Sở dĩ, trên thị trường chứng khoán xuất hiện thông tin Heineken là bên bán lô cổ phiếu trên khi mới đây theo tin từ Bloomberg, "đại gia" ngành bia đến từ Châu Âu này muốn bán 25,2 triệu cổ phần Sabeco với mức giá 184.000 đồng/CP.
Hết "chơi chung" với Sabeco?
Được biết, Heineken nắm giữ cổ phiếu Sabeco thông qua Able Win Gain Limited và Heineken Asia Pacific.
Trước đó, hồi tháng 11/2019, Heineken Asia Pacific công bố giao dịch bán 5,2 triệu cổ phiếu Sabeco, giảm tỷ lệ sở hữu từ 1,2% xuống còn 0,39%. Giao dịch đã khiến Heineken không còn là cổ đông lớn tại DN bía lớn nhất Việt Nam, do tổng sở hữu chỉ còn 27,68 triệu cổ phiếu (tỷ lệ 4,32%). Mức giá mà Heineken bán ra vào thời điểm này lên tới 234.400 đồng/CP, tương ứng tổng giá trị 1.219 tỷ đồng.
Với lần thứ 2 bán cổ phiếu SAB vào sáng nay (nhiều khả năng do Heineken bán ra, do 25,2 triệu cổ phần này cũng tương đương 3,93% tổng số cổ phiếu mà Able Win Gain Limited đang nắm giữ), với mức giá 184.000 đồng/CP, thì ước tính "đại gia" bia đến từ Hà Lan này đã thu về khoảng 4.637 tỷ đồng (khoảng 200 triệu USD).
Như vậy, sau hai lần bán vốn SAB, ước tính Heineken đã thu về gần 6.000 tỷ đồng.
Tuy nhiên, cả hai lần bán vốn này của Heineken đều thấp hơn nhiều so với mức giá "đỉnh" trên 320 nghìn đồng/CP của Sabeco hồi cuối 2017. Theo đó, ở lần đầu bán vốn Heineken đã "thiệt" khoảng gần 500 tỷ đồng; trong khi ở lần thứ 2 thoái vốn này, Heineken cũng chấp nhận "cắt lỗ" khoảng gần 3.430 tỷ đồng.
Heineken được biết tới là cổ đông lớn của Sabeco từ sau khi doanh nghiệp này tiến hành IPO năm 2008. "Đại gia" bia đến từ Hà Lan này cũng từng nhiều lần đánh tiếng trở thành cổ đông chiến lược của Sabeco khi Nhà nước thoái vốn khỏi doanh nghiệp này.
Tuy vậy, trong cuộc đấu giá cổ phần vào cuối năm 2017, Công ty TNHH Vietnam Beverage, một thành viên thuộc ThaiBev của tỷ phú giàu nhất Thái Lan Charoen Sirivadhanabhakdi, đã giành quyền kiểm soát Sabeco sau khi chi ra số tiền lên tới 5 tỷ USD mua 53,6% cổ phần Sabeco từ Bộ Công Thương.
Hiện tại, SCIC vẫn còn nắm giữ 36% cổ phần tại Sabeco sau khi nhận chuyển giao từ Bộ Công thương từ tháng 8/2020. Mới đây, SCIC thông báo dự định sẽ thoái hết 36% vốn tại Sabeco, tương đương gần 231 triệu cổ phần.
Với mức giá khoảng 190 nghìn đồng/CP như hiện tại (phiên giao dịch chiều nay 14/10), nếu thoái toàn bộ vốn khỏi Sabeco, Nhà nước có thể thu về khoảng 43,9 nghìn tỷ đồng, tương đương khoảng 1,9 tỷ USD.
"Ông lớn" bia Việt… liêu xiêu
Nhìn lại sức tiêu thụ của thị trường bia Việt Nam thời gian qua, có thể thấy rõ "ông lớn" Sabeco đã gặp rất nhiều khó khăn vì 2 đợt dịch Covid-19 và "cú sốc" Nghị định 100.
Cụ thể, theo báo cáo tài chính được công bố, doanh thu và lợi nhuận sau thuế lũy kế 6 tháng đầu năm của Sabeco sụt giảm sâu so với cùng kỳ năm 2019, lần lượt đạt 12.044 tỷ đồng và 1.932 tỷ đồng; tương ứng giảm 34% và 31% so với cùng kỳ năm trước.
Về cơ cấu tài sản, tổng tài sản ghi nhận ngày 30/6/2020 của Sabeco là 26.159 tỷ đồng, tăng nhẹ gần 3% so với đầu năm, trong đó chiếm 70% là tài sản ngắn hạn. Khoản phải thu ngắn hạn của khách hàng tăng gần gấp đôi so với đầu năm, đạt hơn 305 tỷ đồng. Hàng tồn kho giảm hơn 20%, chỉ còn 1.563 tỷ đồng.
Tổng nợ phải trả của SAB tại thời điểm kết thúc quý II/2020 đã giảm gần 7% so với đầu năm, chỉ còn 6.417 tỷ đồng. Trong đó nợ vay dài hạn và ngắn hạn chỉ còn hơn 900 tỷ đồng, giảm 14%. Được biết, trong 6 tháng đầu năm, SAB đã chi hơn 1.300 tỷ đồng để trả nợ gốc vay.
Trước những thách thức và khó khăn tiềm tàng của dịch Covid-19 và cả Nghị định 100, ban lãnh đạo Sabeco đặt ra kế hoạch kinh doanh đi lùi trong năm 2020. Cụ thể, doanh thu thuần và lợi nhuận sau thuế mục tiêu năm 2020 lần lượt là 23.800 tỷ đồng và 3.252 tỷ đồng, tương ứng giảm 37% và giảm 39% so với năm 2019. Đây đều là các mục tiêu kinh doanh ở mức thấp nhất trong 5 năm gần đây của ông lớn ngành bia.
Ngoài ra, cơ cấu ban lãnh đạo của Sabeco hiện nay đã "triệt để" được cải tổ. Cụ thể, sau khi thâu tóm Sabeco vào cuối 2017, tới giữa 2018, tỷ phú Thái Lan Charoen Sirivadhanabhakdi đã hoàn tất công việc loại bỏ người Việt ra khỏi những vị trí chủ chốt tại Sabeco.
Hiện, hai người Singapore gốc Hoa đang nắm 2 vị trí cao nhất tại Sabeco gồm: Ông Koh Poh Tiong (quốc tịch Singapore, gốc Hoa) giữ chức vụ Chủ tịch HĐQT Sabeco kể từ tháng 7/2018 và ông Neo Gim Siong Bennett, người của tỷ phú Thái Charoen Sirivadhanabhakdi, đảm nhiệm vị trí CEO.
Tỷ phú giàu nhất Thái Lan Charoen Sirivadhanabhakdi là người chịu thiệt hại trực tiếp và rõ nhất vì giá cổ phiếu Sabeco giảm mạnh trong hai năm gần đây. Theo đó, vốn hóa khoản đầu tư vào Sabeco của tỷ phú Thái đã giảm khoảng 2 tỷ USD tính đến thời điểm hiện tại.
Gần đây, ThaiBev cũng phủ nhận thông tin bán cổ phần mảng kinh doanh bia tại Việt Nam (Sabeco) cho đối tác khác.