Trước đó, Dân Việt đã có bài phản ánh "Thái Nguyên: Nước ao đổi màu, cá chết hàng loạt, nghi do nhiễm độc nguồn nước". Theo đó, ông Hà Duy Văn (tổ dân phố 6, phường Châu Sơn, TP.Sông Công, tỉnh Thái Nguyên) phản ánh, bắt đầu từ khoảng tháng 7/2020, nước trong ao của gia đình ông đôi khi đổi màu từ màu xanh sang màu vàng ánh đồng, khiến cá chết liên tục.
Đến ngày 11/9/2020, nước trong ao cá của gia đình ông ngả màu vàng ánh đồng đặc sánh, khiến hàng chục tấn cá chết trắng ao.
Có một con mương nhỏ mới được đào và dẫn nguồn nước có màu đục lạ xuống đoạn ngòi mà gia đình ông Văn sử dụng cho ao cá. Con mương này xuất phát từ một nhà xưởng nằm trong khuôn viên xưởng sản xuất gạch của ông Nguyễn Văn Hưng (tổ dân phố Hương Sơn, phường Châu Sơn, TP.Sông Công). Chủ của nhà xưởng lạ này là ông Ngô Thượng Nam.
Trước tình trạng cá chết bất thường, ông Văn đã làm đơn đề nghị xem xét sự việc gửi lên UBND phường Châu Sơn cũng như các cơ quan chức năng của TP.Sông Công để được hỗ trợ giải quyết.
Ngày 16/9/2020, UBND TP.Sông Công đã ra Quyết định số 1476/QĐ – UBND về việc thành lập đoàn kiểm tra giải quyết vụ việc cá bị chết hàng loạt tại hộ gia đình ông Hà Duy Văn.
Căn cứ vào Quyết định trên, ngày 18/9/2020, đoàn kiểm tra đã tổ chức mời các cơ quan, đơn vị liên quan tiến hành lấy mẫu nước, mẫu bùn, đất tại các vị trí của nhà ông Hà Duy Văn, suối Chùa Thông, cơ sở sản xuất của ông Ngô Thượng Nam làm căn cứ để giải quyết việc cá chết của gia đình ông Hà Duy Văn. Đoàn kiểm tra đã lấy tổng số 3 mẫu nước mặt, 1 mẫu nước thải, 2 mẫu đất, 2 mẫu trầm tích.
Ngày 19/10/2020, UBND TP.Sông Công đã tổ chức hội nghị để công khai kết quả phân tích các chỉ tiêu môi trường liên quan đến việc cá chết bất thường tại ao của hộ gia đình ông Hà Duy Văn do Trung tâm Quan trắc Tài nguyên và Môi trường Thái Nguyên phân tích.
Kết quả phân tích cho thấy, một số hàm lượng kim loại nặng như: Đồng, Sắt, Mangan, Asen và khí NH4N có trong các mẫu phân tích cao hơn nhiều lần so với quy chuẩn Việt Nam cho phép.
Đặc biệt, tại bảng số 2299/2020/ QTTNMT – KQ, kết quả đo, phân tích đối với mẫu đất được lấy tại vị trí xung quanh xưởng sản xuất của ông Ngô Thượng Nam, hàm lượng phân tử đồng có trong đất là 66.774mg/kg, vượt trên 667 lần. Ngoài ra, hàm lượng Asen cũng hơn 2,1 lần so với quy chuẩn Việt Nam cho phép.
Mặc dù đã có kết quả phân tích nhưng đến nay, TP.Sông Công vẫn chưa có kết luận chính thức về vụ việc nêu trên.
Được biết, ông Ngô Thượng Nam thuê khu đất trong khuôn viên cơ sở sản xuất gạch của ông Nguyễn Văn Hưng để xây dựng nhà xưởng (không rõ xưởng sản xuất sản phẩm gì). Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, cơ sở sản xuất của ông Ngô Thượng Nam vẫn chưa được cấp thẩm quyền cấp phép xây dựng. Chủ cơ sở chưa lập bản cam kết bảo vệ môi trường.
Nguồn nước phục vụ cho ao cá của nhà ông Văn cũng chính là nguồn nước cấp cho nhà máy cấp nước sinh hoạt của người dân TP.Sông Công. Do vậy, ông Hà Duy Văn kiến nghị các cơ quan chức năng có thẩm quyền cần khẩn trương xác minh làm rõ vì hành vi xả thải của ông Ngô Thượng Nam.