Từ một nơi trước là ruộng lúa bỏ hoang, khoảng 4 năm nay tại ấp Bình Đông (xã Tân Bình, huyện Tân Trụ, Long An) mọc lên một trang trại nuôi bò "lực sĩ" lấy thịt. Chủ nhân của trang trại chăn nuôi bò ứng dụng công nghệ cao là bà Tư Hà (Võ Thị Hà).
Trang trại chăn nuôi giống bò lai, giống bò ngoại của tỷ phú nông dân Võ Thị Hà trông khá quy củ với những dãy chuồng thoáng sạch, một sân phơi phân bò tự động, hầm Biogas, ao xử lý nước thải, xe cơ giới…
Bà Tư Hà cho biết, đây là một phần đất trong diện tích 5ha trang trại chăn nuôi bò của cụ. Ngoài chuồng trại, bà Tư Hà còn dành vài ha để trồng cỏ để làm thức ăn xanh cho đàn bò.
Tại đây, bò được nuôi theo quy trình an toàn, bảo đảm các tiêu chuẩn vệ sinh chuồng trại.
Đệm lót sinh học cho đàn bò được làm từ sơ dừa trộn với vi sinh. Sau khoảng 1 tuần sử dụng, đệm lót sinh học sẽ được thải ra làm phân bón và thay vào lớp lót mới.
Chính nhờ nuôi bò sử dụng đệm lót sinh học nên dù đã bước vào trang trại chăn nuôi bò ứng dụng công nghệ cao của bà nông dân tỷ phú Võ Thị Hà, tôi vẫn không cảm giác có mùi phân bò.
Toàn bộ phân và nước thải của đàn bò được dẫn theo đường ống ngầm dưới chuồng ra 2 hầm Biogas cách đó khá xa. Nước thải được xử lý trước khi thải ra môi trường và được dùng để tưới cho cây trồng và cỏ.
Thức ăn chăn nuôi bò là thức ăn sạch, gồm hỗn hợp cỏ, cám, rơm...
"Trại tự chăn nuôi bò tự làm lấy thức ăn cho bò từ các nguyên liệu an toàn. Chúng tôi mong muốn góp phần tạo ra sản lượng bò thịt đạt tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm, đáp ứng nhu cầu thị trường", bà nông dân tỷ phú Tư Hà thổ lộ.
Riêng giống bò, bà Tư mua giống từ một trung tâm nhân giống bò thịt tại TP HCM. Chủ yếu là giống bò siêu thịt BBB (23B), Brahman…
Vào cao điểm, trang trại chăn nuôi bò ứng dụng công nghệ cao của nữ tỷ phú nông dân Võ Thị Hà có khoảng 200 con bò thịt lớn nhỏ và hàng chục bò cái sinh sản.
Bà Tư cho biết, từ đầu năm đến nay trại đã bán 2 đợt bò thịt. Mỗi con bò có trọng lượng khoảng 600kg.
Theo chủ trang trại chăn nuôi bò, trước đây bà chỉ nuôi vài con bò cỏ (giống bò địa phương có vóc dáng nhỏ, chậm lớn) để bán thịt. Thấy chăn nuôi bò cỏ như thế chỉ tổ cực thân và ít lợi nhuận, bà đã chuyển sang nuôi bò lai, bò ngoại có vóc dáng to khỏe, nhanh lớn...
Để hỗ trợ và động viên mẹ, nghe ở đâu có mô hình nuôi bò thịt hay, hiệu quả là anh Hai Vân (con bà Tư) chở bà đến tham quan, học hỏi kinh nghiệm nuôi bò.
"Học được gì hay, tui mang về hướng dẫn lại mấy cháu công nhân chăm sóc đàn bò của trang trại", bà Tư nói.
Nói về dự định tương lai, bà Tư Hà cho biết sẽ tiếp tục mở rộng trang trại chăn nuôi bò ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao.
"Cũng có nhiều người khuyên tui nghỉ ngơi. Tui nghĩ còn sức thì còn làm. Tui làm không phải cho bản thân, mà còn để tạo công ăn việc làm cho đám thanh niên trong ấp. Tui chỉ mong tụi nó có việc làm trên chính mảnh đất quê hương, có thu nhập ổn định để nuôi gia đình", bà Tư bộc bạch.
Chủ tịch UBND xã Tân Bình, huyện Tân Trụ (tỉnh Long An) Nguyễn Ngọc Thanh Phương chia sẻ, trang trại bò thịt của bà Tư Hà là mô hình kinh tế tiêu biểu ở địa phương.
Theo một cán bộ ngành nông nghiệp huyện Tân Trụ, huyện sẽ triển khai rộng mô hình nuôi bò ngoại, nuôi bò lai ứng dụng công nghệ cao của bà Tư Hà trong nông dân.
Nuôi bò thịt nằm trong chương trình trọng điểm "3 cây, một con" (cây lúa, cây thanh long, cây rau và con bò thịt) của tỉnh Long An. Tỉnh đang đẩy mạnh thực hiện chương trình này trên địa bàn thời gian qua.