Gỡ nút thắt về vốn
Nằm giữa trảng cát cháy bỏng ở thôn Hà Lợi Trung - vùng ven biển Trung Giang của huyện Gio Linh (Quảng Trị), trại nuôi gà của anh Trần Tấn Phát lại tràn đầy sinh khí. Đó không chỉ là những âm thanh rộn ràng từ trang trại mà hơn thế là cảm nhận được sự no đủ đã và đang ùa về cùng sự cần mẫn của vợ chồng anh 5 năm qua.
Tốt nghiệp cử nhân luật năm 2008, bôn ba ở Huế rồi trở về quê nhà lập nghiệp, từ tiếp thị sản phẩm đến mở phòng kinh doanh tranh ảnh, song mọi công việc đều không cho anh Phát sự hứng thú lâu dài cùng thu nhập bấp bênh.
Ngân hàng CSXH đặt mục tiêu trong giai đoạn tới, 4 tổ chức chính trị - xã hội cấp xã tham gia hoạt động ủy thác cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác đạt từ 95% trở lên. Dư nợ ủy thác tăng trưởng bình quân hàng năm đạt khoảng 8%. Tỷ lệ nợ quá hạn dưới 2% tổng dư nợ ủy thác. Tỷ lệ tiết kiệm vay vốn xếp loại tốt và khá đạt trên 97%.
Năm 2013, anh Phát quyết định tìm cho mình một bến đậu mới với việc chăn nuôi gà. Anh bán hết 3 cây vàng tích cóp của hai vợ chồng không đủ phân nửa nguồn vốn đầu tư, chính vì vậy khi được Đoàn Thanh niên và Ngân hàng CSXH tư vấn vay vốn chính sách phát triển sản xuất đã mở ra nút thắt khó khăn nhất khi đó.
Cùng lúc, anh tìm đến câu lạc bộ phát triển kinh tế trong thanh niên ở địa phương trao đổi, học hỏi thêm kinh nghiệm chăn nuôi. Vay thêm người thân cùng vốn ngân hàng, trang trại gà của anh Phát dần hoàn thiện trên quy mô 1ha đất. Anh Phát đầu tư hệ thống đệm lót sinh học hết 250 triệu đồng, cùng máng ăn, các thiết bị đèn, hệ thống nước uống tự động và gas sưởi ấm cho đàn gà vào mùa đông. Sau 5 năm, thành quả mà anh thu được đó là thu nhập từ trang trại gà mỗi năm khoảng 250 triệu đồng.
Triển khai toàn hệ thống
Theo thống kê của Ngân hàng CSXH, đến ngày 31/8/2020, tổng dư nợ thực hiện theo phương thức cho vay ủy thác thông qua 4 tổ chức chính trị - xã hội là 220.545 tỷ đồng (chiếm 99,56% tổng dư nợ của ngân hàng); tăng 90.491 tỷ đồng so với năm 2014, tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm đạt 11,8%. Chất lượng hoạt động của 4 tổ chức chính trị - xã hội và tổ tiết kiệm vay vốn đã góp phần tích cực nâng cao chất lượng tín dụng. Nợ quá hạn trong tổng dư nợ ủy thác qua các tổ chức chính trị - xã hội có tỷ lệ giảm dần từ 4,5% khi nhận bàn giao xuống còn 0,38% năm 2014 và đến 31/8/2020 còn 0,25%. Tỷ lệ thu lãi tăng dần từ 88,3% những ngày đầu thực hiện, lên 98% năm 2014, từ năm 2015 đến nay thường xuyên đạt gần 99%.
Các tổ chức chính trị - xã hội phối hợp với Ngân hàng CSXH làm tốt công tác vận động tổ viên thực hành tiết kiệm mang lại hiệu quả thiết thực. Đến 31/8/2020, có trên 99,9% số tổ tiết kiệm vay vốn có số dư tiền gửi, với gần 6,5 triệu tổ viên tham gia, số dư tiền gửi đạt 11.190 tỷ đồng, tăng 7.790 tỷ đồng so với thời điểm 31/12/2014.
Kết quả đạt được từ hoạt động ủy thác của các tổ chức chính trị - xã hội giai đoạn 2015 - 2020 tiếp tục khẳng định đây là một kênh dẫn vốn hiệu quả, phù hợp với người nghèo và các đối tượng chính sách khác, góp phần quan trọng vào nâng cao chất lượng hoạt động tín dụng chính sách xã hội và sự phát triển Ngân hàng CSXH.