Mưa lũ chồng chất, đồng ruộng tan hoang, cá tôm trôi đi đâu mất
Hơn 1 tuần nay, Đà Nẵng và nhiều tỉnh thành miền Trung đã liên tiếp hứng chịu những trận mưa lớn, kéo theo đó là tình trạng ngập úng và lũ lụt trên diện rộng. Do nước sông dâng nhanh trong thời gian ngắn nên người dân không kịp trở tay, tài sản nhà nông như heo, gà, rau màu, cá tôm ở không ít địa phương cũng theo dòng nước lũ mà trôi mất.
Theo thông kê sơ bộ của TP Đà Nẵng đến nay, trên địa bàn có 1.662 con gia súc, gia cầm bị trôi (huyện Hòa Vang). Rau, màu bị ngập úng: 128,71ha (Liên Chiểu 4 ha; Ngũ Hành Sơn 15ha; Cẩm Lệ 15,65ha; Hòa Vang 94,06ha). Hoa bị hư hại dập nát 1,2ha cúc (Hòa Vang); hoa cúc đất 10.000 cây; 800 cây hoa đồng tiền; 400 chậu sống đời; 100 chậu đu đủ; 300 cây vạn thọ (xã Hòa Phong, huyện Hòa Vang); 92.000 chậu hoa cúc Tết (Ngũ Hành Sơn 12.000 chậu; Cẩm Lệ 50.000 chậu; Hòa Vang 30.000 chậu); 100 chậu hoa hồng (Hòa Vang); 0,5ha cây hoa atisô (xã Hòa Sơn, huyện Hòa Vang).
Ông Trần Văn Hoàng, Giám đốc Hợp tác xã (HTX) rau an toàn La Hường (quận Cẩm Lệ) cho biết: "Cuối vụ này, HTX có hơn 40 hộ canh tác 5ha rau màu trên tổng diện tích là 9ha, chủ yếu là gieo trồng các giống rau ngắn ngày như: rau lang, rau muống, mồng tơi…. Tuy nhiên, do mưa lớn nhiều ngày khiến mực nước sông Cẩm Lệ dâng lên nhanh và cao, bà con không kịp thu hoạch "chạy lũ" nên thiệt hại nặng nề".
Cũng theo ông Hoàng, 100% diện tích vùng trồng rau sạch La Hường bị hư hại và không thể thu hoạch vớt vác sau lũ, ước tính thiệt hại hơn 100 triệu đồng. Đặc biệt, những ruộng rau của hộ ông Hồ Văn Tưởng, ông Mai Văn Y, ông Lê Duy Nam là chịu thiệt hại lớn nhất do có diện tích rau màu ngập nước mỗi hộ khoảng 1ha.
Nông dân lại "khóc ròng"
Sau nhiều ngày gồng mình với mưa lũ, nông dân vùng trồng rau sạch Túy Loan (xã Hòa Phong, huyện Hòa Vang) lại tất tả ra đồng thăm nom. Do mưa lớn kéo dài, nước lũ lại ngập nhiều ngày nên khi nước rút, bà con hầu như không thu hái được gì. Chỉ thấy khung cảnh ảm đạm với đầy rác, củi, lục bình và bùn non.
Vừa nhặt củi trôi dạt sau lũ, nông dân Đặng Công Trãi (54 tuổi) vừa than thở: "Mùa màng năm nay thất bát quá, trong hai đợt dịch Covid-19 vừa qua thì rau rớt giá, bán rẻ như cho, còn qua dịch thì thời tiết thất thường, mưa lũ dồn dập khiến rau màu chìm trong biển nước. Sáng nay khi nước rút, tôi ra xem còn cọng rau nào thì vớt vác, nhưng vì ngâm trong nước lũ nhiều ngày nên 2 sào ruộng của tôi coi như mất trắng".
Cùng cảnh ngộ, ông Nguyễn Trường Xuân (72 tuổi) dường như mất sạch sau lũ, rác và bùn non ứ đọng, những luống kiệu bị vùi lấp dưới lớp đất cát dày. Trước tình hình thời tiết đang diễn biến thất thường, ông Xuân tạm ngưng xuống giống một thời gian đợi qua mùa mưa bão mới tiếp tục sản xuất.
Thông tin về tình hình thiệt hại sau mưa lũ, ông Bùi Dũng – Giám đốc HTX Dịch vụ sản xuất và tiêu thụ rau sạch Túy Loan nói: "Hiện nay, HTX có 40 hộ dân canh tác rau màu trên diện tích 8ha, trước thông báo mưa lũ thì bà con cũng đã thu hoạch số ít. Dù vậy, chúng tôi vẫn thiệt hại nặng nề vì mưa lớn và lũ lụt kéo dài nhiều ngày. Sau đợt này, phải đến tháng 12 thì nông dân mới sản xuất ổn định trở lại để phục vụ rau vụ Tết".
Mưa lũ cũng làm 4 trại nấm rơm trên địa bàn bị hư hỏng; 10.200 bịch nấm sò và 7.000 bịch phôi nấm sò bị hư hại; 26 tấn rơm nguyên liệu bị hư (xã Hòa Phong, huyện Hòa Vang); 30 bịch nấm hư hỏng (Cẩm Lệ).
Đối với ngành thủy sản thì diện tích nuôi trồng bị thiệt hại là 36,34ha (diện tích ao nuôi tôm tràn bờ 8,7ha; diện tích ao nuôi cá tràn bờ 27,64ha). Thêm 2 lồng bè tại khu vực Mân Quang bị đứt neo, trôi mất; 1 lồng bè nuôi cá diêu hồng (120kg) và 490kg ếch bị trôi. Ngoài ra, có hơn 10.000 cây dừa, 4.500 cây ăn quả, 170ha cây bị ngập và hư hại.
Tại Đà Nẵng, thì Hòa vang là huyện ảnh hưởng nặng nề nhất trong đợt lũ vừa qua, hiện bà con nông dân đang dọn dẹp vệ sinh, chờ thời tiết nắng ráo tái sản xuất để kịp vụ mùa cuối năm.