Dân Việt

Đà Nẵng: Chỉ kịp ôm bàn thờ "chạy lũ"

Diệu Bình 10/10/2020 17:30 GMT+7
Cứ đến mùa mưa bão, người dân vùng quê phía tây thành phố Đà Nẵng lại phải gồng mình chống chọi với sự khắc nghiệt của thiên tai. Đằng sau những đợt gió rít, những trận mưa trắng trời là biết bao nỗi lo của người dân nơi "rốn lũ".

Chỉ kịp ôm bàn thờ "chạy lũ"

Nằm bên con sông Túy Loan nước quanh năm chảy xiết, cứ đến mùa mưa bão, người dân sống tại xã Hòa Nhơn (huyện Hòa Vang, thành phố Đà Nẵng) lại sống trong cảnh nơm nớp lo sợ, bởi nơi đây cứ hễ khi mùa mưa đến thì lũ có thể "gõ cửa" bất cứ lúc nào.

Đà Nẵng: Chỉ kịp ôm bàn thờ "chạy lũ" - Ảnh 1.

Mưa lớn khiến nước sông Túy Loan dâng cao, tràn vào nhà dân tại xã Hòa Nhơn (huyện Hòa Vang, Đà Nẵng).

Chị Trần Thị Thủy (trú thôn Phú Hoà 2, xã Hòa Nhơn, huyện Hòa Vang) vẫn chưa hết bàng hoàng vì nửa đêm, trong cơn mưa tầm tã, nước bắt đầu dâng nhanh rồi tràn vào nhà.

"Bao đời nay nhà tôi ở gần sông Tuý Loan, mưa lớn kéo dài vài ngày lại bắt đầu lo. Tối hôm qua (9/10), gia đình không ai dám chợt mắt cả, biết là lũ sẽ vào nhà. Y như dự đoán, đến khuya, tôi cùng mọi người trong gia đình phải khẩn trương "chạy lũ", chuyển, kê kích đồ đạc trong nhà lên cao", chị Thủy nhớ lại.

Đà Nẵng: Chỉ kịp ôm bàn thờ "chạy lũ" - Ảnh 2.

Chị Trần Thị Thủy trong ngôi nhà bị ngập của mình.

Nhìn nước sông Túy Loan dùng dằng chảy xiết, chị Thủy buồn bã vì hơn 100 con gà cùng đàn cá gia đình mới thả xuống ao, định bụng vài tháng sau sẽ thu hoạch nay cũng đã theo dòng lũ cuốn.

"Cứ đến mùa mưa, người dân như chúng tôi chỉ mong sao cho ông trời "thương" để còn sản xuất, nuôi trồng. Nhưng trời "không thương" đành chịu, đã nhọc nhằn lại thêm phần khó khăn, quen rồi", chị Thủy nói.

Nằm trong con hẻm sâu hun hút, nhà bà Lê Thị Hường (trú thôn Thạch Nham Tây, xã Hòa Nhơn, huyện Hòa Vang) là một trong những hộ bị cô lập bởi nước lũ.

Bà Hường cho hay, nước bắt đầu ập vào nhà bà từ 2h đêm qua (9/10). Lúc này, nhà chỉ có bà và đứa con gái, hai mẹ con không nghĩ nhiều, chỉ kịp đem bàn thờ gia tiên cất vội lên gác lửng, rồi ôm nhau chờ trời sáng.

Đà Nẵng: Chỉ kịp ôm bàn thờ "chạy lũ" - Ảnh 3.

Nước dâng trong đêm, bà Lê Thị Hường cùng con gái chỉ kịp ôm bàn thờ "chạy lũ".

"Nhà ngập từ 1m đến chỗ sâu hơn là gần lút đầu. Gạo, mì tôm, nước mắm nhà tôi có đủ cả nhưng mà bếp gas cùng bình gas đã bị trôi theo nước lũ, không kịp giữ lại. Chuồng gà hơn 20 con cũng trôi theo dòng nước, mất cả rồi", bà Hường buồn bã.

