Dân Việt

Nỗi niềm của nữ dân quân “khỏe nhất Việt Nam”

Lưu Văn Bính 20/10/2020 10:43 GMT+7
Câu chuyện nữ dân quân Ngô Thị Tuyển vác trên vai hai hòm đạn nặng 98kg chạy qua bờ đê để kịp thời cung cấp cho bộ đội bắn máy bay Mỹ vào thời điểm địch đánh phá ác liệt miền Bắc năm 1965 đã nổi tiếng thế giới.

55 năm trôi qua, ngày cuối tháng 9/2020, tôi tìm gặp người nữ dân quân năm ấy với mong muốn trực tiếp nghe bà kể về những năm tháng chiến đấu gian khổ, hy sinh nhưng rất đáng tự hào...

Cuộc gặp gỡ bất ngờ...

Dò hỏi mãi, tôi mới tìm được ngôi nhà ngay mặt phố Trường Thi (TP. Thanh Hóa), nơi Anh hùng lực lượng Vũ trang Nhân dân (AHLLVTND) Ngô Thị Tuyển đang ở. Thú thật, đến thăm nhà bà mà tôi không hề báo trước, chỉ nghe bạn bè nói bà Tuyển hình như ở phường Nam Ngạn hay phường Trường Thi gì đó, lại có người nói bà chuyển ra sống ở Hà Nội lâu rồi. Mặc kệ, ở đâu tôi cũng tìm. Tìm Hà Nội không thấy, tôi lại về Nam Ngạn rồi về Trường Thi. Cuối cùng cũng tìm được.

Đến nơi, nhà bà Tuyển không có chuông, loay hoay mãi, tôi đánh liều đập cửa gọi: "Bác Tuyển ơi!".

Khoảng 5 phút sau, một phụ nữ trông khá lớn tuổi, người nhỏ nhắn ra mở cửa hỏi: "Chú hỏi ai?". "Dạ em muốn gặp anh hùng Ngô Thị Tuyển", tôi đáp lời. Bà bảo: "Tôi Tuyển đây, mời chú vào nhà!".

Nỗi niềm của nữ dân quân “khỏe nhất Việt Nam”  - Ảnh 1.

Anh hùng Ngô Thị Tuyển.

Bà Ngô Thị Tuyển sinh năm 1946, quê xóm Khoáng, Tiểu khu Nam Ngạn, Hàm Rồng, TP.Thanh Hóa. Bà về hưu năm 2000 với quân hàm trung tá. Bà Tuyển được Nhà nước phong danh hiệu AHLLVTND ngày 1/1/1967. Bà 2 lần được nhận Huân chương Chiến công hạng Ba và 6 bằng khen.

Biết tôi từ xa đến chỉ với mong muốn gặp và trò chuyện với bà, bà vui vẻ mời nước và trò chuyện. Bà chỉ lên bức tranh bằng đồng có hình bà vác đạn và bộ đội trên mâm pháo nói: "Tỉnh Thanh Hóa vừa mang đến tặng tôi đấy!".

Tiếp đến là những bức ảnh ghi lại lần đầu tiên gặp Bác Hồ trong Đại hội Anh hùng, chiến sĩ thi đua toàn quốc năm 1966, đặc biệt là bức ảnh bà cùng một số nữ anh hùng vinh dự túc trực bên thi hài Bác khi Bác vừa qua đời, tháng 9/1969; ảnh gặp Đại tướng Võ Nguyên Giáp và các đồng chí lãnh đạo Đảng và nhà nước, trong đó có bức ảnh bà với đồng chí Nguyễn Phú Trọng khi đang là Chủ tịch Quốc hội; ảnh khi bà còn trẻ... Thấy tôi chăm chú nhìn bức hình bà vác hai hòm đạn, bà bảo đó là kỷ niệm không thể nào quên về một trận đánh máy bay Mỹ tại cầu Hàm Rồng. Đó cũng là trận đánh đầu tiên mà cô dân quân thuộc tiểu khu Nam Ngạn, thị xã Thanh Hóa, Ngô Thị Tuyển đã vác một lúc hai hòm đạn trên vai có trọng lượng 98kg (mỗi hòm đạn dài 92cm; rộng 36cm; cao 18,3cm, nặng 49kg) phục vụ chiến đấu. Bà còn nhớ đó là ngày 4/4/1965, thời điểm đó bà có dáng người nhỏ bé, chỉ cao 1,4m, nặng 42kg. Chiến công xuất sắc đó đã góp phần bắn rơi máy bay Mỹ ngay trong trận đầu.

Nỗi niềm của nữ dân quân “khỏe nhất Việt Nam”  - Ảnh 3.

Nữ dân quân Ngô Thị Tuyển. Ảnh TTXVN

Như mọi người đều biết đầu năm 1965, đế quốc Mỹ trút bom ồ ạt xuống miền Bắc nước ta nhằm phá hoại ta về mọi mặt. Thanh Hóa là một trong những tỉnh chịu nhiều bom đạn nhất bởi đây là một trong những huyết mạch giao thông quan trọng để vận chuyển vũ khí, lương thực, thực phẩm, thuốc men từ miền Bắc chi viện cho chiến trường miền Nam.

