Phóng viên Báo NTNN/Dân Việt đã có cuộc trao đổi với ông Dương Thanh Tùng – Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Bắc Giang xung quanh kết quả hoạt động của ngành, những bài học kinh nghiệm cũng như mục tiêu trong thời gian tới.
Mặc dù gặp rất nhiều khó khăn, thách thức chung của nền kinh tế cũng như thiên tai, dịch bệnh nhưng ngành nông nghiệp của Bắc Giang vẫn đạt được nhiều chỉ tiêu quan trọng. Ông có thể cho biết Bắc Giang đã thực hiện những giải pháp gì để có những đột phá đó?
Không nằm ngoài những khó khăn chung của nền kinh tế trong và ngoài nước, thời gian qua sản xuất nông nghiệp của Bắc Giang còn gặp thêm thách thức bởi dịch tả lợn châu Phi bùng phát ở 10/10 huyện, thành phố, gây thiệt hại không nhỏ cho ngành chăn nuôi; Thời tiết bất thuận làm ảnh hưởng đến một số cây trồng... Đặc biệt là chiến tranh thương mại giữa các nước lớn với những quy định khắt khe, yêu cầu cao của thị trường, nhất là thị trường Trung Quốc... đã làm ảnh hưởng không nhỏ đến việc xuất khẩu các mặt hàng nông sản chủ lực của tỉnh Bắc Giang.
Tuy nhiên, nhờ sự điều hành quyết liệt của UBND tỉnh, cùng sự phối hợp chặt chẽ của các sở ban ngành và yếu tố hết sức quan trọng, đó là sự nỗ lực của các huyện, thị, thành phố và đặc biệt là bà con nông dân nên ngành nông nghiệp Bắc Giang vẫn đạt được nhiều kết quả nổi bật.
Giá trị sản xuất trên 1 ha đất nông nghiệp của Bắc Giang đến nay đã đạt bình quân 105 triệu đồng/ha. Các sản phẩm tiềm năng, thế mạnh có lợi thế của tỉnh được tập trung chỉ đạo và có xu hướng tăng, đảm bảo nhu cầu trong nước và xuất khẩu. Đặc biệt, Bắc Giang còn được đánh giá là tỉnh đứng đầu vùng Trung du và miền núi phía Bắc về giá trị tăng thêm ngành nông nghiệp.
Bên cạnh đó, chất lượng sản phẩm nông sản của tỉnh cũng được nâng lên, việc ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp được đẩy mạnh. Toàn tỉnh đã có 163 mô hình cánh đồng mẫu (với diện tích 5.159 ha), 766 mô hình ứng dụng công nghệ cao nhà màng, nhà lưới sản xuất rau và hoa cho hiệu quả kinh tế cao.
Phong trào xây dựng nông thôn mới đạt kết quả nổi bật, đến hết năm 2019 toàn tỉnh Bắc Giang đã có 114 xã đạt chuẩn nông thôn mới, chiếm 56,2% (sau sáp nhập tỉnh còn 101/184 xã, đạt 54,9%), 3 huyện đạt chuẩn huyện nông thôn mới. Đời sống nông dân nông thôn được cải thiện, bộ mặt nông thôn mới có nhiều đổi mới, tình hình an ninh, trật tự an toàn xã hội khu vực nông thôn được đảm bảo, ổn định.
Vậy theo ông, đâu là những động lực để ngành nông nghiệp Bắc Giang đạt được những thành quả này?
Có được những kết quả trên, một trong những nguyên nhân quan trọng là tỉnh có nhiều đổi mới trong công tác chỉ đạo, điều hành cùng với những chính sách, cơ chế thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp. Môi trường đầu tư kinh doanh được cải thiện, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp yên tâm đầu tư, kinh doanh phục vụ sản xuất.
Bên cạnh đó, công tác lập và quản lý quy hoạch các vùng sản xuất từ quy hoạch phát triển chăn nuôi; quy hoạch vùng sản xuất rau nguyên liệu chế biến, rau an toàn; quy hoạch vùng cây ăn quả tập trung; quy hoạch khu sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao... cũng được tỉnh làm tốt.
