Cụ thể, báo cáo tại Hội nghị, ông Mai Văn Khiêm, Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Quốc gia cho biết, sáng 20/10, áp thấp nhiệt đới phía Đông Philippines đã mạnh lên thành bão (bão Saudel); đêm 20/10 bão đã đi vào biển Đông trở thành cơn bão số 8.
Hồi 04h/21/10, tâm bão số 8 cách quần đảo Hoàng Sa 770km về phía Đông Đông Nam; gió cấp 8, giật cấp 10. Dự báo, bão di chuyển theo hướng Tây, 10-15km/h và có khả năng mạnh thêm.
Theo các cơ quan dự báo quốc tế, bão số 8 có phổ ảnh hưởng lớn, vùng bão có thể di chuyển trong những ngày tới rất rộng.
Do ảnh hưởng của bão số 8, gió mạnh lên biển ngày và đêm nay khu vực Bắc Biển Đông, gió cấp 7 đến cấp 9. Dự báo, bão số 8 khi vào vùng biển các tỉnh khu vực Bắc Trung Bộ, Trung Trung Bộ do gặp không khí lạnh bão sẽ suy yếu. Lượng mưa do bão số 8 gây ra sẽ với khoảng 200-300 mm, hoàn lưu sau bão số 8 sẽ tiếp tục gây mưa nhưng sẽ không lớn như những đợt mưa vừa qua.
"Từ đêm ngày 24 và ngày 25/10, bão số 8 sẽ gây ảnh hưởng trực tiếp đến khu vực bờ biển các khu vực trên. Từ đêm 24, đến ngày 26/10, mưa tiếp tục xảy ra ở các tỉnh miền Trung" - ông Khiêm dự báo.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, việc bão số 8 được dự báo sẽ đổ bộ vào khu vực Bắc Trung Bộ, tiếp tục gây mưa to, trong bối cảnh khu vực này vẫn đang phải chống chọi với mưa lũ lịch sử là hết sức nguy hiểm.
"Mặc dù bão còn cách khá xa nhưng gió đã tác động trên biển. Cùng lúc này là tác động của gió mùa Đông Bắc nên phạm vi ảnh hưởng có thể mở rộng ra cả phía Bắc. Nếu không đảm bảo phương án nguy cơ mất an toàn rất cao" - Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cảnh báo.
Từ nguy cơ đó, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường đề nghị, ngành chức năng, các địa phương phải thông báo toàn bộ tàu thuyền, tránh trường hợp có đến 8 tàu vãng lai bị tai nạn như cơn bão trước.
Đặc biệt, theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, bão số 8 lần này lại hướng thẳng miền Trung, nơi đang phải chịu những tổn thương nặng nề do mưa lũ, chỉ cần một tác động nhỏ cũng để lại hậu quả nặng nề.
Bộ trưởng Bộ NNPTNT cũng đề nghị các địa phương, ngành chức năng lưu tâm đến vấn đề an toàn hồ chứa. "Hiện, 2.600 hồ ở khu vực Bắc Trung Bộ đã đầy nước, vì vậy phải đặt hệ thống hồ thủy điện, thủy lợi trong tầm kiểm soát chặt chẽ, nhất là hồ Kẻ Gỗ, hồ Tả Trạch. Đối với những hồ chứa nhỏ, nếu không vận hành tốt có thể là một thảm họa nên cần đặc biệt lưu tâm" - Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nói.
Phát biểu kết luận hội nghị, Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai - Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng nhấn mạnh, người dân ở khu vực miền Trung đang phải oằn mình chống lũ lụt. Vì vậy, chúng ta phải tập trung vào nhiệm vụ số 1 hiện nay là cứu trợ lương thực, thực phẩm cho người dân vùng lũ lụt, đặc biệt là tỉnh Quảng Bình, Hà Tĩnh.
Đề nghị quân đội sử dụng trực thăng để thả hàng cứu trợ cho đồng bào vùng lũ lụt. Về công tác ứng phó bão số 8 và mưa lũ, nguy cơ sạt lở đất rất dễ xảy ra cần phải đề phòng, cảnh giác.
Để ứng phó với bão số 8, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng chỉ đạo, đối với tàu thuyền cần phải khẩn trương đưa vào nơi trú tránh an toàn. Yêu cầu các địa phương phải xây dựng phương án ứng phó bão, trước hết là phải chú trọng đến phương án tổ chức sơ tán dân khỏi khu vực nguy hiểm, khu vực có nguy cơ ngập lũ, sạt lở đất.
Tổ chức vận hành các hồ đập thủy lợi, thủy điện bảo đảm an toàn, đúng quy trình, chủ động hạ thấp mực nước để đón lũ. Phân công cụ thể, bố trí lực lượng thường trực tại các hồ chứa đã đầy nước, hồ chứa có nguy cơ mất an toàn để kịp thời xử lý khi có tình huống.
Các cơ quan truyền thống tăng cường thời lượng thông tin kịp tới người dân để chủ động ứng phó thiên tai.