Bà Tuyển nhớ lại, khi đó 2 hòm đạn đai sắt móc chặt vào nhau, mọi người dùng thuổng bật ra để vác lẻ nhưng chưa được. Vì sợ chậm trễ ảnh hưởng đến chiến đấu, bà đã ghé vai vác luôn 2 hòm vượt qua đê, chuyển ra bờ sông kịp thời cho bộ đội chiến đấu.

Người anh hùng với nỗi đau chẳng muốn tỏ cùng ai

Năm 2000, bà Tuyển về hưu với quân hàm trung tá. Hiện tại, bà đang sống cùng chồng là ông Nguyễn Văn Nụ (85 tuổi, là Đại tá quân đội về hưu). Đời sống vật chất của ông bà cũng khá ổn định bởi lương hưu cao, thi thoảng bà lại san sẻ một phần tặng học bổng cho một số học sinh nghèo vượt khó, học giỏi, mỗi dịp bà được mời đến trường học nói chuyện truyền thống cho học sinh.

Về chuyện buồn thì bà rất ít tâm sự cùng ai, chắc tôi là trường hợp "đặc biệt". Bà nhỏ nhẹ kể: "Anh Bùi Xuân Thu, người Hà Nam (chồng trước của bà - PV) là mối tình đầu của tôi. Chúng tôi cưới nhau vào ngày 28 tháng Chạp năm 1966 thì đến ngày mồng 2 Tết anh nhận lệnh sang Lào chiến đấu. Năm 1968, anh Thu đóng quân ở Xiêng Khoảng, nhân có đoàn công tác của Trung ương sang Lào nên tôi được đi cùng để gặp chồng. Cuộc gặp ngắn ngủi có 3 ngày đó để rồi biền biệt 10 năm trời cho đến khi biết tin anh đã hy sinh".

Nỗi niềm của nữ dân quân “khỏe nhất Việt Nam”  - Ảnh 4.

Hình ảnh nữ dân quân Ngô Thị Tuyển vác 2 hòm đạn năm 1965.

Nói là lấy nhau 10 năm nhưng tính ra sống với nhau chỉ vỏn vẹn 8 ngày. Bà Tuyển kể tiếp: "Sau khi anh Thu hy sinh được 10 năm thì tôi mới đi bước nữa với anh Nụ, chồng tôi bây giờ. Hoàn cảnh của anh Nụ lúc đó cũng thương lắm! Vợ mất vì bệnh nặng, anh thì vẫn trong quân ngũ, 2 đứa con anh còn nhỏ sống với ông bà nội ở Hưng Yên. Nhiều lúc tôi cứ nghĩ, chắc hồi mới cưới nhau do không được ở bên nhau nhiều với anh Thu nên chúng tôi không có cơ hội có con với nhau. Cho mãi đến khi xây dựng gia đình mới với anh Nụ mới biết là không phải như vậy. Rồi năm 1988, tôi được sang Hunggary để chữa vô sinh, được Đại sứ quán Việt Nam, tạo điều kiện giúp đỡ, chăm sóc chu đáo, nhiệt tình. Các bác sĩ bạn yêu cầu ở lại 8 tháng để điều trị nhưng do bất đồng ngôn ngữ nên ở được 45 ngày là tôi về nước. Về nước, tôi bàn với chồng xin đứa cháu gái 6 tuổi con của ông anh họ tôi về nuôi, nay cháu đã là trung úy công tác tại Thành đội TP.Thanh Hóa. Cháu đã xây dựng gia đình và đã có con một tuổi, chồng tôi (anh Nụ) cũng có 2 đứa con, một trai, một gái và đã trọn bề gia thất, và anh Nụ cũng đã có chắt rồi đấy!".

Trước khi tạm biệt bà, người anh hùng, người phụ nữ đã một thời "khỏe nhất Việt Nam", một con người giản dị, khiêm nhường, có tấm lòng nhân hậu, tôi mạnh dạn hỏi bà: Một đời chiến đấu, gian khổ hy sinh cho đất nước, cưới chồng được 8 ngày thì chồng đi chiến đấu rồi hy sinh ngoài mặt trận, đi bước nữa cũng không thể có con, bà cảm thấy mình có quá thiệt thòi không?

Không cần thời gian suy nghĩ, bà nói ngay: "Chiến tranh, ai chẳng có đau thương, mất mát. Những ai từng trải qua chiến tranh, từng đối mặt với mưa bom, bão đạn thì đều hiểu về giá trị của sự sống. Được trở về lành lặn không phải bỏ một phần thân thể nào nơi chiến trận, được sống yên bình trong sự đùm bọc yêu thương, chia sẻ của mọi người, trong một đất nước thanh bình, ngày càng phát triển là hạnh phúc lắm rồi còn gì hơn nữa đâu mà so đo, đòi hỏi".