Dân Việt

Bán dưa lưới lời 1, nhưng bán hạt giống thì lời gấp 5, doanh nghiệp đặt mua luôn

Nguyễn Vy 23/10/2020 20:55 GMT+7
Nông nghiệp công nghệ cao của TP.HCM tập trung vào nghiên cứu giống, đặc biệt là hạt giống cây trồng để nâng cao giá trị sản xuất chứ không làm hàng thương phẩm như các tỉnh khác.

Ông Dương Hoa Xô – Giám đốc Trung tâm Công nghệ sinh học TP.HCM cho biết như thế tại hội thảo phổ biến kiến thức ứng dụng nông nghiệp mới vào sản xuất nông nghiệp công nghệ cao (NNCNC) tổ chức tại TP.HCM, ngày 23/10.

Bán dưa lưới lời 1 tỷ đồng thì bán hạt giống dưa lưới có thể lời 5 tỷ đồng - Ảnh 1.

Sản xuất giống cây trồng ở Công ty nông nghiệp Chính Phong, huyện Củ Chi (TP.HCM)

Theo ông Xô, không phải đối tượng nào trong nông nghiệp cũng ứng dụng công nghệ cao (CNC) mà CNC phải gắn liền các mặt hàng có giá trị cao. Trong NNCNC, TP.HCM tập trung vào công tác giống.

Nghĩa là tỷ trọng CNC trong công tác giống sẽ cao hơn trong sản xuất nông nghiệp nói chung. Như vậy, giá trị sản xuất sẽ cao hơn rất nhiều so làm hàng hóa thương phẩm.

Điều này phù hợp với thực tiễn ở TP.HCM khi có đông đảo các viện trường, trung tâm nghiên cứu để ứng dụng tiến bộ kỹ thuật nhưng lại không có lợi thế về diện tích sản xuất như các tỉnh thành khác.  

Những tiến bộ kỹ thuật này được thực hiện tập trung ở Trung tâm công nghệ sinh học TP.HCM.

Bán dưa lưới lời 1 tỷ đồng thì bán hạt giống dưa lưới có thể lời 5 tỷ đồng - Ảnh 2.

Trồng dưa lưới ở TP.HCM

Đơn cử như các giống dưa lưới của Trung tâm được nghiên cứu sản xuất bằng công nghệ tổ hợp lai. Kết quả, đã có rất nhiều doanh nghiệp ở thành phố đến đặt mua luôn bản quyền giống. Việc này sẽ giúp giảm được chi phí nhập giống khi doanh nghiệp tự sản xuất được nguồn giống ngay tại chỗ.

"Tính sơ bộ, nếu trồng dưa lưới trong nhà màng thu lãi 1 tỷ đồng thì trồng dưa lưới để bán hạt giống có thể lời 5 tỷ đồng", ông Xô nói.

Ngoài ra, việc sử dụng tiến bộ kỹ thuật nghiên cứu giống mới có giá trị, đưa ra cho nông dân áp dụng cũng là nét mới của nông nghiệp TP.HCM khi thực hiện Chương trình Nông thôn mới.

Theo Sở NNPTNT TP.HCM, dù nông nghiệp chỉ chiếm 1% GDP toàn thành phố nhưng ngành này lại đóng vai trò quan trọng trong đời sống của người dân TP.HCM.

Hiện nay, ngành nông nghiệp đang chuyển dịch mạnh theo hướng nông nghiệp đô thị hịên đại, tập trung vào các ngành NNCNC, công nghệ sinh học. Năng suất lao động khu vực nông nghiệp TP.HCM tăng bình quân 21,1%/năm.

Giai đoạn 2010-2019, tình hình ứng dụng NNCNC đã hình thành được nhiều loại hình hiệu qủa. Giá trị sản xuất trồng trọt tăng từ 3.922 tỷ đồng lêb 5.379 tỷ đồng (tăng 6,9%/năm); chăn nuôi tăng từ 6.910  tỷ đồng lên 7.822 tỷ đồng (tăng 7%/năm); thủy sản tăng từ 4.509 tỷ lên 6.354 (tăng 10%/năm).

Bán dưa lưới lời 1 tỷ đồng thì bán hạt giống dưa lưới có thể lời 5 tỷ đồng - Ảnh 3.

Sản xuất giống dưa lưới mang lại hiệu quả cao

Định hướng đến năm 2030, TP.HCM sẽ nâng tỷ trọng ứng dụng CNC chiếm từ 75-85% tổng giá trị sản xuất nông nghiệp thành phố; phấn đấu có 80-90% hộ nông dân và 100% doanh nghiệp tham gia úng dụng các biện pháp kỹ thuật mang tính CNC.

Theo GS TS Nguyễn Văn Phước – Chủ tịch Liên hiệp các Hội khoa học kỹ thuật TP.HCM, thực tế hiện nay cho thấy, tăng trưởng nông nghiệp đang giảm dần và khả năng cạnh tranh của Việt Nam với vai trò là nhà cung cấp hàng hóa còn rời rạc, chưa có nhiều sự khác biệt. Điều này đặt ra cảnh báo khi nông nghiệp đang phải đối mặt với sự cạnh tranh về lao động, đất đai và các nguồn lưc khác.

"Cần thiết phải có sự kết nối lâu dài giữa các nhà khoa học, các đơn vị nghiên cứu đào tạo với doanh nghiệp sản xuất nông nghiệp và nhà nông; góp phần đưa CNC vào phát triển sản xuất nông nghiệp bền vững ở TPHCM cũng như cả nước",  TS. Nguyễn Văn Phước nói.