Nhớ lại những ngày đầu bắt tay vào công việc trưởng khu phố Đa Hội, ông Minh kể: Sản xuất thép ở làng nghề bùng nổ, rất nhiều năm bà con chỉ sản xuất, tập trung vào lợi nhuận, ngoài nhà mình ra thì không quan tâm đến những gì xảy ra xung quanh.
Hệ thống cống rãnh tiêu thoát nước của làng bị ùn ứ xỉ than, xỉ sắt, tắc hết các đường ống cống của làng. Cứ mưa là đường làng bị lụt, ô tô không thể vào lấy hàng được. Có những thời điểm, Đa Hội 24 giờ đều tắc đường vì xe khắp cả nước tới lấy hàng.
Nên việc đầu tiên ở cương vị Trưởng khu phố của ông Minh chính là... đi móc cống, dọn rác. Sau đó cải tạo hệ thống tiêu thoát nước của đường làng.
"Trước kia các rãnh nước đều mở ở ria đường, tôi vận động bà con đóng góp kinh phí, đưa hệ thống cống vào giữa đường để mở rộng đường hơn. Tiếp đó, tôi đề nghị lập dự án thay cột điện đã cũ gây nguy hiểm cho lưới điện, lắp đặt hệ thống chiếu sáng đường làng ngõ phố, làm cho buổi tối ở Đa Hội trở nên sáng sủa hơn và an toàn hơn", ông Minh chia sẻ.
Những việc làm đầu tiên của ông Minh được bà con nhân dân ủng hộ cả về kinh phí và tinh thần. Chỉ sau hơn 3 tháng, việc dọn rác và cải tạo đường sá giao thông trong làng đã thay đổi. Hiệu quả nhất là từ đó tới giờ, đường làng không còn bị úng lụt khi trời mưa nữa, không còn cảnh các cháu đi học lội bì bõm. Dân làng thấy thế mừng lắm.
Sau khi dọn rác khắp làng, việc lớn thứ hai ông trưởng khu phố Trần Minh bắt tay vào làm là cải tạo khu nghĩa trang của làng. Trước kia khu nghĩa trang của làng khá lộn xộn, những gia đình có người mất tiện đâu thì chôn đó, cỏ và cây dại mọc cao lút đầu người. Đường ra nghĩa trang rất lầy lội, mỗi lần người làng có đám, bà con đi đưa rất vất vả và mất mỹ quan.
Chính vì vậy, ông Minh đã cùng bà con lại bắt tay vào cải tạo, quy hoạch lại nghĩa trang với kinh phí dân làng ủng hộ 8,5 tỷ đồng. Nghĩa trang Đa Hội đã được chỉnh trang lại toàn bộ hệ thống điện chiếu sáng, nhà tang lễ, biến khu nghĩa trang từ hoang vu thành một khu tâm linh đẹp như công viên.
Nói về việc làm của mình, ông Minh chia sẻ: "Tất cả những việc tôi cùng bà con nhân dân làm là để cải tạo môi trường sống, thay đổi cảnh quan làng xóm. Nhưng quan trọng nhất là dân làng đã thay đổi nhận thức. Bà con có ý thức hơn về cộng đồng, xây dựng làng xóm đoàn kết, văn minh và hiện đại hơn".
Vốn là người trân trọng tình làng nghĩa xóm, muốn gìn giữ mối quan hệ thân mật và sẻ chia của cộng đồng, việc tiếp theo trên cương vị là trưởng khu phố, ông Minh quyết tâm làm bằng được là lập hương ước cho làng.
"Cũng chính từ những buổi họp mặt này, tôi nhận ra vai trò của những người Đảng viên rất quan trọng và cũng rất được coi trọng. Các cụ cao niên trong làng luôn luôn tôn trọng và lắng nghe ý kiến của các Đảng viên. Chính bản thân tôi, khi nghe những Đảng viên trong khu phố góp ý kiến đều cảm thấy rất thấu tình, đạt lý và có độ thuyết phục cao", ông Trần Minh chia sẻ.
