Ai không bị xử lý hình sự vụ án bán quyền thu phí cao tốc TP.HCM – Trung Lương?

Nguyễn Hoà Thứ hai, ngày 26/10/2020 16:53 PM (GMT+7)
Cáo trạng mà Viện Kiểm sát nhân dân (VKSND) tối cao truy tố ông Đinh La Thăng, Nguyễn Hồng Trường cùng các đồng phạm thể hiện, có nhiều người liên quan trong vụ bán quyền thu phí cao tốc TP.HCM – Trung Lương không bị xử lý hình sự.
Bình luận 0

Cụ thể, thành viên hội đồng bán đấu giá quyền thu phí cao tốc TP.HCM – Trung Lương gồm ông La Văn Thịnh – Phó Cục trưởng Cục Quản lý công sản Bộ Tài chính, ông Hồ Hữu Hòa – Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế Bộ Giao thông vận tải; ông Nguyễn Văn Bốn – Cục trưởng cục Bổ trợ tư pháp Bộ Tư pháp; ông Nguyễn Xuân Cường – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam.

Kết quả điều tra xác định các cá nhân trên không nhận được báo cáo của tổ thường trực giúp việc về việc báo cáo kết quả đánh giá hồ sơ năng lực của Công ty Yên Khánh, Công ty Khánh An.

Các cá nhân này cũng không được Chủ tịch hội đồng bán đấu giá mời họp để đánh giá hồ sơ tham gia đấu giá quyền thu phí cao tốc TP.HCM – Trung Lương của Công ty Yên Khánh, Công ty Khánh An.

Ngoài ra, ông La Văn Thịnh và ông Hồ Hữu Hòa tham gia, ký vào biên bản bán đấu giá ngày 15/11/2013.

Tuy nhiên, do quyền thu phí cao tốc TP.HCM – Trung Lương là tài sản đường bộ mang tính chất chuyên ngành, đặc thù theo đó Bộ Giao thông vận tải là cơ quan chủ trì trong quá trình thực hiện việc chuyển giao quyền thu phí theo chủ trương của Chính phủ.

Những ai không bị xử lý hình sự ở vụ án ông Đinh La Thăng vừa bị truy tố? - Ảnh 1.

Cơ quan điều tra xác định, ông Đinh La Thăng, Nguyễn Hồng Trường là những người có trách nhiệm chính, xuyên suốt trong vụ việc.

Xét thấy việc ông La Văn Thịnh và ông Hồ Hữu Hòa ký vào biên bản bán đấu giá chỉ mang tính chất thủ tục theo quy chế bán đấu giá quyền thu phí đã được phê duyệt, vì vậy Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an không xử lý về hình sự là phù hợp.

Tuy nhiên, VKSND tối cao nhận định, Cơ quan chủ quản cần phải xử lý hành chính nghiêm khắc.

Ngoài thành viên hội đồng bán đấu giá quyền thu phí cao tốc TP.HCM – Trung Lương, thành viên tổ thường trực giúp việc hội đồng bán đấu giá quyền thu phí cũng được xác định có sự liên quan.

Các ông Lê Trung Khê – chuyên viên Vụ Tài chính Tổng cục Đường bộ Việt Nam; bà Phạm Thị Tuyết – chuyên viên Cục Quản lý công sản Bộ Tài chính; bà Trần Thị Vân Anh – chuyên viên Vụ Pháp chế Bộ Giao thông vận tải và ông Trần Ngọc Quốc Khanh – chuyên viên Phòng Tài chính kế toán, Tổng Công ty Cửu Long.

Các cá nhân trên đã ký vào biên bản họp tổ thường trực giúp việc hội đồng bán đấu giá lần thứ 1 (ngày 4/11/2013) về việc đánh giá hồ sơ tham dự đấu giá của Công ty Yên Khánh, Công ty Khánh An, nhưng thực tế không tham gia cuộc họp của tổ thường trực giúp việc để đánh giá năng lực tài chính của 2 công ty nêu trên.

Những ai không bị xử lý hình sự ở vụ án ông Đinh La Thăng vừa bị truy tố? - Ảnh 2.

Đường cao tốc TP.HCM – Trung Lương là đường cao tốc nối TP.HCM với Tiền Giang nói riêng, các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long nói chung, dài 50km. Trong việc bán quyền thu phí cao tốc này, có nhiều cá nhân, tập thể có liên quan nhưng không đủ cơ sở để xử lý hình sự.

Tuy nhiên, trước khi ký biên bản họ được bị can Dương Thị Trâm Anh điện thoại thông báo do thời gian gấp, vì vậy yêu cầu ký để hoàn thiện thủ tục trình hội đồng bán đâu giá cho kịp tiến độ.

