Nông dân "lên đời" từ tổ hợp tác
Nói về các mô hình HTX Nông nghiệp điển hình ở Hiệp Hòa, không thể không nhắc đến là HTX Nông nghiệp Đồng Tâm 3 (xã Thường Thắng) với quy mô 8.000m2 nhà màng, nhà lưới, rau cao cấp các loại. Được thành lập từ năm 2017, đến nay, HTX đang có gần 60 hộ thành viên.
Giám đốc HTX là ông Nguyễn Văn Nghiệp, một cựu chiến binh chia sẻ: Ngay từ buổi đầu bắt tay gây dựng, ông đã suy nghĩ, nhà nông thời nay muốn làm giàu phải thay đổi tập quán canh tác, đầu tư chất xám, đặc biệt phải biết ứng dụng công nghệ hiện đại… Ông bắt đầu vận động bà con trong thôn góp đất, góp vốn hình thành tổ hợp tác sản xuất rau quả sạch.
Khi ấy chỉ khoảng hơn 10 hộ tham gia, mà chủ yếu là họ hàng thân thích. Những vụ đầu, tuy năng suất chưa cao nhưng sản phẩm đảm bảo được tiêu chuẩn sạch, có đầu ra nên tổ hợp tác được nhanh chóng "nâng cấp" thành HTX.
Ông Nguyễn Văn Hiệp cho biết: Gạo sạch, rau quả sạch của HTX có bao bì quy chuẩn, có tem truy xuất nguồn gốc, không chỉ có mặt tại nhiều siêu thị ở Bắc Giang, Hà Nội, Hải Phòng, TP Hồ Chí Minh mà còn xuất khẩu. Đến nay, HTX đang thực hiện hợp đồng với một công ty của Nhật Bản, sản xuất 9 loại xà lách theo công nghệ BLOF.
Theo ông Nghiệp, sản xuất hiện đại giúp HTX đảm bảo năng suất, chất lượng, nâng cao sức cạnh tranh, gia tăng hiệu quả kinh tế. Đặc biệt là nhờ chú trọng các yếu tố về môi trường, giúp HTX giảm thiểu thoái hóa nguồn đất, nguồn nước, không khí, qua đó nâng cao sức khỏe con người, hướng đến sản xuất bền vững.
Hợp tác xã Nông nghiệp chất lượng cao Anh Thư (thôn Hoàng Lại, xã Thanh Vân) cũng là một trong những HTX đầu tư có bài bản với quy mô 5.000m2 trồng nho, 2.050m2 trồng rau các loại. Năm 2017, HTX Nông nghiệp Anh Thư được UBND huyện hỗ trợ 50 triệu đồng để làm nhà màng.
Đến nay, mô hình sản xuất nông nghiệp nhà màng của HTX phát huy hiệu quả, theo đó, trung bình mỗi ngày HTX ký với các đối tác cung ứng khoảng 1 tấn rau, củ, quả, thu lợi nhuận gần 1 tỷ đồng/năm.
Được biết, hiện nay huyện Hiệp Hòa đã xây dựng được 23 mô hình nhà màng ứng dụng công nghệ cao quy mô 2.000-3.500m2/nhà, mở rộng diện tích sản xuất rau toàn theo tiêu chuẩn VietGAP quy mô 5ha trở lên, tập trung tại các xã Đoan Bái, Mai Đình, Danh Thắng, Ngọc Sơn, Bắc Lý… Các mô hình đều cho thu nhập cao hơn sản xuất theo quy trình thông thường từ 20-30%.
Đẩy mạnh ứng dụng, chuyển giao công nghệ cao
Thực hiện Nghị quyết số 130-NQ/TU ngày 13 tháng 8 năm 2016 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bắc Giang về đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp, huyện Hiệp Hòa có thuận lợi cơ bản là gần các thị trường tiêu thụ nông sản lớn như Hà Nội, Bắc Ninh, Thái Nguyên, Vĩnh Phúc. Địa phương có những hộ dân có điều kiện, đam mê sản xuất nông nghiệp.
