Quy định làm khó doanh nghiệp phân bón
Bộ Tài chính cho biết, để góp phần hỗ trợ tối đa cho nông dân và để giảm giá bán phân bón (phân bón sản xuất trong nước và phân bón nhập khẩu đều không có thuế giá trị gia tăng trong giá bán), Quốc hội đã thông qua Luật số 71/2014/QH13 sửa đổi, bổ sung một số điều tại các Luật về thuế (có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2015).
Theo quy định tại Luật thì phân bón thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT (phân bón nhập khẩu và phân bón sản xuất trong nước đều thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT); doanh nghiệp sản xuất phân bón không được khấu trừ thuế GTGT của hàng hoá, dịch vụ mua vào (kể cả thuế GTGT của hàng hóa mua vào hoặc nhập khẩu để tạo tài sản cố định). Số thuế GTGT đầu vào này được tính vào chi phí khi tính thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN).
Quy định nêu trên đã hỗ trợ giá đầu vào cho nông dân nhưng doanh nghiệp sản xuất phân bón trong nước gặp khó khăn.
Do vậy, trong thời gian qua Bộ Tài chính nhận được kiến nghị của Bộ Công Thương, Bộ NNPTNT, Hiệp hội Phân bón, các doanh nghiệp sản xuất phân bón cho rằng quy định trên khiến các doanh nghiệp sản xuất phân bón gặp khó khăn do không được kê khai, khấu trừ thuế GTGT đầu vào của hàng hóa, dịch vụ (bao gồm cả hoạt động đầu tư, mua sắm tài sản cố định) phục vụ cho hoạt động sản xuất phân bón mà phải tính vào chi phí sản phẩm, khiến giá thành tăng và lợi nhuận giảm; bất lợi trong cạnh tranh với hàng hóa nhập khẩu cùng loại.
Để hỗ trợ ngành sản xuất phân bón trong nước vượt qua khó khăn hiện nay, góp phần tăng sức cạnh tranh của mặt hàng phân bón, cần thiết phải ban hành Nghị quyết của Quốc hội về chính sách thuế GTGT để hỗ trợ, phát triển doanh nghiệp sản xuất phân bón.
Áp dụng mức thuế GTGT 5%
Để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và tránh vướng mắc trong thực hiện, Bộ Tài chính kiến nghị: Chuyển mặt hàng phân bón từ đối tượng không chịu thuế GTGT sang đối tượng chịu thuế GTGT với mức thuế suất 5%. Nội dung sửa đổi được thể hiện tại Điều 2 dự thảo Nghị quyết.
Bộ Tài chính cho biết, việc quy định mặt hàng phân bón thuộc đối tượng chịu thuế GTGT với thuế suất 5% là áp dụng ở tất cả các khâu: Nhập khẩu, sản xuất, bán buôn, bán lẻ đến tay người tiêu dùng, do đó tạo sự cạnh tranh bình đẳng giữa phân bón sản xuất trong nước với phân bón nhập khẩu cùng loại.
Do yêu cầu cấp bách của việc hỗ trợ và tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp sản xuất phân bón, Bộ Tài chính trình Chính phủ trình Quốc hội về hiệu lực thi hành của Nghị quyết từ ngày 01/01/2021.
Về phía Bộ Tư pháp, ngày 22/10/2020, Bộ đã có báo cáo thẩm định số 221/BCTĐ-BTP về dự thảo Nghị quyết.
Bộ Tư pháp về cơ bản đồng tình với dự thảo Nghị quyết Bộ Tài chính xây dựng, cụ thể: Bộ Tư pháp nhất trí về sự cần thiết ban hành Nghị quyết, tính hợp hiến, tính hợp pháp, tính thống nhất của dự thảo với hệ thống pháp luật, tính khả thi của dự thảo Nghị quyết, tính tương thích với điều ước quốc tế có liên quan mà Việt Nam là thành viên, sự cần thiết, tính hợp lý và chi phí tuân thủ các thủ tục hành chính trong dự thảo văn bản.
Bộ Tư pháp cũng nhất trí với với nội dung đề xuất chuyển mặt hàng phân bón từ đối tượng không chịu thuế GTGT sang đối tượng áp dụng mức thuế suất 5% để hỗ trợ ngành sản xuất phân bón trong nước.
Về hình thức văn bản, Bộ Tư pháp có ý kiến, do mặt hàng phân bón đã được quy định tại Luật Thuế GTGT nên khi thay đổi chính sách thuế GTGT đối với mặt hàng này cần cân nhắc sửa đổi, bổ sung Luật Thuế GTGT và đề nghị Bộ Tài chính giải trình rõ về việc ban hành dưới hình thức Nghị quyết.
Mời bạn đọc xem toàn văn dự thảo và góp ý tại đây.