góp phần đẩy mạnh thương hiệu Việt Nam năm 2020.
Hội chợ và tuần lễ sẽ diễn ra đến hết ngày 5/10, tại Khu hội chợ triển lãm giao dịch kinh tế và thương mại, số 489 Hoàng Quốc Việt, Cầu Giấy, Hà Nội.