Tuy nhiên, sản xuất nông nghiệp công nghệ cao đòi hỏi người sản xuất chuyển mạnh về tư duy, có vốn lớn, kiến thức về khoa học, công nghệ và hạch toán kinh tế.
Xuất phát từ thực tế đó, Ban Thường vụ Huyện ủy Hiệp Hòa đã ban hành Kế hoạch 33-KH/HU ngày 24 tháng 11 năm 2016 thực hiện Nghị quyết của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, đồng thời có Nghị quyết về việc hỗ trợ sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, dồn điền đổi thửa xây dựng cánh đồng mẫu lớn.
Thời gian qua, cấp ủy Đảng, chính quyền và các đoàn thể trong huyện đã tập trung đẩy mạnh công tác quán triệt, tuyên truyền, phổ biến để cán bộ, người dân, doanh nghiệp hiểu được chủ trương, định hướng và tiếp cận các chính sách về ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp. Phong trào thi đua phát triển sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn phong trào "Hiệp Hòa chung sức xây dựng nông thôn mới".
Đến nay, các mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao ở Hiệp Hòa được quy hoạch theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Đó là: Vùng sản xuất rau cần xã Hoàng Lương với quy mô 200ha; Vùng sản xuất giống lúa chất lượng cao quy mô 200ha tại xã Châu Minh, Lương Phong, Danh Thắng; Vùng sản xuất nếp cái hoa vàng quy mô 300ha tại xã Thái Sơn, Mai Trung, Hoàng Vân, Hoàng An; Vùng sản xuất bưởi quy mô 320ha…
Đồng thời, nhân rộng mô hình chăn nuôi lợn an toàn, hữu cơ tại các xã Đoan Bái, Thường Thắng, Quang Minh, Danh Thắng quy mô trên 10.000 con/lứa; Ứng dụng công nghệ xử lý môi trường, thức ăn, quản lý nguồn gốc giống gà, thụ tinh nhân tạo, ấp nở tập trung tại các xã Danh Thắng, Hùng Sơn, Thường Thắng quy mô 5 triệu gà giống thương phẩm/năm…
Theo đó, các nhà lưới, nhà màng có quy mô từ 2.000-3.000m2 được áp dụng hệ thống tưới phun sương, tưới nhỏ giọt... Theo đánh giá của phòng Nông nghiệp huyện, giá trị kinh tế từ các mô hình đạt bình quân 2,1 tỷ đồng/ha.
Cùng với việc mở rộng quy mô sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, huyện đã chỉ đạo xây dựng và nhân rộng được nhiều mô hình liên kết đầu ra với các công ty, tập đoàn lớn như: Tập đoàn ORION sản xuất, chế biến khoai tây, Công ty GOC sản xuất tiêu thụ dưa chuột, Công ty may Hà Phong, Công ty Samsung Thái Nguyên... tiêu thụ các loại rau ăn lá...
Năm 2020, Hiệp Hòa đang tập trung hoàn thành thêm 8 mô hình công nghệ cao sản xuất dưa lưới, rau tại các xã: Hoàng Lương, Danh Thắng, Châu Minh, Hương Lâm, Bắc Lý; tăng 20ha rau cần theo tiêu chuẩn VietGAP ở xã Hoàng Lương, nâng diện tích đạt tiêu chuẩn VietGAP 120ha; triển khai liên kết sản xuất cây khoai tây Alatic 100ha, cây ngô ngọt 100ha, lạc giống 200ha; dưa chuột, dưa bao tử 50ha, sản xuất rau an toàn 25ha. Phấn đấu 100% sản phẩm nông nghiệp đưa ra thị trường được sản xuất theo hướng VietGAP.
Nhằm tăng hiệu quả từ các mô hình sản xuất áp dụng công nghệ cao, hiện nay huyện Hiệp Hòa tiếp tục tuyên truyền, vận động người dân tích tụ ruộng đất tạo điều kiện cho doanh nghiệp đầu tư sản xuất. Đồng thời, xây dựng dự án quản lý sản xuất, truy xuất nguồn gốc và xúc tiến thương mại để phát triển vùng tập trung quy mô lớn; thúc đẩy sản xuất nông nghiệp công nghệ cao tại địa phương.