Nhắc đến cây nưa ắt hẳn nhiều người từng nghe tên và biết thông qua bài thơ “Con cá và chột nưa” của nhà thơ Tố Hữu.
Và qua tìm hiểu, được biết loài cây nưa đặc sản này hiện có rất ít địa phương trồng. Đông Sơn là vùng quê mà chúng tôi được biết hiện vẫn đang duy trì trồng loài cây nưa này.
Thời điểm tháng Tám, nhiều hộ dân trồng cây nưa đặc sản ở thôn Đông Sơn tất bật thu hoạch chột nưa để mang đi chợ bán.
Trên cánh đồng ở thôn Đông Sơn phủ kín nhiều tấm ruộng trồng nưa đang lên xanh mướt mắt, nưa trồng thành hàng thẳng tắp, cao lớn, người dân phải chăng dây đỡ những cây nưa lớn cho khỏi oằn…
Nhiều hộ dân thôn Đông Sơn tận dụng ruộng chỉ làm được một vụ lúa để canh tác thêm 1 vụ trồng cây nưa.
Bà Đoàn Thị Tự ở thôn Đông Sơn, xã Hải Sơn, huyện Hải Lăng (tỉnh Quảng Trị) nói: “Chột nưa chính là bẹ của cây nưa. Mỗi cây nưa đặc sản từ khi bắt đầu thu hoạch đến khi nhổ củ thì lấy được tất cả 3 cái chột. Ngày xưa chột nưa thường là thức ăn của người nghèo nhưng nay là món ăn ngon của nhiều người. Nếu rành ăn và hợp khẩu vị thì có thể nhiều người nghiện luôn món chột nưa này”.
Bà Tự cho biết, gia đình bà hiện đang trồng 2 sào cây nưa lấy chột nưa bán, bình quân mỗi sào trồng khoảng 4.000 cây nưa.
“Tính ra mỗi sào tôi bón hết khoảng 1 tấn phân chuồng, vì thế cây nưa gia đình tôi thường cao lớn từ 1,5-2 m, chột nưa rất to, có nhiều cái chột nưa nặng hơn cả cân. Trồng cây nưa ngoài nhiều phân xanh thì cần làm cỏ 3 đợt, đắp đất lên luống mấy lần. Tính ra mỗi sào trồng cây nưa cho thu nhập khoảng 10-15 triệu đồng/vụ, cao hơn khá nhiều so với trồng lúa”, bà Tự nói thêm.
Nưa là một loại thực vật trồng ở những nơi ẩm thấp, gần gũi với cây môn và cây bạc hà nhưng lá rất giống lá đu đủ. Cây nưa được trồng chủ yếu từ tỉnh Nghệ An vào đến tỉnh Thừa Thiên-Huế. Người dân thôn Đông Sơn, xã Hải Sơn, huyện Hải Lăng (tỉnh Quảng Trị) thường trồng đặc sản cây nưa vào tháng Tư hằng năm ngay sau khi thu hoạch xong vụ lúa đông xuân, đến tháng Bảy, tháng Tám thì nhổ nưa..
Cây nưa thuộc họ cây môn (khoai nước, khoai sọ và cây bạc hà nước - dọc mùng), chột nưa là phần thân ăn được và rất ngon.
Bên cạnh ruộng bà Tự, bà Lê Thị Miên cũng cần mẫn thu hoạch chột nưa để đưa ra chợ Mỹ Chánh bán. Bà cho biết, cây nưa là cây trồng có từ đời ông bà để lại. Loại cây trồng này đã giúp dân làng vượt qua biết bao cơn đói khổ, từ trong chiến tranh cho đến sau những năm đầu giải phóng.
Theo các bà cho biết, chột nưa nấu ngon nhất với cá đồng, đó có thể là cá lóc, cá vụn…hoặc kho lạt, nấu canh. Chột nưa trước khi nấu được cạo sạch vỏ bên ngoài, sau đó đập dập sơ qua rồi cắt khúc dày vài centimet. Lúc nấu chột nưa cho thêm lá lốt, sả cắt nhỏ thì càng đậm vị. Ngoài ăn tươi chột nưa non, chột nưa già có thể được làm dưa muối chua để ăn dần, nhất là vào mùa đông...
Gia đình bà Miên trồng 1 sào nưa, mỗi năm trừ chi phí cũng cho khoản thu nhập khoảng 10 triệu đồng từ chột nưa.
Cây nưa hầu như không bỏ thứ gì cả. Khi thu hoạch chột nưa, lá được bứt cho lợn ăn, củ nưa ngoài chọn những củ to làm giống thì số còn lại làm thực phẩm hoặc bán cho các nơi sản xuất bánh kẹo…
"Cây nưa chúng tôi thu hoạch thường có tư thương đặt trước thu mua để đưa đi các nơi trong và ngoài tỉnh Quảng Trị bán. Hoặc có khi chúng tôi trực tiếp đưa chột nưa, củ nưa ra bán ở chợ Mỹ Chánh”, bà Miên cho hay.
Theo anh Lê Thanh Thắng, Tổ trưởng Tổ hợp tác thôn Đông Sơn, xã Hải Sơn, huyện Hải Lăng (tỉnh Quảng Trị), hiện thôn có khoảng 10 hộ trồng đặc sản cây nưa với tổng diện tích khoảng gần 1 ha. Đa số các hộ đều tận dụng ruộng sản xuất 1 vụ lúa để trồng cây nưa nhằm tăng thu nhập.
“Trước đây, chột nưa được tư thương ở Huế ra thu mua rất nhiều nên diện tích trồng nưa của người dân lớn hơn. Nhưng nay số tư thương này ít thu mua vì thế diện tích trồng cây nưa đã giảm xuống. Dù sao thì cây nưa được xem là cây trồng truyền thống của địa phương vẫn được duy trì tốt, tạo thu nhập thêm cho nhiều hộ nông dân...", anh Lê Thanh Thắng nói.
"Người dân thôn Đông Sơn, xã Hải Sơn, huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị đã có nhiều kinh nghiệm và thuần thục trong việc canh tác cây nưa nên cho năng suất, sản lượng rất tốt. Vì vậy nếu có đầu ra ổn định với số lượng lớn hơn thì chắc chắn người dân địa phương sẽ mở rộng diện tích”.
Anh Lê Thanh Thắng, Tổ trưởng Tổ hợp tác thôn Đông Sơn, xã Hải Sơn, huyện Hải Lăng (tỉnh Quảng Trị).