Dân Việt

Cổ phiếu ngành phân bón kỳ vọng tiềm năng khi được gỡ nút thắt

Quốc Hải 24/10/2020 18:31 GMT+7
Do yêu cầu cấp bách của việc hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho DN sản xuất phân bón trong bối cảnh dịch Covid-19, mới đây, Bộ Tài chính đã công bố Dự thảo đề xuất Chính phủ trình Quốc hội sửa đổi Luật số 71/2014/QH13 để phân bón từ đối tượng không chịu thuế giá trị gia tăng sang đối tượng chịu thuế, với mức thuế suất 5%...

Theo thông tin từ Bộ Tài Chính, dự kiến về hiệu lực thi hành của Nghị quyết từ ngày 1/1/2021. Tuy nhiên, trong bối cảnh khó khăn hiện nay, theo chia sẻ của một số DN ngành phân bón, trên cơ sở đề xuất của các DN trong ngành, có khả năng Nghị quyết này sẽ có hiệu lực ngay trong quý 4, hoặc chậm nhất là đầu năm 2021 (ngày 1/1/2021).

Cổ phiếu ngành phân bón “nổi sóng” nhờ kỳ vọng sửa đổi Luật số 71 - Ảnh 1.

Sản xuất NPK tại một doanh nghiệp ngành phân bón (Ảnh: Quốc Hải)

Bất ngờ với đà tăng của cổ phiếu phân bón

Trong bối cảnh hạn hán, ngập mặn kỷ lục tại đồng bằng sông Cửu Long, rồi đến dịch bệnh Covid-19 bùng phát tới 2 lần…, cổ phiếu ngành phân bón được nhiều công ty chứng khoán khuyến nghị kém khả quan trong năm 2020.

Thêm vào đó, chính bản thân các DN ngành phân bón cũng dè dặt đặt mục tiêu kinh doanh cho năm 2020, khiến cổ phiếu ngành phân bón càng khó hút dòng tiền. 

Tuy nhiên, trong vài tuần trở lại đây, nhóm cổ phiếu ngành phân bón lại thu hút sự quan tâm của giới đầu tư, khiến giá tăng mạnh, tính thanh khoản ở nhóm cổ phiếu này cũng gia tăng so với những tháng trước đó.

Chẳng hạn, giá cổ phiếu BFC, LAS… đã tăng từ 30% đến 50% so với thời điểm cuối tháng 7 khi có thông tin chính thức Chính phủ chỉ đạo Bộ Tài chính làm đầu mối xử lý vướng mắc cho DN phân bón.

Nếu so với thời điểm đầu năm, có mã chứng khoán ngành phân bón còn tăng giá tới hơn 100% như cổ phiếu DCM, hiện giao dịch ở mức 12.800 đồng/CP, đang ở vùng giá cao nhất trong mấy năm trở lại đây. Trong khi đó, DPM cũng đang được giao dịch ở mức giá 17.200 đồng/cổ phiếu, tăng hơn 60% so với thời điểm đầu năm.

Cổ phiếu ngành phân bón “nổi sóng” nhờ kỳ vọng sửa đổi Luật số 71 - Ảnh 2.

Sản xuất phân bón tại Đạm Cà Mau

Nguyên nhân thúc đẩy đà tăng giá của nhóm cổ phiếu phân bón được lý giải là do thông tin Bộ Tài chính mới đây đã công bố dự thảo đề xuất Chính phủ trình Quốc hội sửa đổi Luật số 71/2014/QH13 để phân bón từ đối tượng không chịu thuế giá trị gia tăng sang đối tượng chịu thuế, với mức thuế suất 5%, dự kiến sẽ chính thức có hiệu lực từ 1/1/2021.

"Chính sách thuế sửa đổi vào thời điểm này thực sự là cú hích quan trọng giúp các DN sản xuất phân bón phục hồi trở lại sau nhiều năm suy giảm lợi nhuận, thậm chí không ít DN trong ngành thua lỗ", ông Phùng Hà, Tổng thư ký Hiệp hội Phân bón Việt Nam (VNFAV), nhận định.

