Ngoài cương vị là Phó Chủ tịch mặt trận xã, Chủ tịch Hội chữ thập đỏ xã Sơn Trường (Hương Sơn, Hà Tĩnh) anh Trần Nam Giang (SN 1977) được nhiều người biết đến nhờ thành công với mô hình chăn nuôi lợn rừng bằng thảo dược, cây thuốc nam.
Anh Giang kể, người dân xã Sơn Trường xưa nay chủ yếu nuôi hươu, dê, và nuôi lợn thương phẩm để tăng thêm thu nhập ngoài công việc đồng áng. Sáu năm về trước, một lần tình cờ đọc được thông tin trên mạng Internet về việc nuôi lợn rừng mang lại hiệu quả kinh tế cao, anh Nam Giang nghĩ cách phải đổi đời ngoài đồng lương công chức xã.
Anh Giang bắt tay nuôi lợn rừng mong đổi đời
"Nghĩ là làm. Tôi bắt tay vào xây dựng chuồng trại để nuôi lợn rừng. Tôi nhờ bạn bè mua giống lợn ở biên giới Việt Lào, mỗi con giá hơn 10 triệu đồng. Bắt đầu nuôi 4 con lợn nái và 1 con lợn đực, tôi cho chúng phối giống tự nhiên. Từ đó lợn nái sẽ sinh con, và bây giờ mỗi năm bán ra hàng trăm con lợn thịt", anh Nam Giang kể.
Anh Giang đã lên mạng tìm hiểu các thông tin về các loài cây dược liệu, cây thuốc nam ở rừng có thể giúp lợn kháng bệnh, tiêu hóa, và phát triển tốt.
Với khu vườn 3 hecta, anh Giang trồng tới 700 cây mít, hàng trăm cây chuối, cây chè cỏ, lá sung,... để làm thức ăn cho lợn rừng.
Mỗi ngày anh cho lợn ăn hai lần, có cả tinh bột nhưng chủ yếu là từ lá cây, thức ăn tự nhiên như mít, chuối, chè cỏ, lá sung, củ mài, cây thuốc nam. Những thức ăn này giúp thịt lợn rừng ngon hơn vì chứa nhiều khoáng chất. Đặc biệt, chuối sẽ tốt cho hệ tiêu hóa của lợn. "Hằng ngày sau giờ hành chính ở xã, tôi lại tất bật về chăm lợn rừng, vừa tìm thêm niềm vui, vừa có thêm thu nhập cho gia đình", anh Nam Giang chia sẻ.
|
Anh Giang nghiên cứu về các loại cây thuốc nam làm thức ăn cho lợn rừng |
|
Chuối và bí đỏ là thức ăn rất tốt cho hệ tiêu hóa của lợn |
Phân tích địa hình, anh Giang nhận thấy khu vực đồi núi thích hợp để lợn rừng phát triển. Với hình thức chăn nuôi bán hoang dã, lợn thả rông nên những con vật này có sức đề kháng tốt, sinh sôi nảy nở.
Ngoài lợn thịt, hiện anh Giang nuôi thêm 20 con lợn nái. Mỗi năm, lợn rừng sinh hai lứa lợn con. Trung bình, mỗi con lợn nái sẽ đẻ khoảng 10 con lợn con/lứa.
Vị Phó Chủ tịch mặt trận xã chia sẻ thêm, nuôi lợn rừng không gây ô nhiễm môi trường bởi phân lợn khô, gia đình dùng chổi quét gom, vệ sinh chuồng trại sạch sẽ, thoáng mát.
"Năm nào tôi cũng bán ra khoảng 200 con lợn thịt. Để đạt độ ngon, lợn phải nuôi được trên một năm mới cho xuất chuồng. Mỗi con nặng khoảng 40kg, mỗi kg lợn hơi bán ra thị trường từ 160.000 đồng đến 180.000 đồng/kg. Như vậy, hằng năm mang lại doanh thu trên 1 tỷ đồng về cho gia đình. Tôi rất hứng thú với công việc này", anh Nam Giang nói.
|
Lợn con được phối giống tự nhiên, khoảng 2 tháng sẽ tách mẹ |
|
Chân dung vị cán bộ xã nghĩ cách đổi đời ngoài đồng lương công chức |
Anh Nam Giang cho hay thị trường đầu ra tương đối ổn định, khách mua chủ yếu là khách có điều kiện.
"Đây chủ yếu là khách sộp, bởi giá lợn cũng khá đắt. Lợn hơi có giá khoảng 160.000 đồng/kg nhưng nếu làm thịt sạch sẽ được bán ra với gia 350.000 đồng/kg. Đặc mua lợn rừng chủ yếu là doanh nghiệp, cơ quan đoàn thể. Số lượng lợn hiện không đủ để cung cấp ra thị trường nên trong tương lai, tôi sẽ nhân rộng mô hình này", anh Giang nói.
Cũng theo anh Giang, lợn rừng gia đình anh nuôi chưa từng bị nhiễm dịch và cách chăm sóc chúng không quá khó nhưng mất khá nhiều thời gian.
"Tôi thường nghiên cứu các cách chữa bệnh cho lợn bằng phương pháp tự nhiên từ thức ăn của lợn hằng ngày. Tôi nghiên cứu sách, những cách chữa bệnh đơn giản của Hải Thượng Lãn Ông, từ đó áp dụng vào cách chăm sóc đàn lợn, cho chúng ăn các loại thảo dược, lá cây thuốc nam, thức ăn hữu cơ rau, củ, quả", anh Nam Giang nói thêm.
Thời gian tới, anh Giang sẽ cho hay sẽ đầu tư, mở rộng quy mô, tiến tới xây dựng cơ sở sản xuất chế biến thịt lợn rừng trở thành thương hiệu của địa phương.