"Để thiết lập được bản hương ước cụ thể như hiện nay với 3 chương, 24 điều và được UBND thị xã Từ Sơn công nhận, chúng tôi đã có hàng chục buổi họp với các cụ cao niên trong làng, rồi với các hội, đoàn thể, dân chính Đảng để mọi người góp ý. Hương ước được lập ra đã quy định cách cư xử giữa các đinh, các giáp, dòng họ trong làng với nhau, quy định những việc hiếu hỉ hội hè trong làng, rồi người trên kẻ dưới, quy định về khuyến học, khuyến tài rất cụ thể", ông Minh kể.
Sau khi thống nhất được các nội dung trong hương ước, ông Minh đã cho phát thanh hàng chục buổi, rồi lập hẳn thành bảng ở những nơi công cộng để mọi người dân lúc nào cũng có thể xem và đọc được. Kể từ khi lập được hương ước, các vụ việc bức xúc, căng thẳng giữa bà con trong làng với nhau giảm hẳn, tình hình làng xóm cũng trật tự và quy củ hơn rất nhiều...
"Cũng chính từ những buổi họp mặt này, tôi nhận ra vai trò của những người Đảng viên rất quan trọng và cũng rất được coi trọng. Các cụ cao niên trong làng luôn luôn tôn trọng và lắng nghe ý kiến của các Đảng viên. Chính bản thân tôi, khi nghe những Đảng viên trong khu phố góp ý kiến đều cảm thấy rất thấu tình, đạt lý và có độ thuyết phục cao. Và chẳng hiểu từ lúc nào, trong mình đã hình thành ý nghĩ sẽ phải cố gắng phấn đấu để được đứng trong hàng ngũ của Đảng dù trước đó, mình chỉ luôn tâm niệm làm sao làm ăn, kinh doanh thật tốt để có thể giúp mình, giúp người", ông Minh thành thực chia sẻ.
Cũng với việc nêu cao tinh thần dám nghĩ dám làm, đi trước, làm trước như một Đảng viên đích thực, ông Minh tiếp tục kêu gọi bà con đóng góp để xây dựng Cụm văn hóa tâm linh Đa Hội, bao gồm đình, chùa và nhà thờ mẫu với tổng kinh phí gần 50 tỷ đồng.
Ông Minh kể: Đây chính là việc vất vả nhất từ khi làm trưởng khu phố của tôi. Để thu hút được sự quan tâm của mọi người, cùng chung tay đóng góp số tiền lớn như thế, trước hết chúng tôi phải có một ban vận động quyên góp kinh phí hết sức minh bạch từ kế toán, thủ quỹ đến hội đồng giám sát nhân dân. Ai ủng hộ bao nhiêu đều có hóa đơn và lập sổ ghi chi tiết cụ thể.
Để có kinh phí 50 tỷ đồng đối với một khu phố không phải là chuyện dễ. Do đó, ban lãnh đạo khu phố ông Minh đã phải xây dựng dự án hết sức tỉ mỉ, rà soát từng hạng mục. Đặc biệt cả đình và chùa đều làm hồ sơ chi tiết, được Bộ VHTTDL phê duyệt về mặt thiết kế, chứ không phải làm ngẫu hứng theo kiểu làng xóm thích gì làm nấy được.
Nói về những công việc của khu phố, xóm làng mà ông Trần Minh đã đứng ra gánh vác, tại buổi họp hội đồng quan đám của khu phố Đa Hội, ông Lưu Quang Toàn - 78 tuổi, đại điện cho người lớn tuổi trong thôn - chia sẻ: 80 năm trước giặc Pháp đã càn qua quê tôi và đốt mất ngôi đình làng. Nhiều thế hệ người dân Đa Hội muốn khôi phục lại lắm. Nhưng phải đến khi anh Minh làm Trưởng khu phố, bà con mới tin tưởng quyên góp tiền để xây dựng được ngôi đình, chùa và Cụm văn hóa tâm linh Đa Hội này.
Ông Toàn nhấp ngụm trà, rồi nói thêm: Là người Đa Hội, đi xa về gần ai cũng có quyền tự hào về làng xóm mình. Lớp người cao tuổi như chúng tôi nhìn thấy diện mạo quê hương thay đổi càng thấy tin tưởng hơn vào cái tâm của anh Minh. Tôi tin là thực tâm anh Minh dành rất nhiều tình cảm cho quê hương nên mới có thể chú tâm góp sức xây dựng Đa Hội giàu đẹp và phát triển văn minh như ngày nay".
(Còn nữa)