Trước đó, các DN ngành phân bón liên tục đề xuất về việc sửa đổi Luật số 71/2014/QH13 (có hiệu lực từ năm 2015). Theo luật này, phân bón đang thuộc đối tượng chịu thuế giá trị gia tăng với thuế suất 5%, được xếp vào mặt hàng không chịu thuế giá trị gia tăng. Điều này khiến DN ngành phân bón không được khấu trừ thuế giá trị gia tăng của hàng hoá, dịch vụ mua vào phục vụ cho hoạt động sản xuất phân bón, mà phải tính vào chi phí sản phẩm, khiến giá thành tăng và lợi nhuận giảm.

Trong buổi gặp gỡ vào hồi tháng 6, bà Nguyễn Thị Hiền, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Phân bón Dầu khí Cà Mau (DCM), chia sẻ, hiện nay, khó khăn lớn với DN ngành phân bón trong nước là việc không được khấu trừ thuế, khiến DN suy giảm khả năng cạnh tranh với nguồn phân bón nhập khẩu từ nước ngoài.

"Việc tháo gỡ khó khăn với ngành sản xuất - kinh doanh phân bón thông qua áp dụng mức thuế giá trị gia tăng sẽ giúp DN ngành phân bón nâng cao nội lực, giảm giá bán thông qua hạ giá thành sản phẩm, giúp bà con nông dân tiết kiệm được chi phí đầu vào, nâng cao hiệu quả trong quá trình sản xuất, canh tác. Từ đó, giúp củng cố, phát triển ngành nông nghiệp Việt Nam trong tương lai", bà Hiền khẳng định.

Ngoài những thông tin tích cực về việc sửa đổi chính sách, một yếu tố quan trọng khác thúc đẩy đà tăng của cổ phiếu ngành phân bón trong vòng 1 tuần trở lại đây là những kết quả về kinh doanh bứt phá trong quý 3.

Chẳng hạn, tại Tổng Công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí (Đạm Phú Mỹ, HoSE: DPM), lũy kế 9 tháng đầu năm 2020 doanh thu Đạm Phú Mỹ đạt 5.832 tỷ đồng, tăng trưởng 8% so với cùng kỳ năm ngoái và thực hiện được 67% kế hoạch năm. Lợi nhuận sau thuế đạt 597 tỷ đồng, gấp 4 lần cùng kỳ năm 2019 và vượt 41,8% chỉ tiêu lợi nhuận được giao cho cả năm (kế hoạch lợi nhuận sau thuế 433 tỷ đồng). Lợi nhuận sau thuế thuộc về cổ đông công ty mẹ đạt 589 tỷ đồng.

DN phân bón và nông dân cùng hưởng lợi?

Theo ước tính của Hiệp hội Phân bón Việt Nam (VNFAV), với quy mô ngành phân bón trên 100.000 tỷ đồng hàng năm và tỷ lệ thuế toàn ngành không được khấu trừ ở mức 5%, các đơn vị toàn ngành gánh chịu 3.000 - 4.000 tỷ đồng/năm.

Cụ thể, số liệu của VNFAV cũng cho thấy, từ năm 2015, khi phân bón được xếp vào mặt hàng không chịu thuế giá trị gia tăng, mỗi năm, Công ty CP Phân bón Dầu khí Cà Mau (Đạm Cà Mau, mã DCM) không được khấu trừ gần 350 tỷ đồng tiền thuế.

Tổng công ty Phân bón và hóa chất Dầu khí (Đạm Phú Mỹ, mã DPM) từ năm 2015 đến nay không được khấu trừ 1.637 tỷ đồng tiền thuế.

Các đơn vị thuộc Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) không được khấu trừ khoảng 3.646 tỷ đồng tiền thuế.

6 tháng đầu năm 2020, số thuế không được khấu trừ của Đạm Cà Mau là 176,26 tỷ đồng; của Đạm Phú Mỹ là 156 tỷ đồng và của các đơn vị thuộc Tập đoàn Hóa chất Việt Nam là 400 tỷ đồng, chiếm từ 4 - 6% doanh thu.

Có thể thấy, đây là những con số lớn, nếu xem xét đến lợi nhuận sau thuế của các DN này trong giai đoạn 5 năm vừa qua.

Vì vậy, khi Nghị quyết sửa đổi Luật số 71/2014/QH13 có hiệu lực, với mức thuế suất 5% được áp dụng, các DN ngành phân bón sẽ được khấu trừ thuế, từ đó giảm giá thành sản xuất và giá bán phân bón đến người nông dân cũng được tiết giảm mạnh, nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh của ngành phân bón trong nước.