Dân Việt

10 năm xây dựng NTM ở Quảng Trị - Kỳ 2: Muốn có nông thôn mới, phải tái cơ cấu nông nghiệp

Ngọc Vũ - Quang Trung 28/10/2020 17:39 GMT+7
Để xây dựng NTM bền vững, tỉnh Quảng Trị luôn chú trọng tái cơ cấu nông nghiệp, phát triển sản xuất công nghệ cao, hữu cơ, theo chuỗi giá trị để tăng thu nhập cho người dân.

Thay đổi phương thức sản xuất

Chỉ cần vào google gõ từ khoá lúa hữu cơ Quảng Trị, bạn sẽ nhận ngay đề xuất lúa hữu cơ Quảng Trị với 6.360.000 kết quả trong 0,47 giây. Điều này minh chứng, thương hiệu lúa hữu cơ Quảng Trị đã phủ sóng rộng khắp.

Khi bạn ra đồng lúa, đến nơi nào ở ruộng có nhiều cá tự nhiên, ắt hẳn đó là cánh đồng lúa hữu cơ.

Quảng Trị xây dựng NTM từ ý Đảng, lòng dân: Xây dựng NTM gắn với tái cơ cấu nông nghiệp (Kỳ 2) - Ảnh 1.

Nông dân Quảng Trị được trả tiền tươi tại ruộng lúa hữu cơ.

Ông Nguyễn Giang - Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Phước Thị, huyện Gio Linh, Quảng Trị cho biết, HTX của ông có 23 ha trồng lúa hữu cơ, ngoài việc lúa phát triển tốt còn có cá trên đồng rất nhiều. "Chúng tôi đã ghi nhận 1 hộ làm 1,7 ha lúa thu hoạch 1,5 tạ cá và 1 hộ làm 8 sào lúa cũng thu được 67 kg cá. Với toàn bộ 23 ha lúa, số cá thu được là rất lớn", ông Giang nói.

Theo ông Giang, trước đây trồng lúa theo cách truyền thống, phun thuốc trừ sâu bệnh, bón phân hoá học khiến cá tự nhiên không sống nỗi. 4 năm nay, người dân trồng lúa hữu cơ, sử dụng phân bón Ong Biển, lúa tốt, năng suất cao, bán lúa tươi, nhận tiền tươi tại ruộng mà giá cao gấp 2-3 lần so với trồng lúa truyền thống.


"Trước đây, chăm lúa phải phun thuốc hoá học độc hại, thu hoạch xong nông dân phải phơi khô mới bán được, lại bị thương lái ép giá. Còn nay, trồng lúa bằng bón phân hữu cơ rất an toàn, đến vụ thu hoạch, nông dân chỉ chỗ cho máy gặt đưa lên bờ là có công ty bao tiêu sản phẩm, trả tiền tươi, rất nhàn" – ông Giang cho hay.

Sau 5 năm triển khai, đến nay tổng diện tích lúa hữu cơ trên địa bàn tỉnh Quảng Trị đạt 1.200 ha.

PGS, TS Trần Đăng Xuân - Trưởng phòng thí nghiệm sinh lý thực vật và hóa sinh (Đại học Hiroshima, Nhật Bản) cùng các nhà khoa học Nhật Bản đã xét nghiệm các chỉ tiêu và khẳng định, gạo hữu cơ sản xuất theo công nghệ Ong Biển tại Quảng Trị đạt cả 545 chỉ tiêu về chất lượng; so với các sản phẩm lúa gạo ở Nhật Bản, thành phần hợp chất Momilactone A được tìm thấy cao gấp 100 lần và Momilactone B gấp 50 lần.

Quảng Trị xây dựng NTM từ ý Đảng, lòng dân: Xây dựng NTM gắn với tái cơ cấu nông nghiệp (Kỳ 2) - Ảnh 2.

Được chính quyền địa phương tạo điều kiện, động viên, ông Võ Doãn Thụ (trú huyện Vĩnh Linh) đã chuyển từ chăn nuôi nhỏ lẻ sang đầu tư trang trại khép kín, chăn nuôi quy mô lớn, mang lại hiệu quả cao.

Ở các xã miền Tây huyện Gio Linh, vài năm trở lại đây, người dân đã biết áp dụng công nghệ chăm sóc vườn cam sạch, sử dụng phân hữu cơ vi sinh, thuốc trừ sâu bệnh sinh học, bảo đảm chất lượng nông sản, bảo vệ môi trường và cân bằng hệ sinh thái tự nhiên, cho năng suất vườn cam hơn 5 tấn/ha, với giá bán tại vườn là 25.000 đồng/kg, mang lại hiệu quả kinh tế cao gấp 2-3 lần so với nhiều cây trồng khác trên cùng diện tích đất.

