Với lợi ích về giá trị kinh tế xã hội đã được kiểm chứng thực tế, điện MTMN đang trên đà tăng trưởng mạnh và nhận được sự quan tâm không chỉ của các doanh nghiệp, Chính phủ mà ngay cả các ngân hàng (NH) cũng đang nhập cuộc.
Mới nhất, Sacombank triển khai chương trình cho vay lên đến 70% nhu cầu vốn đầu tư dự án điện mặt trời dành cho khách hàng doanh nghiệp tại khu vực Tây Nam Bộ, Đông Nam Bộ, Nam Trung Bộ và Tây Nguyên với lãi suất ưu đãi 8,5%/năm trong năm đầu tiên và thời gian vay tối đa 96 tháng. Theo đó, doanh nghiệp được ân hạn thời gian trả lãi, vốn vay lên đến 6 tháng và có thể thế chấp chính hệ thống điện mặt trời làm tài sản đảm bảo cho khoản vay.
Ngoài ra, Sacombank đã liên kết với các đối tác uy tín trong lĩnh vực cung cấp thiết bị và lắp đặt hệ thống điện mặt trời như: TTC Energy, SolarBK, Bamboo Capital… để mang đến giải pháp toàn diện cho doanh nghiệp và đảm bảo hiệu quả dự án.
Trước đó, vào tháng 7/2019, Sacombank cũng đã triển khai gói cho vay không giới hạn tổng hạn mức tín dụng dành cho khách hàng cá nhân có nhu cầu lắp đặt thiết bị điện năng lượng mặt trời với nhiều ưu đãi như hạn mức vay lên đến 100% nhu cầu vốn (tối đa 500 triệu đồng), lãi suất giảm 1% so với lãi suất hiện hành, không cần tài sản đảm bảo và thời gian vay đến 60 tháng.
Không chỉ Sacombank, nhiều NH khác cũng đang đẩy mạnh cho vay cũng như dành các gói ưu đãi để hỗ trợ khách hàng phát triển điện MTMN. Chẳng hạn, HDBank trước đó đã triển khai chương trình "Thẻ xanh cho gia đình Việt", bằng việc phát hành thẻ tín dụng cho khách hàng cá nhân lắp đặt điện mặt trời áp mái có nhu cầu mở thẻ để thanh toán hợp đồng xây lắp. Hạn mức thẻ lên đến 250 triệu đồng, thời hạn sử dụng đến 6 năm.
Đặc biệt, HDBank cũng không yêu cầu tài sản đảm bảo. Điều kiện để tham dự chương trình là hộ gia đình được giới thiệu bởi đối tác liên kết với HDBank và là chính chủ căn nhà lắp điện mặt trời áp mái.
Ngoài ra, khách hàng còn được hỗ trợ lãi suất từ 6 đến 12 tháng hoặc giảm 2-3% trong suốt thời gian vay khi lắp đặt hệ thống điện mặt trời từ các đối tác liên kết của HDBank.
Một loạt nhà băng khác như MBBank, OCB,… cũng có các chính sách ưu tiên phát triển điện MTMN, theo đó khi doanh nghiệp là khách hàng của TTC Energy sẽ được ưu tiên vay lên đến 70% giá trị hệ thống, với thời gian vay tối đa 7 năm…
Có thể thấy, thời gian gần đây, nhiều dự án khai thác năng lượng điện mặt trời được triển khai đầu tư, xây dựng. Trong đó, điện mặt trời áp mái được đánh giá có nhiều ưu điểm như: Dễ phát triển ở các vùng miền có nắng, sử dụng các diện tích mái nhà sẵn có từ nhà xưởng đến hộ gia đình, việc lắp đặt thi công nhanh và không chiếm dụng đất, giúp tăng cường chống nóng hiệu quả cho các công trình.
Đặc biệt, lắp đặt điện mặt trời áp mái cho tiêu thụ, người dân sau khi sử dụng còn có thể bán điện cho Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), theo quyết định về cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời vừa được Chính phủ ban hành và có hiệu lực từ ngày 22/5/2020.
Được biết, số liệu từ Tổng công ty Điện lực miền Nam (EVNSPC) cho thấy, lũy kế đến ngày 31/8/2020, sản lượng điện từ các hệ thống điện mặt trời mái nhà của khách hàng phát lên lưới đạt 195,31 triệu kWh. Bên cạnh đó, Tổng công ty đã thực hiện thanh toán tiền mua điện mặt trời mái nhà cho 19.685 khách hàng, với tổng số tiền là 350,6 tỷ đồng, tương ứng sản lượng điện phát lên lưới là 171,14 triệu kWh.
Còn theo số liệu của Bộ Công thương, đối với điện mặt trời mái nhà, tính đến ngày 31/8 toàn quốc đã có trên 47.000 hệ thống được lắp đặt với tổng công suất 1.128 MWp.
Mới đây, Bộ Công thương đã ban hành văn bản số 7088/BCT-ĐL ngày 22/9/2020 gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và Tập đoàn Điện lực Việt Nam, đã có nhiều hướng dẫn giúp tháo gỡ vướng mắc cho doanh nghiệp đầu tư điện mặt trời mái nhà, nhất là trong việc hoàn thiện các thủ tục, hồ sơ mua bán điện.
Đặc biệt, theo văn bản này, Bộ Công thương nêu rõ: "Mỗi hệ thống điện mặt trời mái nhà được ký hợp đồng mua bán điện riêng biệt và được miễn trừ giấy phép hoạt động điện lực".
Đây sẽ là động lực để phát triển hệ thống điện MTMN trong thời gian tới…