Tình người nơi "rốn lũ"

Hơn 12h trưa 10/10, ông Phạm Dũng (thôn Phú Hà 2, xã Hòa Nhơn) vẫn luôn tay chèo chiếc ghe cũ chở người dân trong thôn di chuyển trên mặt nước cao khoảng 1,2m so với mặt đường. Tiếng khua mái chèo đều như nhịp đuổi cá cùng tiếng người í ới gọi nhau rộn cả một góc trời.

Nhìn ông Dũng người ta dám đoán ông là ngư dân đã lâu năm "ăn ở" cùng thuyền thúng, nhưng đâu ai biết rằng ông Dũng chỉ "học lỏm" cách chèo ghe từ kinh nghiệm của những mùa mưa bão trước.

Đà Nẵng: Chỉ kịp ôm bàn thờ "chạy lũ" - Ảnh 4.

Ông Phạm Dũng cùng các "hành khách" của mình.

"Nghe rục rịch có mưa lớn là tôi lại mang nó (chiếc ghe - PV) ra, nhìn vậy thôi chứ cũng đi vào "vận hành" được hơn 5 năm rồi. Cứ tới mùa lũ, nhờ nó mà bà con đỡ phải vất vả trong việc di chuyển", ông Dũng nói.

Theo ông Dũng, vì sống trong vùng "rốn lũ" nên người dân tại đây đều cố gắng trang bị trong nhà những đồ vật cần thiết khi mùa mưa lũ đến, từ dây thừng, áo phao… đến ghe thuyền.

"Thương lắm! Bà con giúp đỡ nhau mà sống. Tôi tự nhận nhiệm vụ là "người vận chuyển" trong thôn. Cứ chèo lên, chèo xuống, hễ ai cần giúp gì, giao đồ đạc gì là tôi sẽ làm hết sức", ông Dũng cười nói.

Chèo ngược dòng chảy cùng ông Trần Văn Hóa (trú thôn Thạch Nham Tây, xã Hòa Nhơn, huyện Hòa Vang) đến thăm từng nhà trên địa bàn thôn.

Người đàn ông đã ngoài 50 tuổi nhưng trông vẫn rất nhanh nhẹn. Lái chiếc ghe "cập bến" vào ngôi nhà cấp 4 đã bị ngập hơn nửa, ông Hóa nói vọng: "Nhiều nhà khi bị lũ "tấn công" chỉ có người già, phụ nữ và trẻ nhỏ nên tôi phải chèo ghe đến hỏi thăm. Ai cần gì thì tôi mua giúp, ai ốm đau thì mọi người hợp sức chở ra đường chính, vì các tuyến đường trong thôn nay đã bị cô lập do nước lũ cả rồi".

Đà Nẵng: Chỉ kịp ôm bàn thờ "chạy lũ" - Ảnh 5.

Mưa lớn kéo dài, nhiều khu vực tại huyện Hòa Vang ngập trong lũ.

Đi hết một vòng thôn, ông Hóa thả chiếc ghe nương theo dòng nước, ghe trôi đến nhà vài hộ dân khác trước khi được neo đậu tại điểm an toàn để đổi "xế". Ông Hóa nhẩm tính: "Đến chiều 10/10, tôi đã chèo được hơn 5 vòng quanh thôn. Tôi lấy sức giúp người thôi, chứ nhà nghèo làm gì có tiền. Nhìn nhà bà con chìm trong nước lũ mà xót xa".

Trao đổi với PV Dân Việt, ông Trần Văn Thu - Chủ tịch UBND xã Hòa Nhơn (huyện Hòa Vang) cho biết, mưa lớn kéo dài, toàn xã có hơn 855 nhà hộ dân bị ngập lụt, địa phương đã di dời hơn 183 hộ đến nơi an toàn.

"Chúng tôi thành lập các tổ xung kích, phân công cán bộ đứng điểm tạo từng thôn, từng hộ gia đình để hỗ trợ người dân. Nhưng do ngập lớn nên công tác còn gặp nhiều khó khăn", Chủ tịch UBND xã Hòa Nhơn cho hay.