Dân Việt

Nhớ một thời Ban Nông vận Trung ương nay là Trung ương Hội Nông dân Việt Nam

Thu Hà 14/10/2020 22:36 GMT+7
LTS: Trên 3 miền đất nước, nơi đâu cũng có những vùng đất và con người in đậm dấu ấn hoạt động của các tổ chức tiền thân của Hội Nông dân Việt Nam (NDVN) ngày nay. Nhân kỷ niệm 90 năm Ngày thành lập Hội NDVN (14/10/1930-14/10/2020), cùng trở về những "địa chỉ đỏ" đó, để biết và nhớ hơn về một thời hào hùng của Hội...

Lịch sử phong trào nông dân và Hội NDVN hiện có 6 điểm di tích được ghi nhận ở 4 tỉnh uyên Quang, Thái Nguyên, Quảng Nam và Tây Ninh. Trong đó, di tích cơ quan Ban Nông vận Trung ương tại Ao Rừm (thôn Tân Lập, xã Tân Trào, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang) ghi dấu những năm tháng sống và làm việc hết sức khó khăn nhưng cũng đầy ý nghĩa của cán bộ, nhân dân ta trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp.

Ông Nguyễn Hồng Sơn - Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Hội NDVN cho biết: Ban Nông vận Trung ương trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp (giai đoạn 1952-1954) tại Ao Rừm, dưới sự lãnh đạo của Đảng đã tiến hành vận động, giáo dục và tổ chức các phong trào quần chúng đấu tranh vì lợi ích của dân tộc và giai cấp.

Nhớ một thời Ban Nông vận Trung ương - Ảnh 1.

Đồng chí Thào Xuân Sùng - Chủ tịch Trung ương Hội NDVN cùng lãnh đạo tỉnh Tuyên Quang bàn phương án trung tu lại di tích nhà bia - trụ sở Ban Nông vận Trung ương. Ảnh: T.H

Năm 2005-2006, Trung ương Hội NDVN đã xây dựng tặng nông dân xã Tân Trào, huyện Sơn Dương, Tuyên Quang một công trình lớp học mẫu giáo – mầm non. Hội cũng tặng 10 con bò giống cho Chi hội Nông dân thôn Tân Lập, xã Tân Trào.

Những ngày tháng ở và làm việc tại Tân Trào, thực hiện phương châm vừa kháng chiến vừa kiến quốc, dưới sự chỉ đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Ban Nông vận Trung ương đã tập hợp giai cấp nông dân Việt Nam thành một khối thống nhất nhằm xây dựng hậu phương vững mạnh về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, ban hành cải cách ruộng đất, làm cho người cày có ruộng tạo ra khí thế mới, sức mạnh mới trong giai cấp nông dân, góp phần thúc đẩy cuộc kháng chiến mau thắng lợi hoàn toàn.

Hoạt động của Ban Nông vận Trung ương góp phần đáp ứng yêu cầu, nguyện vọng của nông dân cả nước. Ở Liên khu Việt Bắc - thủ phủ của cuộc kháng chiến được chọn làm thí điểm phát động quần chúng triệt để giảm tô và cải cách ruộng đất. Việc phát động quần chúng được tiến hành ba đợt ở 222 xã, qua cuộc đấu tranh với địa chủ ở 96 xã, chính quyền đã thu 2.215 tấn thóc chia cho 21.028 hộ nông dân. Ở Liên khu IV, dưới sự chỉ đạo của chính quyền và Hội ND, ta đã tiến hành thắng lợi 3 đợt giảm tô ở 148 xã, đấu tranh thắng lợi với 3.485 địa chủ, thu được 4.560 tấn thóc.

Ở Liên khu V, đã có 250.640 mẫu ruộng của các điền chủ thực hiện giảm tô và 291.711 tá điền được giảm tô. Chỉ trong năm 1953, địa chủ trong Liên khu đã trả lại 4.500 tấn thóc và 6 triệu đồng cho nông dân.

Ban Nông vận đã động viên nông dân cả nước góp công, góp của cho chiến cuộc Đông - Xuân 1953-1954, chiến dịch Điện Biên Phủ và thực hiện nghĩa vụ quốc tế: Hàng vạn thanh niên nam, nữ nông dân tham gia vào các lực lượng vũ trang tập trung, bổ sung quân số để xây dựng các binh đoàn chủ lực, thanh niên xung phong; tham gia vận chuyển một khối lượng lớn hàng hóa, quân trang, đạn dược cho chiến trường chính. Cả nước đã huy động 261.451 lượt người với 18.301.570 ngày công, 20.991 xe đạp, 11.800 canô, thuyền, mảng và 500 ngựa thồ để vận chuyển lên chiến trường chính 27.401 tấn gạo và hàng chục tấn đạn dược.

Trong thời gian ở, làm việc tại thôn Tân Lập, xã Tân Trào, Ban Nông vận Trung ương luôn giữ mối quan hệ thân thiết với nhân dân các dân tộc địa phương, các đồng chí cán bộ thường xuyên qua lại, giúp đỡ các gia đình, thăm hỏi các cụ già khi đau ốm, tranh thủ vào các buổi tối tổ chức dạy các lớp bình dân học vụ. Ngược lại nhân dân địa phương cũng một lòng che chở, đùm bọc, giúp đỡ, cung cấp vật liệu lầm nhà ở, cho cơ quan đất trồng rau xanh cải thiện đời sống...

Sau khi Hiệp định Giơnévơ được ký kết, Ban Nông vận Trung ương đã rời Tân Trào về tiếp quản Thủ đô Hà Nội, bắt tay vào công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và cuộc đấu tranh cách mạng dân tộc, dân chủ ở miền Nam, tiến tới thống nhất đất nước.

Năm 2006, Trung ương Hội NDVN phối hợp UBND tỉnh Tuyên Quang xây dựng nhà bia ghi dấu di tích Ban Nông vận Trung ương. Năm 2019 Trung ương Hội giao Hội ND tỉnh Tuyên Quang tiếp tục tôn tạo di tích.