Ông Lê Thanh (trú xã Phong Bình, Gio Linh) cho biết, trước đây các hộ trồng cây ăn quả tưới nước bằng thủ công, vừa vất vả lại không hiệu quả. Người dân  dùng phân hoá học, thuốc trừ sâu khiến việc tiêu thụ sản phẩm khó khăn, người tiêu dùng e dè. Sau khi được cán bộ xã, huyện tuyên truyền, tập huấn việc sử dụng các sản phẩm sinh học, hữu cơ để chăm sóc cây trồng, lắp hệ thống tưới nước tự động, người dân áp dụng và mang lại hiệu quả thiết thực.

Trang trại nuôi hơn 800 con lợn thịt, 200 lợn nái của ông Võ Doãn Thụ (trú huyện Vĩnh Linh) là một trong những trang trại có quy mô lớn theo mô hình khép kín ở Quảng Trị. Trước đây, ông Thụ chăn nuôi lợn nhỏ lẻ, thủ công, lợi nhuận thấp.

Đến năm 2016, được sự động viên, hướng dẫn của Phòng NNPTNT huyện Vĩnh Linh, ông Thụ đầu tư hơn 10 tỷ đồng xây dựng trang trại khép kín, có hệ thống tự động để chăn nuôi. Kế quả, mỗi năm ông Thụ lãi hàng tỷ đồng từ trang trại lợn, trở thành Nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2020.

Kinh tế khá giả, gia đình ông Thụ có điều kiện giúp đỡ người dân trên địa bàn tỉnh về cây, con giống, nguồn vốn, kỹ thuật để cùng phát triển kinh tế, giảm nghèo, góp phần đáng kể trong việc xây dựng NTM ở địa phương.

Tạo sản phẩm đặc trưng

Hiện nay, xu hướng sử dụng các sản phẩm có nguồn gốc tự nhiên ngày càng tăng. Xác định được xu hướng đó, tỉnh Quảng Trị đã chỉ đạo các huyện, thị xã quy hoạch đất đai, xây dựng kế hoạch phát triển vùng chuyên canh, tạo ra sản phẩm đặc trưng, mang tính hàng hóa.

Làng nghề nấu cao dược liệu ở xã Cam Nghĩa, huyện Cam Lộ đã có từ lâu đời. Tuy nhiên, trước đây mỗi hộ gia đình tự sản xuất, tiêu thụ theo cách của mình. Vì thế, có những thời điểm xảy ra việc tranh mua, tranh bán, ép giá, cạnh tranh không lành mạnh khiến doanh thu của người dân bị sụt giảm.

Quảng Trị xây dựng NTM từ ý Đảng, lòng dân: Xây dựng NTM gắn với tái cơ cấu nông nghiệp (Kỳ 2) - Ảnh 3.

Được chính quyền địa phương hỗ trợ, mô hình nuôi tôm hai giai đoạn của anh Hoàng Thế Vinh (ngoài cùng bên trái) ở xã Trung Giang, huyện Gio Linh cho hiệu quả kinh tế cao.

Để giải quyết thực trạng trên, năm 2015, chính quyền địa phương đã vận động nhân dân liên kết sản xuất, thành lập HTX Cao dược liệu làng Định Sơn, xã Cam Nghĩa. Từ ngày có HTX, quy trình sản xuất, giá bán thống nhất, lợi nhuận xã viên nâng lên, dần dần xây dựng thương hiệu tập thể đối với tất cả các sản phẩm, được vinh danh và đạt Top 10 Thương hiệu tin cậy, sản phẩm chất lượng cấp Quốc gia năm 2017.

Chị Nguyễn Khoa Kiều – Giám đốc Công ty TNHH MTV Kiều Trân Phát cho biết, sản phẩm tranh gạo của chị có từ năm 2014, dù chất lượng, thẩm mỹ đều rất cao nhưng khâu quảng bá còn yếu nên trong nhiều năm mức tiêu thụ chưa như ý. Tháng 1/2020, tranh gạo của chị được thẩm định, công nhận là sản phẩm OCOP cấp tỉnh năm 2019, gắn 3 sao. Theo chị Kiều, từ khi được chứng nhận là sản phẩm OCOP, khâu quảng bá thuận lợi hơn, tranh gạo của chị được nhiều người biết đến, giúp nâng cao thu nhập, tạo thêm nhiều việc làm cho người lao động.

