Ứng dụng công nghệ số là tất yếu
Phát biểu tại buổi gặp gỡ báo chí công bố chương trình “Bình chọn và công nhận danh hiệu Sao VIDA 2020” do Hiệp hội Nông nghiệp số Việt Nam (VIDA) tổ chức sáng 15/10, ông Trương Gia Bình đánh giá, nhân vật trung tâm của nông nghiệp Việt Nam sẽ dần dịch chuyển sang các doanh nghiệp.
Đây là đối tượng có thể huy động vốn, tổ chức sản xuất tạo công ăn việc làm cho người nông dân, đồng thời đem khoa học công nghệ vào sản xuất nông nghiệp, đem sản phẩm nông nghiệp ra thế giới.
Đồng tình với quan điểm của ông Bình, chia sẻ thêm về vai trò của công nghệ số và việc ứng dụng công nghệ số hiện nay vào lĩnh vực nông nghiệp, bà Ninh Thị Ty, Phó Chủ tịch VIDA, Chủ tịch Tập đoàn Hồ Gươm cho biết, cách đây 10 năm, ngành nông nghiệp đặt mục tiêu phấn đấu đạt doanh thu 50 triệu đông/ha, giờ có nhiều hecta thu được cả tỷ đồng/năm.
Điều đó chứng tỏ người nông dân, doanh nghiệp đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, coi đó là một xu hướng tất yếu. Ví dụ như, với sản phẩm nấm cao cấp, các doanh nghiệp làm nấm cũng áp dụng công nghệ số; hay trồng cây ăn quả lâu năm cũng phải theo dõi, áp dụng hoàn toàn công nghệ số…
"Nếu không áp dụng công nghệ số thì không thể đạt được giá thành cạnh tranh cho cả thị trường nội địa và xuất khẩu, chất lượng cũng không ổn định…", bà Ty nói.
Từ góc độ bộ, ngành, bà Nguyễn Thị Thanh Thủy, Vụ trưởng Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường (Bộ NN&PTNT) đánh giá, việc ứng dụng công nghệ là tất yếu. Đó là công cụ để cải thiện năng suất chất lượng và giá trị gia tăng. Sản phẩm nông nghiệp không còn con đường nào đi khác ngoài khoa học công nghệ. Bộ NNPTNT xác định đây là then chốt, doanh nghiệp đóng vai trò là "hạt nhân".
"Việc số hóa ngành nông nghiệp là một trong những chủ trương của Chính phủ những năm gần đây, đặc biệt là thời gian tới khi Việt Nam ký kết, thực thi nhiều hiệp định thương mại tự do… Việc truy xuất nguồn gốc, xây dựng thương hiệu… với sản phẩm nông nghiệp Việt là tất yếu. Muốn làm được điều này, vai trò của công nghệ rất quan trọng" - bà Thủy nói.
Cũng theo bà Thủy, ngày 13/10, Diễn đàn Nông dân Quốc gia lần thứ 5 do Hội Nông dân Việt Nam chủ trì, giao báo Nông thôn Ngày nay/Dân Việt tổ chức đã khẳng định tầm quan trọng của công nghệ trong sản xuất nông nghiệp, nhu cầu ứng dụng công nghệ của nông dân để nâng cao chất lượng sản phẩm ngày càng lớn.
Chọn điển hình tạo lan tỏa
Năm 2020 là lần đầu tiên VIDA tổ chức chương trình “Bình chọn và công nhận danh hiệu Sao VIDA 2020”. Ông Trương Gia Bình nhấn mạnh, thúc đẩy ứng dụng công nghệ cao, công nghệ số vào nông nghiệp là mục tiêu của chương trình.
Ngoài tôn vinh, chương trình nhấn mạnh vào sự là sự kết nối. Kinh nghiệm cho thấy, sự kết nối còn quan trọng hơn sự tôn vinh. Khi có có kết nối giữa nhà khoa học, nhà làm chính sách, nhà kinh doanh, đơn vị thương mại, các kiến thức sẽ được chia sẻ, đẩy trình độ công nghệ ngày càng cao, giúp nhau vượt khó, cùng giải quyết vấn đề.
"Từng bước chúng ta sẽ xây dựng thương hiệu cho ngành nông nghiệp, cho sản phẩm nông nghiệp Việt Nam. Đó là những kỳ vọng chúng tôi đặt ra cho giải thưởng VIDA năm 2020" - ông Trương Gia Bình nói.
Nhắc tới ứng dụng công nghệ số trong sản xuất nông nghiệp, ông Trương Gia Bình chia sẻ thêm về câu chuyện của “vua tôm” Minh Phú. Hiện nay, Tập đoàn Minh Phú đang chiếm 10% thị phần tôm thế giới và phấn đấu 10 năm tới sẽ nâng con số này lên 25%.
Nhờ ứng dụng công nghệ, Minh Phú có thể dự đoán được sản phẩm tôm trong tương lai. Điều này rất quan trọng để Minh Phú ký được hợp đồng xuất khẩu trước khi thu hoạch tôm.
Thứ hai là tôm Việt Nam xuất khẩu nhiều nhưng chưa có thương hiệu, làm thế nào để xây dựng được thương hiệu tôm Việt, minh bạch thông tin từ khi tôm nở ra đến khi sản phẩm tôm đến người tiêu dùng. Thứ ba là phải hoàn thiện toàn bộ quy trình sản xuất.
“Chúng tôi hy vọng trong 3 năm tới có thể có doanh nghiệp số nông nghiệp vào loại đầu tiên thế giới, bao gồm từ nuôi, sản xuất, chế biến, vận tải và đến tay người tiêu dùng” - ông Trương Gia Bình nói.
Theo bà Thủy, việc bình chọn Sao VIDA mang ý nghĩa thiết thực trong bối cảnh hiện nay.
"Thông qua giải thưởng của hội, vinh danh những tấm gương triển khai tốt, số hóa trong ngành nông nghiệp sẽ là hình mẫu để lan tỏa, làm sao để Việt Nam có một hệ thống sản phẩm, nhóm sản phẩm nông nghiệp đưa ra thị trường quốc tế với con đường công khai, minh bạch, rõ ràng về nguồn gốc xuất xứ” - bà Thủy nhấn mạnh.
Chương trình "Bình chọn và công nhận danh hiệu Sao VIDA 2020"áp dụng với các đối tượng là các doanh nghiệp, cá nhân là hội viên của VIDA.
Các hạng mục của danh hiệu gồm: Doanh nghiệp nông nghiệp số tiêu biểu của năm dành cho các doanh nghiệp chuyển đổi số thành công với mô hình quản trị, sản xuất, kinh doanh ứng dụng công nghệ số hóa;
Danh hiệu dành cho cá nhân có đóng góp xuất sắc cho sự nghiệp phát triển nền nông nghiệp Việt Nam và có cống hiến cho mục tiêu số hóa nền nông nghiệp;
Sản phẩm nông nghiệp số tiêu biểu của năm dành cho các sản phẩm nông, lâm, thủy hải sản và chăn nuôi chất lượng cao, đạt tiêu chuẩn xuất khẩu và có sử dụng công nghệ số hóa trong quá trình sản xuất;
Giải pháp, dịch vụ nông nghiệp số tiêu biểu của năm dành cho giải pháp, dịch vụ, có ứng dụng công nghệ mới (blockchain, AI,…) của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, mang lại hiệu quả cao trong lĩnh vực nông nghiệp.
Thời gian nhận hồ sơ tham dự: Từ ngày 1/10 đến hết ngày 31/10/2020. Dự kiến trao danh hiệu cho tổ chức, cá nhân vào tháng 11/2020.