Dân Việt

ĐBQH: Có hay không lãnh đạo cấp cao đứng sau các tập đoàn lợi ích nhóm, bao che cho các sai phạm?

Quỳnh Nguyễn 26/10/2020 19:27 GMT+7
Một số ĐBQH đã đặt câu hỏi có hay không lãnh đạo cấp cao đứng sau các tập đoàn lợi ích nhóm, bao che cho các sai phạm, tội phạm tham nhũng.

Chiều ngày 26/10, tại kỳ họp thứ 10, Quốc hội XIV đã thảo luận về các báo cáo công tác của Chánh án TAND Tối cao, Viện trưởng VKND Tối cao; công tác phòng ngừa, chống tội phạm và vi phạm pháp luật; công tác thi hành án và công tác phòng, chống tham nhũng năm 2020.

Lãnh đạo cấp cao bỏ trốn ra nước ngoài trước khi bị khởi tố, vì sao?

Tại phiên thảo luận, một số Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đã thẳng thắn đặt câu hỏi về việc có hay không lãnh đạo cấp cao đứng sau các tập đoàn lợi ích nhóm, bao che cho các sai phạm, tội phạm trốn tránh sự trừng phạt của pháp luật.

ĐB Trần Thị Quốc Khánh (Hà Nội) nêu rõ: Có một số vụ án nghiêm trọng nổi cộm thời gian qua không được nêu trong báo cáo của Chính phủ do Bộ Công an trình bày, nhất là các vụ việc khởi tố bắt giam, tạm giam đối với một số lãnh đạo cao cấp do Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý…

Có lãnh đạo cấp cao bao che cho tội phạm tham nhũng? - Ảnh 1.

Đại biểu Trần Thị Quốc Khánh (đoàn Hà Nội).

Theo ĐB Khánh, việc các lãnh đạo doanh nghiệp, cựu lãnh đạo cơ quan nhà nước bỏ trốn ra nước ngoài trước khi bị khởi tố phát lệnh truy nã gây khó khăn cho công tác điều tra tội phạm tham nhũng, khiến cử tri băn khoăn.

"Trách nhiệm này thuộc về ai? Vì sao lại có người liên quan đến tham nhũng lớn, thất thoát tiền của nhân dân lại có thể trốn tránh được các cơ quan điều tra rất dày đặc của chúng ta?", ĐB Khánh đặt câu hỏi.

ĐB Khánh cũng dẫn chứng tình trạng hệ thống các ngân hàng hiện nay dường như chỉ tập trung phục vụ các khách hàng lớn là các tập đoàn lớn dẫn đến xảy ra các vụ thất thoát lớn hàng nghìn tỷ đồng. Trong khi đó, các doanh nghiệp nhỏ và vừa và người dân thì lại khó tiếp cận vốn vay.

"Xin đề nghị Chính phủ cho biết có hay không tình trạng một số lãnh đạo quản lý cấp cao đứng sau các tập đoàn doanh nghiệp lớn liên kết không minh bạch với các ngân hàng để phục vụ lợi ích nhóm khi xem xét xử lý, tạo thuận lợi cơ hội cho họ trốn tránh sự trừng phạt của pháp luật?" - ĐB Khánh nói.

"Việc của dân thì đè ra xử, cơ quan nhà nước thì không ai chịu trách nhiệm"

Đồng quan điểm với ĐB Trần Thị Quốc Khánh, ĐB Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre) bày tỏ băn khoăn trước việc có hay không sự bao che hay can thiệp trái pháp luật trong công tác phòng chống tham nhũng.

Theo ĐB Lưu Bình Nhưỡng, công tác thanh tra, giải quyết tố cáo phát hiện nhiều sai phạm trong nhiều lĩnh vực như đất đai, xây dựng, quản lý tài chính, ngân sách, nhưng việc kết luận hành vi tham nhũng trong các sai phạm này còn có hạn. Nguyên nhân của hiện trạng này xuất phát từ đâu? nếu không phải bao che thì phải chăng do năng lực của các cơ quan phòng chống tham nhũng chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn?

Có lãnh đạo cấp cao bao che cho tội phạm tham nhũng? - Ảnh 3.

Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng (đoàn Bến Tre).

ĐB Nhưỡng cũng dẫn chứng một thực tế khá nhiều vụ việc người dân kêu oan, bức xúc được ĐBQH chuyển đến các cơ quan có thẩm quyền xem xét nhưng dường như không được nghiên cứu một cách kỹ lưỡng, nghiêm túc.

Khi thông báo trả lời của các cơ quan đến ĐBQH luôn khẳng định không có cơ sở hoặc cho rằng không có dấu hiệu phạm tội. Trong khi dư luận nêu đầy đủ cơ sở, lập luận chứng cứ rõ ràng, trong khi đó tìm cách đưa từng vấn đề có dấu hiệu phạm tội sang vấn đề khiếu nại tố cáo để "giơ nhẹ đánh khẽ".

"Thậm chí, một số đơn vị, cơ quan, thực hiện chính sách nhạc không lời, có nghĩa là cứ tấu nhưng cuối cùng người ta không trả lời, gọi là nhạc không lời hoặc là lặng im. Việc của dân thì chúng ta cứ đè ra xử, còn cơ quan nhà nước không có ai chịu trách nhiệm cả", ông Nhưỡng nói.

ĐB Nhưỡng dẫn chứng trường hợp của Chủ tịch UBND huyện Phú Quốc (Kiên Giang) phải chịu mấy bản án nhưng vẫn tiếp tục được bầu làm bí thư kiêm chủ tịch huyện, việc thi hành án cũng dậm chân tại chỗ khiến dư luận rất bức xúc.