Dân Việt

Thái Bình ra công điện khẩn, yêu cầu hoàn thành công việc chống bão trước 10 giờ sáng

Phạm Hiệp 14/10/2020 10:46 GMT+7
Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thái Bình vừa có công điện khẩn gửi các đơn vị liên quan để ứng phó với các diễn biến của bão số 7.

Cụ thể, trong công điện khẩn của Trưởng ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thái Bình Nguyễn Khắc Thận ký, phát đi lúc 4h sáng nay, theo tin của Trung tâm dự báo Khí tượng thủy văn Quốc gia, sáng sớm nay bão số 7 đã đi vào Vịnh Bắc Bộ.

Hồi 1 giờ, vị trí tâm bão ở vào khoảng 19,7 độ Vĩ Bắc, 108,6 độ Kinh Đông, ngay trên Vịnh Bắc Bộ, cách đảo Bạch Long Vĩ khoảng 120km về phía Đông Đông Nam.

Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 9, giật cấp 11.

Dự báo trong 12 giờ tới, bão di chuyển theo hướng Tây, mỗi giờ đi được khoảng 20km. Đến 13 giờ ngày 14/10, vị trí tâm bão ở khoảng 19,7 độ Vĩ Bắc, 106,0 độ Kinh Đông, ngay trên vùng biển ven bờ các tỉnh từ Thái Bình đến Nghệ An.

Để chủ động ứng phó với diễn biến của bão, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thái Bình yêu cầu Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các cấp, các ngành thực hiện nghiêm các công điện số 07 hồi 6h30 ngày 12/10, số 08 hồi 17h30 ngày 12/10 của Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh.

Thái Bình ra công điện khẩn, yêu cầu hoàn thành công việc chống bão trước 10 giờ sáng - Ảnh 1.

Theo dự báo, đến 13 giờ chiều nay, vị trí tâm bão số 7 ở khoảng ngay trên vùng biển ven bờ các tỉnh từ Thái Bình đến Nghệ An.

Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thái Bình yêu cầu nghiêm cấm tàu, thuyền ra khơi từ 5 giờ sáng nay, khẩn trương kêu gọi, kiểm đếm, sắp xếp và hướng dẫn các tàu, thuyền vào nơi tránh, trú an toàn, không để xảy ra va chạm và chìm tàu trong bão.

UBND huyện, thành phố khẩn trương chỉ đạo kiểm tra, rà soát, đôn đốc việc cắt tỉa cành cây, chằng chống nhà cửa, kho tàng, trường học, bệnh viện và các lồng bè, trang trại nuôi trồng, đánh bắt thủy hải sản ở ven sông, ven biển.

Đồng thời di dời số lao động nuôi ngao, nuôi trồng thủy, hải sản và các hộ dân sinh sống trong khu vực nguy hiểm, các vùng bãi thấp ven sông, cửa sông, số ngư dân trên các phương tiện làm ăn trên sông, trên biển vào nơi an toàn.

Cùng với đó, yêu cầu kiểm tra các nhà dân, nhà tập thể, bệnh xá, trường học xung yếu, kiên quyết di chuyển dân đến nơi an toàn; đóng cửa các cửa khẩu, băng két qua đê biển, đê cửa sông.

Công điện khẩn do Trưởng Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thái Bình Nguyễn Khắc Thận ký nêu rõ, các công việc này phải hoàn thành trước 10h sáng cùng ngày.

Mặt khác, công điện khẩn cũng yêu cầu bằng mọi biện pháp khẩn trương thu hoạch nhanh gọn lúa, hoa màu có thể thu hoạch được với phương châm "xanh nhà hơn già đồng", đặc biệt ở các vùng có khả năng bị ngập úng để giảm thiểu thiệt hại có thể xảy ra.

Công điện cũng yêu cầu các đơn vị sẵn sàng lực lượng, phương tiện cứu hộ, cứu nạn để kịp thời triển khai ứng cứu khi có yêu cầu; tổ chức trực ban nghiêm túc, thường xuyên báo cáo về Van phòng Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thái Bình.