Trong năm 2019 vừa qua, Ban thường vụ Tỉnh ủy đã tổng kết thực tiễn 20 năm phát triển nông nghiệp, trên cơ sở đó ban hành Nghị quyết về chiến lược phát triển nông nghiệp tỉnh Bắc Giang đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2035, đề ra các mục tiêu, giải pháp thực hiện tái cơ cấu, phát triển ngành nông nghiệp trong thời gian tới, trọng tâm đó là: Phát triển nhóm các sản phẩm chủ lực của tỉnh, quy hoạch và xây dựng thành vùng sản xuất hàng hóa tập trung, tổ chức hợp tác, liên kết theo chuỗi giá trị và ứng dụng khoa học, công nghệ tiên tiến; Phát triển nhóm các sản phẩm là đặc sản địa phương, theo mô hình OCOP. Từ đó góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu lao động nông thôn hợp lý, bảo vệ môi trường và bảo tồn những giá trị truyền thống của nông thôn.
Năm 2020 là năm cuối thực hiện các chỉ tiêu theo Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp và hướng tới Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 13. Với vai trò là ngành kinh tế quan trọng của tỉnh, ngành nông nghiệp Bắc Giang đã đặt ra mục tiêu như thế nào?
Năm 2020 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, vì vậy ngành nông nghiệp tỉnh Bắc Giang đã đề ra một số chỉ tiêu chủ yếu, đó là: Giá trị sản xuất đạt trên 1 ha đất sản xuất nông nghiệp đạt 110 triệu đồng; Tỷ lệ xã đạt chuẩn nông thôn mới 67,2% (có thêm 23 xã về đích và 1 huyện về đích nông thôn mới);
Đặc biệt, xác định nông nghiệp có vai trò quan trọng đối với phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh, ngày 3/4/2019, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Nghị quyết 401-NQ/TU về Chiến lược phát triển nông nghiệp tỉnh Bắc Giang đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2035.
Theo đó Nghị quyết xác định xây dựng nền nông nghiệp theo hướng hiện đại, bền vững dựa trên nền tảng phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp thông minh, nông nghiệp sạch. Hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung quy mô lớn, các nông sản có năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng và hướng tới xuất khẩu.
Tập trung vào các sản phẩm chủ lực, sản phẩm đặc trưng có tiềm năng, thế mạnh của địa phương. Phấn đấu đến năm 2030, Bắc Giang là trọng điểm nông nghiệp quốc gia, đứng đầu miền Bắc.
Vậy những phương hướng, giải pháp trọng tâm để Bắc Giang hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ phát triển nông nghiệp - nông dân - nông thôn trong thời gian tới là gì, thưa ông?
Để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ, chiến lược phát triển nông nghiệp trong thời gian tới, Bắc Giang tập trung thực hiện tốt một số giải pháp trọng tâm, đó là: Rà soát, điều chỉnh quy hoạch, quy mô và cơ cấu sản xuất phù hợp với lợi thế, nhu cầu của thị trường và thích ứng biến đổi khí hậu. Tập trung xây dựng các vùng sản xuất chuyên canh sản phẩm chủ lực, làm cơ sở để phát triển và thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp.
Triển khai các chính sách phục vụ tái cơ cấu ngành, gắn với xây dựng nông thôn mới; trong đó phát triển các sản phẩm chủ lực, đặc sản theo quy trình sản xuất tiên tiến, sản xuất theo chuỗi giá trị và các chính sách phát triển sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
Thực hiện chính sách đặc thù để khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn giai đoạn 2019 - 2025; tập trung quảng bá sản phẩm nông nghiệp hàng hóa chủ lực, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm.
Tạo điều kiện để các thành phần kinh tế, đặc biệt là người dân, HTX, doanh nghiệp tiếp cận thuận lợi hơn về đất đai, nguồn vốn và thị trường; nâng cao chất lượng đào tạo nông dân, phát triển nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn.
Tiếp tục đẩy mạnh phong trào "Bắc Giang chung sức xây dựng nông thôn mới" để huy động mọi nguồn lực; phát triển đồng bộ kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội nhất là các hạ tầng thiết yếu như công trình thủy lợi, giao thông nông thôn, giao thông nội đồng...
Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện này!