Giá nhà bị đẩy cao
Trong các báo cáo về thị trường bất động sản mới đây, nhiều tổ chức, đơn vị đều khẳng định, khi tất cả các ngành kinh tế đều bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 thì giá bán nhà ở trên thị trường không hề có xu hưởng giảm mà vẫn tăng. Điển hình là TP.HCM, do khan hiếm nguồn hàng trong bối cảnh lượng cầu cao, dẫn đến giá căn hộ tại thành phố này tăng vọt và tỷ lệ hấp thụ ở mức cao.
Theo thống kê của Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam, riêng trong quý III/2020, giá bán căn hộ tại TP.HCM đã tăng mạnh từ 15-20% so với quý II/2020, tạo nên cơn sốt cho thị trường bất động sản.
Do khan hiếm nguồn hàng dự án nên nhiều nhà đầu tư phải tìm đến đất nền tại các huyện ven đô, tạo nên sự tăng giá mạnh cho đất đai tại một số huyện như Bình Chánh, Gò Vấp, Củ Chi... với giá dao động từ 30-50 triệu đồng (tăng từ 10-15% so với quý trước).
Thông tin về tình hình số liệu nhà ở và thị trường bất động sản trên địa bàn Hà Nội quý III/2020, Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, căn hộ bình dân tiếp tục chiếm tỷ trọng nhỏ trong cơ cấu nguồn cung căn hộ. Những dự án có sản phẩm thuộc phân khúc này thường nằm tại các vùng ven đang phát triển như: Đông Anh, Gia Lâm, Hà Đông... Tuy nhiên, tỷ lệ hấp thụ phân khúc này luôn duy trì ở mức rất cao, đạt khoảng 70%.
Về giá bất động sản, chưa thấy hiện tượng dự án bất động sản công bố giảm giá; cả nước, trong và sau dịch bệnh, giá bán căn hộ phân khúc trung, cao cấp tiếp tục gần như đi ngang; phân khúc bình dân tăng nhẹ khoảng 3-5%.
Lý giải cho sự khan hiếm này, ông Nguyễn Văn Đính – Phó Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam cho biết, trong khoảng thời gian 2 năm trở lại đây, cũng như Hà Nội, TP.HCM gần như không có dự án mới được phê duyệt. Các dự án đô thị và nhà ở tại địa phương đã được phê duyệt chủ trương đầu tư từ giai đoạn trước cũng gặp cực kỳ nhiều khó khăn trong phê duyệt ở tất cả các khâu, từ quy hoạch tới cấp phép xây dựng, đủ điều kiện tham gia thị trường...
Đáng lưu ý, trong quý III/2020, trong cơ cấu nguồn cung mới, loại hình căn hộ có mức giá bình dân tiếp tục không còn xuất hiện trên thị trường. Trước đó, kể từ quý I/2020 đến nay loại hình này đã không còn, dù nhu cầu của người dân rất lớn.
"Giá chung cư ở các đô thị lớn bị đẩy lên ngưỡng trần, thậm chí có đôi chút bong bóng. Đặc biệt là phân khúc chung cư cao cấp dẫn đến tỷ lệ tiêu thụ chậm. Nhiều dự án có sử dụng tỷ lệ đòn bẩy cao, bị áp lực phải thu hồi vốn để trả nợ, phải áp dụng chính sách khuyến mãi và tặng quà giá trị lớn.
Giá đất đai ở những địa phương trước đây phát triển nóng, nhanh dẫn đến đẩy giá đất tăng mạnh, nhiều nơi vượt ngưỡng giá trị thật của thị trường. Trong giai đoạn vừa qua hầu hết phải điều chỉnh cho phù hợp, để lôi kéo lực cầu thị trường trở lại", ông Đính chỉ rõ.
Người thu nhập thấp mất khó mua nhà
Trao đổi thêm về giá nhà bình dân tăng giá, Phó Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam Nguyễn Văn Đính cho rằng, các chủ đầu tư không cần bận tâm đến việc thu nhập của người có nhu cầu mua nhà bị suy giảm do ảnh hưởng của đại dịch. Họ đã xác định không cần phải cạnh tranh với ai để bán được hàng và cứ tăng giá nhà ở dù sức tiêu thụ đang chậm.