Đến nay, tỉnh Quảng Trị đã có 19 sản phẩm được công nhận sản phẩm OCOP. Kết quả này có tác động quan trọng để tỉnh Quảng Trị thúc đẩy quảng bá, mở rộng thị trường tiêu thụ các sản phẩm làng nghề, đặc sản vùng miền và các sản phẩm có lợi thế của địa phương.

Ông Hồ Xuân Hoè – Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Quảng Trị cho biết, thời gian qua các địa phương, người dân, doanh nghiệp đã quan tâm đầu tư, khai thác tiềm năng lợi thế của từng vùng miền, tập trung ứng dụng khoa học công nghệ, quy trình công nghệ sạch, hữu cơ vào sản xuất các sản phẩm chủ lực, sản phẩm đặc sản địa phương OCOP. Nhờ đó, nhiều sản phẩm nông nghiệp của tỉnh đã xây dựng được thương hiệu, có chỗ đứng trên thị trường, giá trị thu nhập tăng từ 20% – 30% so với sản xuất truyền thống.

Quảng Trị xây dựng NTM từ ý Đảng, lòng dân: Xây dựng NTM gắn với tái cơ cấu nông nghiệp (Kỳ 2) - Ảnh 4.

Ông Võ Văn Hưng – Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị. Ảnh chụp lúc ông Hưng đang là Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh đi bắt cá trên cánh đồng lúa hữu cơ.

Có được kết quả đó là nhờ những chủ trương, cơ chế chính sách đúng đắn, kịp thời được Tỉnh ủy, HĐND tỉnh ban hành phù hợp với thực tiễn sản xuất nông nghiệp tỉnh nhà. Điển hình là Nghị quyết 03 của HĐND tỉnh ban hành ngày 22/5/2017 lựa chọn và ưu tiên nguồn lực để phát triển 6 cây trồng và 2 con nuôi chủ lực tạo sản phẩm có lợi thế cạnh tranh của tỉnh. 

Bên cạnh đó, việc tổ chức sản xuất theo hướng hàng hóa, tập trung, khuyến khích phát triển kinh tế tập thể cũng được chú trọng, thông qua việc hỗ trợ đào tạo, đào tạo lại cho cán bộ quản lý HTX, tổ hợp tác; hỗ trợ thí điểm mô hình đưa cán bộ trẻ tốt nghiệp đại học, cao đẳng về làm việc có thời hạn ở HTX; hỗ trợ xây dựng HTX điển hình tiên tiến, hỗ trợ các dự án phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị gắn với doanh nghiệp…

Những quyết sách phù hợp, sát đúng với thực tiễn đã kịp thời huy động nguồn lực toàn xã hội, sự tham gia hưởng ứng của người dân, doanh nghiệp để tập trung đầu tư phát triển sản xuất, khởi nghiệp, xây dựng và nhân rộng nhiều mô hình mới, hiệu quả theo chuỗi giá trị.

Quảng Trị đã thu hút được nhiều doanh nghiệp vào đầu tư, liên kết hợp tác với nông dân như: Tập đoàn Sumitomo của Nhật Bản phát triển dưa lưới công nghệ cao, Tập đoàn Nafoods Tây Bắc phát triển sản xuất, chế biến và tiêu thụ chanh leo, Tập đoàn Đại Nam Ong Biển sản xuất lúa hữu cơ Quảng Trị; Công ty TNHH MTV Từ Phong sản xuất tinh dầu lạc Super Green…

Chính những doanh nghiệp này đã thúc đẩy để hình thành các vùng nguyên liệu chuyên canh, ứng dụng đồng bộ khoa học kỹ thuật, áp dụng quy trình chứng nhận chất lượng và truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Đây là tiền đề để nâng cao thu nhập, tạo thêm việc làm cho lao động nông thôn, góp phần tích cực để các địa phương hoàn thành tiêu chí về thu nhập và tổ chức sản xuất trong NTM.

Vấn đề đặt ra là bên cạnh sự cố gắng của chính quyền địa phương, người dân thì Chính phủ, các Bộ, ngành Trung ương, doanh nghiệp cần tìm ra con đường tiêu thụ nông sản ổn định, bền vững, giúp người dân yên tâm sản xuất. Bởi thực tế, những sản phẩm chất lượng cao thì có giá thành cao, thị trường trong nước khó lòng tiêu thụ hết nếu sản xuất quy mô lớn.

Kỳ cuối: "Lên dây cót" để bứt phá về đích