Dân Việt

Tiết kiệm năng lượng – lợi doanh nghiệp, tốt môi trường

P.V 24/10/2020 08:00 GMT+7
Suốt 10 năm qua, Nhà máy Đạm Cà Mau không ngừng cải tiến và đã đạt được thành công bước đầu đáng phấn khởi trong việc tiết kiệm năng lượng (TKNL), qua đó vừa tiết kiệm hơn 50 tỷ đồng/năm cho công ty vừa góp phần bảo vệ môi trường sống.

Tự thân vận động

Từ thực tế vận hành nhà máy Đạm Cà Mau, đội ngũ kỹ sư nhận thấy nhà máy đang thải xả nguồn khí giàu CO2 và nhiệt trị cao. Họ đặt câu hỏi "Liệu có thể tận dụng nguồn khí này để làm nhiên liệu hay không? Và nếu tận dụng được, thì sẽ mang lại rất nhiều cái "lợi" cho nhiều bên, đó là tận dụng nguồn khí thải ra làm nhiên liệu để sản xuất phân bón, tiết kiệm chi phí đáng kể cho công ty, lại bảo vệ được môi trường".

Để tìm câu trả lời, đội ngũ kỹ sư mạnh dạn nghiên cứu trong thời gian dài, và đã thành công trong việc thu hồi và tinh chế được nguồn khí giàu CO2.

Thành công bước đầu này không những đã giúp tiết giảm chi phí nhiên liệu, làm lợi cho công ty hơn 50 tỷ VND/năm mà còn giúp giảm đáng kể lượng CO2 phát thải ra môi trường. 

Tiết kiệm năng lượng – lợi doanh nghiệp, tốt môi trường - Ảnh 1.

Đoàn công tác Ngân hàng Thế giới (WB) và Bộ Công thương thăm Nhà máy Đạm Cà Mau

Việc Nhà máy Đạm Cà Mau vận dụng khoa học và công nghệ thành công trong việc tiết kiệm năng lượng thực ra không phải mới, bởi tinh thần cải tiến không ngừng, tiên phong trong mọi công việc là kim chỉ nam của Phân Bón Cà Mau trong suốt nhiều năm qua.

Thành quả của quá trình nỗ lực cải tiến không ngừng ấy chính là việc Nhà máy Đạm Cà Mau vinh dự lọt vào Top 10% các nhà máy có công suất cao toàn cầu, không những tiêu hao năng lượng thấp, mà còn tận dụng được nguồn khí thải để sản xuất phân bón, giúp tiết kiệm năng lượng đáng kể.

Chính sách tiếp thêm động lực

Nhiều năm qua, Ngân hàng Thế giới (WB) đã đồng hành cùng Việt Nam trong việc phát triển bền vững ngành năng lượng. Cụ thể là Dự án Tiết kiệm năng lượng cho ngành công nghiệp Việt Nam với nguồn tài trợ khoảng 156 triệu USD xuyên suốt 5 năm 2018 - 2022. Trong đó, Ngân hàng Thế giới cung cấp khoản vay 100 triệu USD cho các doanh nghiệp công nghiệp, các nhà cung cấp dịch vụ năng lượng thực hiện các dự án đầu tư tiết kiệm năng lượng.

Tiết kiệm năng lượng – lợi doanh nghiệp, tốt môi trường - Ảnh 2.

Đại diện của Nhà máy Đạm Cà Mau trình bày dự án tiết kiệm năng lượng với WB và Bộ Công thương

Riêng với Nhà máy Đạm Cà Mau, sau thành công với việc thu hồi và tinh chế 2 nguồn khí là Permeate Gas với lưu lượng dao động từ 84.000 Sm3/ngày và khí Flash gas giàu CO2, với lưu lượng khoảng 45.000 Sm3/ngày, đã trở thành ứng viên sáng giá trong Dự án Tiết kiệm năng lượng cho ngành công nghiệp Việt Nam (Vietnam Energy Efficiency for Industrial Enterprises Project – VEEIE). Đại diện VEEIE sau hội thảo với chủ đề "Chương trình tín dụng cho các doanh nghiệp công nghiệp vay lại để thực hiện các dự án tiết kiệm năng lượng" tổ chức tại TP.HCM giữa tháng 10 vừa qua, đã trực tiếp đến Nhà máy Đạm Cà Mau để khảo sát về dự án của PVCFC cũng như xem xét thêm nhiều dự án hiệu quả khác của PVCFC trong việc tiết kiệm và sử dụng hiệu quả năng lượng, giảm phát thải CO2 ra môi trường.

Tiết kiệm năng lượng – lợi doanh nghiệp, tốt môi trường - Ảnh 3.

Ông Nguyễn Thanh Tùng – Phó tổng giám đốc kiêm Giám đốc Nhà máy Đạm Cà Mau chia sẻ về dự án TKNL

Sau buổi làm việc tại Nhà máy Đạm Cà Mau, đại diện WB chia sẻ: "Việc nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng tại các nhà máy và đơn vị sử dụng năng lượng lớn là rất quan trọng, giúp nâng cao hiệu quả hoạt động cũng như góp phần bảo vệ môi trường, giảm phát thải khí nhà kính".

Những thành công bước đầu trong việc tiết kiệm năng lượng tại nhà máy được Ngân hàng Thế giới đánh giá cao, bởi dự án có ý nghĩa rất lớn về mặt tiết kiệm năng lượng và giảm phát thải môi trường. Cụ thể, sau khi dự án đưa vào hoạt động, có thể giúp tiết kiệm năng lượng hơn 600.000 GJ/năm, và thu hồi hơn 40.000 tấn CO2/năm để phục vụ sản xuất Urea, qua đó giúp giảm tổng phát thải GHG khoảng 80.000 tấn CO2/năm.