"Sức tiêu thụ chậm là do đại dịch Covid-19 chứ không phải do thị trường yếu đi. Trong tương lai, giá nhà ở còn có khả năng tăng nữa vì khan hàng. Khi hàng ít, cầu nhiều thì giá chỉ có biến động tăng", ông Đính nói.
Để xảy ra việc này, vị lãnh đạo Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam cho rằng, có trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước. Bởi, cơ quan quản lý nhà nước đã không xử lý được các vấn đề liên quan đến các vấn đề về chính sách, pháp luật, đặc biệt không ít cán bộ quản lý vẫn mang tư tưởng nhiệm kỳ, gần như không ai phê duyệt dự án vào thời điểm này vì sợ sai. Hệ quả là nguồn cung trên thị trường khan hiếm trong khi cầu lớn, đẩy giá nhà tăng lên.
Theo ông Lê Hoàng Châu – Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM, riêng trong 3 năm 2018-2020, thị trường bất động sản bị sụt giảm rất lớn cả về quy mô, về số lượng dự án, số lượng sản phẩm nhà ở đưa ra thị trường và số lượng giao dịch. Hệ quả là người có thu nhập trung bình, người có thu nhập thấp đô thị và người nhập cư bị thua thiệt nhiều nhất, vì bị giảm cơ hội tạo lập nhà.
Tình trạng thiếu nguồn cung nhà ở, nhất là nhà ở vừa túi tiền, dẫn đến giá nhà tăng, làm cho đa số người có thu nhập trung bình, người có thu nhập thấp đô thị và người nhập cư khó tạo lập nhà ở hơn trước đây, tạo ra mối quan ngại về an sinh xã hội về nhà ở.
Để giải bài toán về nguồn cung nhà ở xã hội, mới đây, UBND TP.HCM đã giao Sở Xây dựng tham mưu UBND TP giải quyết, cho phép chuyển đổi theo quy định các dự án bất động sản nhà ở trung, cao cấp đang tồn kho hoặc chủ đầu tư có nhu cầu điều chỉnh quy mô căn hộ sang phân khúc bình dân hoặc làm nhà ở xã hội.
Tại Hà Nội, để thúc đẩy tiến độ xây dựng nhà ở xã hội trong thời gian tới, Chủ tịch UBND TP Hà Nội đã giao Sở Xây dựng chủ trì, làm việc với các nhà đầu tư về tình hình thực hiện dự án, làm rõ các khó khăn, vướng mắc để xem xét, giải quyết, đôn đốc đẩy nhanh tiến độ. Đồng thời, Sở Quy hoạch - Kiến trúc kiểm tra, đôn đốc, hoàn thành công tác lập quy hoạch các khu nhà ở xã hội tập trung...
Mới đây, Chính phủ yêu cầu Bộ KH&ĐT cân đối thêm 1.000 tỷ đồng cho Ngân hàng Chính sách xã hội theo Nghị quyết số 71/2018/QH14 và bổ sung 2.000 tỷ đồng để cấp bù lãi suất cho 4 ngân hàng thương mại do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chỉ định để thực hiện hỗ trợ cho vay nhà ở xã hội.
Cùng đó, Bộ Xây dựng nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, bổ sung một số nội dung bất cập tại Nghị định số 100/2015/NĐ-CP để trình Chính phủ xem xét, ban hành trong quý IV/2020 theo trình tự thủ tục rút gọn; đề xuất đổi mới phương thức, cơ chế chính sách để giải quyết căn bản nhà ở cho các đối tượng thu nhập thấp. Đồng thời, phối hợp với các địa phương, đặc biệt là TP Hà Nội và TP.HCM tập trung chỉ đạo, triển khai thực hiện tốt các nhiệm vụ, giải pháp đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội, đáp ứng nhu cầu của người thu nhập thất, nhất là công nhân.