Các cá nhân này khi thực hiện không có động cơ vụ lợi, do đó Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an không xử lý về hình sự là phù hợp, nhưng Cơ quan chủ quản cần phải xử lý hành chính nghiêm khắc.

Chính quyền sở tại ở TP.HCM cũng được xác định có liên quan. Theo đó, bà Phạm Vũ Ánh Minh, ông Võ Thành Việt là Phó Chủ tịch UBND phường 2, quận 4, ngày 1/11/2013 đã có hành vi ký chứng thực bản sao đúng với bản chính trên bản sao báo cáo tài chính đã có xác nhận của đơn vị kiểm toán của Công ty Yên Khánh, Công ty Khánh An.

Theo VKSND tối cao, khi ký bà Ánh Minh, ông Việt tin tưởng vào bộ phận tiếp nhjna, trả hồ sơ của UBND phường đã kiểm tra, đối chiếu hồ sơ xin chứng thực của Công ty Yên Khánh, Công ty Khánh An.

Bà Minh, ông Việt không biết hành vi gian dối của Đinh Ngọc Hệ khi chứng thực các tài liệu này để sử dụng vào mục đích tham gia đấu giá quyền thu phí cao tốc TP.HCM – Trung Lương. Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an cũng không xử lý hình sự với 2 người này.

Bộ Tài chính cũng có vai trò liên quan trong sự việc. Cụ thể, quá trình xây dựng đề án bán quyền thu phí cao tốc TP.HCM - Trung Lương, Bộ Tài chính đã có 3 văn bản tham gia ý kiến gửi Bộ Giao thông vận tải.

Văn bản số 4688 ngày 15/4/2013 do bà Nguyễn Thị Minh – Thứ trưởng ký, nội dung "Đồng ý, thống nhất với Bộ Giao thông vận tải chuyển giao quyền thu phí cao tốc TP.HCM – Trung Lương trong 05 năm…"; văn bản số 9855 ngày 29/7/2013 do ông Nguyễn Hữu Chí – Thứ trưởng ký, nội dung "đề nghị Bộ Giao thông vận tải quyết định mức giá khởi điểm bán đấu giá quyền thu phí, thành lập hội đồng bán đấu giá hoặc thuê tổ chức có chức năng bán đấu giá để bán đấu giá quyền thu phí cao tốc TP.HCM – Trung Lương theo quy định"..

Việc Bộ Tài chính đề nghị Bộ Giao thông vận tải làm Chủ tịch hội đồng bán đấu giá, hướng dẫn Bộ Giao thông vận tải áp dụng nghị định để bán chỉ định đối với tài sản Nhà nước trong trường hợp chỉ có một người tham gia đấu giá là chưa phù hợp.

Tuy nhiên, do quyền thu phí cao tốc TP.HCM – Trung Lương là tài sản đặc thù, có tính chất chuyên ngành của Bộ Giao thông vận tải, vì vậy Bộ Tài chính đã đề nghị Bộ Giao thông vận tải làm Chủ tịch hội đồng bán đấu giá.

Việc bán chỉ định, Bộ Tài chính hướng dẫn áp dụng trong trường hợp khi hết thời hạn đăng ký tham gia đấu giá chỉ có một người đăng ký tham gia, trong vụ án này, hết thời hạn đăng ký tham gia đấu giá vẫn có 2 đơn vị đăng ký tham gia đấu giá, nhưng bị can Dương Tuấn Minh chỉ ký giấy mời 1 đơn vị là Công ty Yên Khash tham gia đấu giá, tổ chức bán đấu giá theo hình thức chỉ định, không báo cáo xin ý kiến Bộ Tài chính.

Cơ quan Cảnh sát điều tra không xem xét xử lý hình sự, mà kiến nghị xử lý kỷ luật về Đảng và chính quyền đối với những cá nhân có liên quan thuộc Bộ Tài chính. VKSND tối cao nhận định việc không xử lý hình sự này là phù hợp.

Đáng chú ý, đương kim Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể cũng được xác định có liên quan trong vụ án ở giai đoạn trước.

Liên quan đến nội dung sai phạm trong việc quản lý hợp đồng bán quyền thu phí số 4746 ngày 30/12/2013, tài liệu điều tra xác định trách nhiệm chính thuộc về cựu Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Đinh La Thăng, cựu Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường xuyên suốt từ khi lập đề án, tổ chức bán đấu giá đến thực hiện chuyển giao quyền thu phí.

Với ông Nguyễn Văn Thể, việc không chỉ đạo chấm dứt hợp đồng với Công ty Yên Khánh có một phần trách nhiệm của ông này. Tuy nhiên, đây không phải là nguyên nhân dẫn đến hậu quả thiệt hại trong vụ án, do vậy không đủ cơ sở để xem xét trách nhiệm hình sự đối với ông Nguyễn Văn Thể.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem