Với chu kỳ nuôi chỉ hơn 1 tháng là có thể xuất chuồng, mỗi năm ông Thành xuất bán khoảng 20.000 con rồi gây lại lứa mới.
Nguồn phân thải từ trại nuôi chim cút lại được ông Thành tận dụng để bón cho vườn ca cao. "Phân chim cút rất phù hợp với cây ca cao. Không cần nhiều, cứ mỗi tháng bón 1kg phân chim cút đã ủ hoai mục đủ giúp cây ca cao phát triển khỏe mạnh" - ông Thành cho hay.
Trái ca cao lại được công ty cam kết thu mua theo hợp đồng nên nông dân không lo lắng đầu ra. Chỉ trên 1ha diện tích nuôi trồng kết hợp, ông Thành thu nhập 200 triệu đồng/năm.
Cũng nhờ đầu ra ổn định, mô hình trồng xen cây ca cao với điều đang được nhiều nông dân trong tỉnh lựa chọn.
Tại xã An Viễn (huyện Trảng Bom), mô hình trồng xen này được HTX Nông nghiệp dịch vụ An Viễn triển khai khá thành công từ năm 2016. Bà Lý Ngọc Mai - thành viên HTX An Viễn cho biết, 1ha ca cao 8 năm tuổi có thể cho lãi khoảng 300 triệu đồng. Còn với những vườn ca cao mới cho trái bói cũng có lãi khoảng 150 triệu đồng/ha.
"Trồng ca cao xen điều có thể lấy ngắn nuôi dài. Nhất là khi giá điều gặp nhiều bấp bênh do dịch Covid-19 thì thu nhập từ trái ca cao cho hiệu quả thấy rõ" - bà Mai nói.
Ông Đường Minh Giang - Giám đốc HTX An Viễn cho biết, đến nay đã có 86 hộ tham gia và thành lập các tổ hợp tác trồng ca cao dưới tán điều, với tổng diện tích 48ha. Mô hình này đang được nhà nước và doanh nghiệp hỗ trợ chi phí nên nông dân có thể giảm 50% tiền điện; 30% hệ thống nước tưới; 50 % cây giống và 20% phân bón.
Được biết, HTX An Viễn đang bao tiêu sản phẩm cho nông dân với giá 6.000 đồng/kg trái tươi.
Ông Từ Đức Bình - Phó Chủ tịch Hội Nông dân huyện Trảng Bom cho hay, việc đa dạng hóa cây trồng, vật nuôi tránh dội chợ; sản xuất đảm bảo điều kiện môi trường và bao tiêu đầu ra ổn định đang được ngành nông nghiệp Đồng Nai khuyến khích.