Dân Việt

Học viện Nông nghiệp Việt Nam: 90% sinh viên ra trường có việc làm sau 1 năm

Khánh Nguyên 18/10/2020 19:00 GMT+7
Theo GS.TS Nguyễn Thị Lan, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam, năm học 2020 - 2021, Học viện sẽ dành nhiều ưu tiên cho công tác nghiên cứu khoa học, ươm tạo công nghệ.

Học viện Nông nghiệp Việt Nam có 82 mô hình khoa học công nghệ

Phát biểu tại Lễ khai giảng năm học 2020 - 2012, Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam Nguyễn Thị Lan nhấn mạnh, năm học 2019-2020, Học viện quyết tâm chỉ đạo, công tác đào tạo, xây dựng và triển khai đề án nâng cao chất lượng đào tạo, nâng cao kỹ năng thực hành, thực tập cho sinh viên.

Học viện không ngừng hoàn thiện chuẩn đầu ra của riêng sinh viên Học viện, sinh viên của Học viện Nông nghiệp Việt Nam không chỉ giỏi về chuyên môn, ngoại ngữ mà còn giỏi về kỹ năng mềm, kỹ năng giải quyết vấn đế, kỹ năng phản biện, kỹ năng làm việc nhóm, kỹ năng hội nhập quốc tế…

"Hầu hết sinh viên của Học viện đều xác định đúng đắn động cơ và mục đích học tập, không ngừng phấn đầu rèn luyện vì ngày mai lập nghiệp, 90% sinh viên của Học viện có việc làm sau 1 năm tốt nghiệp" - GS.TS Nguyễn Thị Lan cho biết.

Học viện Nông nghiệp Việt Nam: 90% sinh viên ra trường có việc làm sau 1 năm - Ảnh 1.

GS.TS Nguyễn Thị Lan, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam phát biểu tại Lễ khai giảng năm học 2020 - 2021.

Được biết, năm 2020, Học viện Nông nghiệp  tuyển sinh và đào tạo 48 ngành đào tạo trình độ đại học, 22 ngành đào tạo trình độ thạc sĩ và 18 ngành đào tạo trình độ tiến sĩ, trong đó có nhiều ngành truyền thống giữ vị trí tiên phong như Thú y, Công nghệ sinh học, Công nghệ thực phẩm, Công nghệ thông tin, Quản trị kinh doanh, Kế toán,...

Có nhiều ngành mới mở đáp ứng kịp thời nhu cầu nguồn nhân lực chất lượng cao như Công nghệ kỹ thuật cơ điện tử, Công nghệ kỹ thuật ô tô, Nông nghiệp công nghệ cao, Quản lý và phát triển du lịch...

 Trong bối cảnh đại dịch Covid-19, công tác tuyển sinh Đại học gặp nhiều khó khăn, tuy nhiên Học viện vẫn tuyển được gần 5.000 sinh viên hệ chính quy khóa 65.

Cũng theo Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam, trong năm vừa qua, Học viện chú trọng đổi mới công tác quản lý khoa học; đưa ra các giải pháp khuyến khích và thúc đẩy nghiên cứu ứng dụng, tạo ra các sản phẩm công nghệ đáp ứng nhu cầu xã hội. Hiện, Học viện có 82 mô hình khoa học và công nghệ. Học viện đã quản lý và thực hiện 263 đề tài/dự án khoa học công nghệ các cấp.

Năm học 2019 - 2020, Học viện đã tổ chức thành công 05 hội thảo, hội nghị quốc tế; 10 hội thảo quốc gia và trên 65 hội thảo cấp Học viện; đã thành lập và đưa vào vận hành 01 bệnh viện thú y và 01 bệnh viện cây trồng.

Trong năm học 2019 - 2020, Học viện đã quản lý, triển khai 21 hợp đồng hợp tác nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ với nhiều doanh nghiệp trong nước như: Tập đoàn Orion Hàn Quốc, Công ty Marphavet, công ty RTD, công ty cổ phần Công nghệ và Dược phẩm quốc tế (ITP Pharma), Công ty CP Thực phẩm XK Đồng Giao.

Học viện Nông nghiệp Việt Nam: 90% sinh viên ra trường có việc làm sau 1 năm - Ảnh 2.

GS.TS Nguyễn Thị Lan, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam trao tặng Giấy khen cho các thủ khoa K65.

Triển khai 27 nhiệm vụ khoa học công nghệ tại các địa phương với các đề án tổng thể phát triển nông nghiệp ở các tỉnh, thành như Hà Nội, Bắc Giang, Hưng Yên, Hải Dương, Sơn La, Quảng Trị, Điện Biên, Tuyên Quang, Ninh Thuận…

Nâng cao chất lượng nghiên cứu khoa học

Theo GS.TS Nguyễn Thị Lan, năm học mới 2020 – 2021, Ban Giám đốc Học viện đã đề cao phương châm "Đoàn kết, đổi mới, hội nhập, phát triển" và tiếp tục coi nhiệm vụ chính trị then chốt của năm học này là tiếp tục nâng cao chất lượng đào tạo; nâng cao chất lượng nghiên cứu khoa học; mở rộng hợp tác quốc tế.

Theo đó, Học viện tiếp tục tăng cường công tác giáo dục chính trị tư tưởng, đạo đức nghề nghiệp cho cán bộ viên chức và sinh viên. 

Tiếp tục hiện đại hóa cơ sở vật chất của Học viện, tập trung cao độ để triển khai có hiệu quả "Dự án tăng cường năng lực đào tạo, nghiên cứu khoa học của Học viện" do Ngân hàng Thế giới tài trợ. 

Tập trung nâng cấp các cơ sở thực hành, thực tập cho sinh viên, hiện đại hóa các phòng thí nghiệm để có các sản phẩm KHCN uy tín, chất lượng có thể thương mại hóa.

Tiếp tục nâng cao chất lượng đào tạo đáp ứng yêu cầu mới của đất nước, tăng thời gian thực hành và rèn kỹ năng cho sinh viên, nâng cao năng lực ngoại ngữ, kỹ năng mềm cho sinh viên. 

Phối hợp chặt chẽ với doanh nghiệp, cơ sở sản xuất để đưa sinh viên về thực tập, rèn nghề, nâng cao tay nghề, thực hành nghề nghiệp. Tăng cường liên kết đào tạo với các cơ sở trong và ngoài nước, đa dạng hóa các loại hình đào tạo để phục vụ xã hội và phục vụ đề án tái cơ cấu của ngành nông nghiệp.

Trong nghiên cứu khoa học, huy động và tổ chức tốt lực lượng khoa học công nghệ của Học viện để đấu thầu các đề tài cấp nhà nước, cấp bộ, các đề tài cấp tỉnh. 

Phát triển các nhóm nghiên cứu mạnh, liên ngành, tập trung để giải quyết thành công một số vấn đề cụ thể về chọn tạo giống cây trồng, vật nuôi, các giải pháp kỹ thuật và công nghệ trong sản xuất nông nghiệp theo đơn đặt hàng và nhu cầu xã hội. 

Thực hiện sử dụng có hiệu quả trang thiết bị hiện có phục vụ đào tạo và nghiên cứu khoa học. Tranh thủ nhiều nguồn vốn để đầu tư hiện đại hoá các phòng thí nghiệm, cơ sở hạ tầng, nhất là các nguồn vốn quốc tế. Thống nhất các nguồn thu, phân phối các nguồn thu một cách hợp lý, khuyến khích các đơn vị và cá nhân tham gia làm tăng các nguồn thu, chi tiêu hợp lý, minh bạch và có hiệu quả.